01/02/2023 08:32 GMT+7 | Văn hoá
Nhà thơ Giang Nam sinh ngày 2/2/1929 (tức 23 tháng Chạp năm Mậu Thìn 1928) trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Bình Trị, xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa... Ông rời dương thế vào ngày 23/1/2023 (tức mồng 2 Tết Quý Mão), sau 95 Xuân "dạo chơi" ở cõi tạm...
Tôi có dịp gặp nhà thơ Giang Nam tại nhiều hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng có một kỷ niệm về ông tôi nhớ nhất là tại Hội thảo khoa học 40 năm văn nghệ Việt Nam - Đổi mới và hội nhập do Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam và UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức ngày 24/4/2015 tại di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
Bên bàn trà, mọi người vây quanh Giang Nam. Lúc đó, đồng chí Trần Lưu Quang (hiện là Phó Thủ tướng Chính phủ) giữ cương vị là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh dự hội thảo trân trọng tiếp chuyện, đọc thơ Giang Nam. Khi nghe các nhà văn đọc thuộc bài thơ Quê hương, đôi mắt Giang Nam nheo nheo cười xúc động. Chậm rãi, ông trả lời mọi người quan tâm về "cô bé nhà bên"...
Có một nhà báo sang góp vui: "Bác Giang Nam ơi, ngày cháu học cấp 3 có một cô giáo về thực tập tại trường và dạy bài thơ Quê hương. Bao tâm huyết cô dành cho bài giảng. Đến giờ, cháu vẫn ngân ngấn niềm xúc động. Mấy bạn nữ sụt sịt...".
Người nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa
Tên khai sinh của Giang Nam là Nguyễn Sung. Noi gương hai anh trai: Nguyễn Lưu và Nguyễn Quang, sau khi học xong bậc tiểu học tại huyện nhà, ông tiếp tục học tại Trường Quốc học Quy Nhơn và thi đỗ thành chung. Cách mạng tháng Tám bùng nổ (8/1945), khi mới hơn 16 tuổi, Giang Nam cùng hai anh tham gia kháng chiến tại quê nhà.
(Nguyễn Lưu – sau là Trưởng ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa, hy sinh 9/1955 và GS-TS ngôn ngữ học Nguyễn Quang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).
Sự kiện đến với cách mạng sau này đã được ông đưa vào bài thơ Quê hương: "Cách mạng bùng lên/ Rồi kháng chiến trường kỳ/ Quê tôi đầy bóng giặc/ Từ biệt mẹ tôi đi".
Phong trào chống Mỹ khởi đầu từ năm 1955 tiếp nối các phong trào yêu nước từ kháng chiến chống Pháp. Đảng chủ trương thành lập một mặt trận rộng rãi, quy tụ lực lượng yêu nước và cách mạng, công khai và bí mật ở cả ba vùng chiến lược: Thành phố, đồng bằng và miền núi.
Năm 1963, Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam ra đời trong hoàn cảnh đó.
Giang Nam bồi hồi nhớ lại khi đang công tác ở Ban Tuyên huấn Khu 6 nhận được điện khẩn mời họp của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục do đồng chí Trần Bạch Đằng ký. Sau mấy mươi ngày đi đường, ông gặp nhà văn Nguyễn Văn Bổng cùng vào khu R và bất ngờ nghe thông báo: "Chúng mình cùng vào củng cố và ra mắt Hội Văn nghệ Giải phóng theo chỉ thị của trung ương".
Duyên nghiệp gắn Giang Nam với mảnh đất Nam bộ từ đó với trọng trách là Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng cùng Nguyễn Văn Bổng và chủ tịch hội là nhà viết cải lương nổi tiếng Trần Hữu Trang. Ngoài chức Phó Tổng thư ký, Giang Nam còn kiêm Tổng biên tập báo Văn nghệ Giải phóng và Ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định.
Ông vẫn không quên lời dặn của đồng chí Nguyễn Văn Linh khi đó là Phó Bí thư Trung ương Cục chủ trì cuộc họp (3 ngày) với văn nghệ sĩ. Đồng chí khuyến khích văn nghệ sĩ "Cứ nói thật suy nghĩ của mình. Đảng cần nghe những lời nói thật". Sau khi được nghe các ý kiến phát biểu thẳng thắn, ông Linh đã có ý kiến chỉ đạo sâu sắc: "Đào tạo được một nhà văn, một nghệ sĩ tài năng là vô cùng khó. Anh chị em là vốn quý của Đảng và của văn nghệ. Cuộc chiến đấu đã đi vào giai đoạn cực kỳ ác liệt. Chúng ta phải có trách nhiệm với anh chị em...". Sau khi quyết định đưa một số văn nghệ sĩ ra miền Bắc, Giang Nam được giữ ở lại miền Nam. Hội Văn nghệ Giải phóng mở rộng hoạt động, đoàn kết, tập hợp những nhà văn yêu nước tiến bộ trong vùng địch, đặc biệt là Sài Gòn...
Thơ Giang Nam đồng hành cùng dân tộc. Từ cái tôi sử thi là đặc điểm nổi bật của thơ ca kháng chiến, sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước và đặc biệt sau công cuộc đổi mới, thơ Giang Nam mở rộng biên độ, đề tài, quan tâm đến thế sự, số phận con người. Thơ ông như mới lại ở giọng thơ, ở bút pháp và trữ tình tạo ấn tượng đẹp.
Suốt đời, chung thủy với văn chương, với ông thơ phải bám gốc rễ vào đời sống, thơ trữ tình đi vào lòng người, bảo tồn văn hóa dân tộc: "Thơ Việt Nam phải mang đặc điểm Việt Nam, càng phát triển, đổi mới càng phải biết bảo tồn cái gì là Việt Nam, là dân tộc trong thơ". Đồng thời nhà thơ luôn "hoan nghênh những tìm tòi về hình thức", song ông cũng thẳng thắn chỉ ra "Mọi thứ làm dáng tôn vinh chữ nghĩa đều có mặt trái của nó là ngăn cản thơ đi vào lòng người"...
"Nhà thơ Giang Nam sống hiền như cây, kiên định như cây, mạnh mẽ như cây và nở hoa kết trái như cây trong gió bão…" - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều.
Định danh với bài thơ "Quê hương"
Con đường Giang Nam đến với văn chương là cơ duyên. Được ví là một một cây đại thụ của nền thi ca Việt Nam, nhưng thời kỳ đầu, ông khiêm tốn không tự nhận danh xưng nhà thơ và cũng từng "ngạc nhiên" không biết mình đã trở thành nhà thơ từ lúc nào. Thì ra, căn nguyên ông đến với thơ là viết cho mình, tự dặn lòng mình, xác định thơ văn là vũ khí đấu tranh, làm nhiệm vụ của người chiến sĩ cách mạng.
"Tôi thấm thía một điều: Cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc thống nhất Tổ quốc là ngọn nguồn cảm xúc, là niềm vui và nỗi đau trong thơ tôi" - ông quan niệm.
Nhiều bài thơ của Giang Nam như Quê hương, Nghe em vào đại học, Tiếng nói Việt Nam, Trước tờ giấy trắng, Giã từ Bến Tre, Mùa Xuân trên cao, Hạnh phúc, Quy Nhơn ngày anh về... đã neo bền trong tâm trí bạn đọc.
Ba bài thơ Quê hương, Nghe em vào đại học, Tiếng nói Việt Nam được đưa vào sách giáo khoa, trong đó cuộc đời, sự nghiệp Giang Nam gắn với bài thơ Quê hương.
Bài thơ là tượng đài bất diệt về tình yêu quê hương đất nước. Cũng chính bài thơ làm nên tên tuổi nhà thơ Giang Nam. Số phận bài thơ rất đặc biệt có nỗi riêng và tình chung với đất nước. Nguyên mẫu "cô bé nhà bên" chính là hiền thê Phan Thị Chiều - người vợ tảo tần, thủy chung của nhà thơ. Bà là nguồn cảm hứng bất tận cho đời thơ của ông.
Bài thơ Quê hương được sáng tác năm 1960 tại căn cứ của Tỉnh ủy Khánh Hòa, dưới chân núi Hòn Dù. Khi nghe tin vợ và đứa con gái duy nhất 10 tháng tuổi bị địch bắt và thủ tiêu, nỗi đau chồng lớp lớp: "Đau xé lòng anh, chết nửa con người". Bàng hoàng, xót đau "Không tin được dù đó là sự thật/ Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích, em ơi".
Dòng hoài niệm về "cô bé nhà bên" cứ tuôn chảy: "Hòa bình tôi trở về đây/ Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày/ Lại gặp em/ Thẹn thùng nép sau cánh cửa.../ Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ/ Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi)/ Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi/ Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...".
Bài thơ gửi ra miền Bắc đã trở thành bài thơ quen thuộc, chạm đến trái tim bao người. Ai cũng cảm nhận có một phần đời mình trong đó. Câu "Ai bảo chăn trâu là khổ", "Không tin được dù đó là sự thật"... đã được bạn đọc thuộc lòng, dùng phổ biến như một câu cửa miệng gần gũi.
Cuối năm 1961, tại căn cứ Củ Chi (Sài Gòn - Gia Định), ông bất ngờ biết tin vợ con vẫn sống và đã an toàn về sinh sống ở quê nhà Nha Trang. Do không đủ cơ sở buộc tội, bà Phan Thị Chiều được trả tự do ngay tại tòa. Cảm xúc dâng trào mãnh liệt, ông làm tiếp hai bài thơ: Ngày mai đi đón em và Con còn sống.
Bài thơ Ngày mai đi đón em là niềm vui vợ chồng gắn bện với tình đồng chí: "Công tác làm chung, no đói lo chung/ Gọi đùa nhau: Đồng chí vợ, đồng chí chồng/ Lừa địch phá vây, dựng gây từng cơ sở... Hãy yêu quê hương bằng trăm ngàn thuở trước/ Nơi mỗi bờ tre ấp ủ một chiến công/ Nơi mẹ dạy em: sống đơn giản, chết anh hùng/ Anh đã thay em làm tất cả... Có ai tính nhớ thương bằng nước mắt/ Hãy để tháng năm sống dậy trong lòng". Dằng dặc những tháng năm xa cách, ông hiểu sâu sắc tấm lòng người vợ thủy chung, người đồng chí trung kiên: "Con nhớ anh thường đêm biếng ngủ/ Nó khóc làm em cũng sụt sùi/ Anh nhớ gởi về manh áo cũ/ Ủ con, cho mẹ ấm nhờ hơi" (Lá thư thành phố)...
Ngày 15/8/2013 một lần nữa, nhà thơ lại đau nỗi đau hiền thê Phạm Thị Chiều đã ra đi mãi mãi. "Bệnh tật và tuổi già đã giằng bà ấy khỏi tay tôi, đó là nỗi buồn rất lớn". Lời tiễn biệt lần này không "nhầm" như hơn 60 năm trước mà là sự thật dù "không tin được". Ông lại khóc vợ lần thứ hai: "Đâu bàn tay mềm trong tay anh chai sạn/ Đâu nụ cười và nước mắt ướt vai anh/ Có phải em từ phía mùa xuân đến/ Nâng từng bước anh đi vượt gian khổ, thác ghềnh/ Cám ơn em và cám ơn mùa xuân/ Đã dành cho anh những gì đẹp nhất/ Nhớ lời dặn của em: "Hãy yêu mùa xuân như buổi đầu ta gặp"/ Anh thấy mình trẻ lại tuổi đôi mươi" (Cám ơn em, cám ơn mùa Xuân)...
Sống thiếu bà, nhưng ông luôn lấy hình ảnh của bà để tiếp tục làm chỗ dựa cho thơ mình. Gần 10 năm sau, ông đã trở về với "cô bé nhà bên", cùng dệt nên bản tình ca bất tử cùng thời gian.
Tôi xin mượn lời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong lễ truy điệu nhà thơ Giang Nam kết thúc bài viết như một nén hương tri ân, tôn vinh cống hiến của ông: "Sự ra đi của nhà thơ Giang Nam không bao giờ đồng nghĩa với sự kết thúc. Ông vẫn mãi mãi trong đời sống chúng ta với nụ cười trong sáng, một trái tim nhân hậu và một đời tận hiến cho dân tộc. Ông mãi mãi còn trong đời sống chúng ta cả trong những lúc khó khăn và thách thức nhất với những câu thơ vang dội của tình yêu quê hương...".
Cuộc đời, sự nghiệp nhà thơ Giang Nam
Nhà thơ Giang Nam sinh ngày 02/02/1929 (tức 23 tháng Chạp năm Mậu Thìn 1928) trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại làng Bình Trị, tổng Hiệp Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa (nay là làng Bình Trị, xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa)... Và nhà thơ rời dương thế vào ngày 23/1/2023 (tức mồng 2 Tết Quý Mão) cũng vào mùa Xuân sau 95 Xuân "dạo chơi" ở cõi tạm...
Tham gia cách mạng, lúc đầu, ông làm việc tại Uỷ ban Hành chính kháng chiến xã Hoà Dũng. Nhờ sự thông minh, năng khiếu văn chương, giỏi tiếng Pháp, ông được giao làm Trưởng ban Thông tin, cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Ninh Hoà. Kể từ sau đó, nhà thơ Giang Nam được giao nhiều trọng trách. Tháng 5/1948, ông điều động về Ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa với nhiệm vụ viết bài và biên tập chính cho báo Thắng, báo Trait d'Union (Gạch nối). Gần cuối cuộc kháng chiến, ông được đề bạt chức Phó Trưởng ty Văn hoá - Thông tin tỉnh Khánh Hoà. Sau Hiệp định Giơnevo, ông không tập kết ra Bắc mà ở lại địa phương hoạt động. Năm 1959, ông được giao nhiệm vụ Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Khánh Hoà. Cuối năm 1961, ông phụ trách bộ phận văn hoá văn nghệ Ban Tuyên huấn Khu 6 (Nam Trung bộ) mới thành lập, gồm các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và một phần Đắk Lắk. Năm 1963, ông được giao nhiệm vụ Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam, kiêm Tổng biên tập báo Văn nghệ Giải phóng và Uỷ viên Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định. Cuối năm 1977, ông là Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khoá 2 và 3); Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ (1978-1980); Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn (1981-1983); đại biểu Quốc hội khóa VI (1976-1981); Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh và Khánh Hòa (1984-1987). Từ năm 1989 đến 1993, ông là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phụ trách Văn xã cho đến khi nghỉ hưu.
Tác phẩm đã xuất bản gồm:
- Thơ: 7 tập: Tháng Tám ngày mai (1962), Quê hương (1965), Vầng sáng phía chân trời (1975), Hạnh phúc từ nay (1978), Thành phố chưa dừng chân (1985), Lắng nghe thời gian (2008), Tuyển tập thơ Giang Nam (2013); 2 tập trường ca: Người anh hùng Đồng Tháp (1969), Sông Dinh mùa trăng khuyết (2002).
- Văn xuôi: 2 tập truyện: Vở kịch cô giáo (1962), Người giồng tre (1969); 2 cuốn truyện ký: Trên tuyến lửa (1984), Rút từ sổ tay chiến tranh (1987); hồi ký văn học: Sống và viết ở chiến trường (2004).
- Giải thưởng: Giải 3 truyện ngắn Những người thợ đá của báo Thống nhất (1959); giải Nhì, tạp chí Văn nghệ (1961) với bài thơ Quê hương; Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam với tập thơ Quê hương (1960-1965); Giải thưởng VHNT Khánh Hòa 25 năm (1975-2000), Giải thưởng cho tập trường ca Sông Dinh mùa trăng khuyết (2002), Giải thưởng 2001-2005 cho hồi ký Sống và viết ở chiến trường; Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho trường ca Sông Dinh mùa trăng khuyết (2002).
Năm 2001, ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT (đợt 1) cho ba tập thơ Quê hương, Hạnh phúc từ nay và Thành phố chưa dừng chân. Năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ về việc cho trình bổ sung xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cho tác giả bài "Quê hương" bất hủ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất