Chơi “tiqui – taca” với tinh thần Đức?

01/06/2011 12:33 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Cả khái niệm “tiqui-taca” (triết lý bóng đá của Barcelona và lò La Masia) và “tinh thần Đức” (chiến đấu ngoan cường đến phút cuối với tân HLV trưởng Falko Goetz, một người Đức) đều không thuộc về người Việt. Nhưng, cái hay thì phải học và điều quan trọng, nó thích hợp với bóng đá chúng ta.

Không ai bắt được Goetz phải tiếp tục với “tiqui-taca”, nhưng rõ ràng ông thầy người Đức có thể thích nghi, từ đó đưa ra những điều chỉnh. Tất nhiên, chơi với “tiqui-taca” bằng tinh thần Đức (mơ ước thôi) thì còn gì bằng?!

Cuộc sống không Calisto

Rất nhiều các tuyển thủ đã phải thừa nhận, thật khó để làm quen với bầu không khí (tập luyện, thi đấu và sinh hoạt) không có Calisto. “Calisto là một HLV đặc biệt. Với ông ấy, không khí của đội bóng luôn rất rôm rả. Chúng tôi đã làm việc với ông ấy một thời gian đủ dài, tình thầy – trò, cha – con, hay thứ gì đó na ná thế”, trung vệ Lê Phước Tứ nhớ lại. “Cái cách ông ấy khiến chúng tôi tự ái, phát điên, thậm chí phát khóc, là để khơi dậy tinh thần chiến đấu”, lời Thành Lương.



Ảnh hưởng của HLV Calisto với bóng đá VN ở cấp độ ĐTQG

vẫn còn rất lớn. Ảnh: VSI

HLV Calisto là người khắt khe, nhưng cũng rất hài hước. “Ông ấy muốn được tôn trọng và ý thức vai trò trong công việc. Calisto dậy chúng tôi cách đòi lại trái bóng và kiểm soát – xử lý bóng theo cách của mình”, tiền vệ Thành Lương tiếp lời. “Tôi đã giật mình, khi ngày đầu tiên sang Thái làm việc, HLV Calisto đã gọi về cho tôi hỏi thăm. Và rất đều đặn, mỗi bận tôi ghi được bàn thắng, ông ấy đều gọi về chúc mừng, rồi động viên”, tâm sự của tiền đạo Việt Thắng.

Sau này hỏi ra mới biết, rất nhiều đồng đội của Thắng, những người từng là học trò của HLV Calisto cũng đều nhận được sự quan tâm như thế. Giờ không phải là lúc nói chuyện ông Calisto, vì ông đã đi rồi. Nhưng, những phát sinh tình cảm rất con người là có thật. Thói quen chơi bóng cũng thế, khi các ĐTQG dưới thời Calisto thực sự mang hơi hướng của bản sắc, có bài miếng rất cụ thể. Đây là bài toán khó cho người kế nhiệm: tiếp tục phát huy hay thay đổi?

Chơi “tiqui – taca” với tinh thần Đức?

Chưa (và có lẽ không bao giờ) chúng ta có thể đạt đến đẳng cấp của “tiqui-taca” thứ thiệt trong lối chơi của ĐTVN, nhưng rõ ràng đó là thứ triết lý bóng đá đầy cấp tiến. Với Calisto, câu chuyện bắt đầu từ những tìm tòi, điều chỉnh, dựa trên nền tảng của cơ địa và kỹ thuật đặc trưng của cầu thủ Việt. Đã một lần chúng ta leo đến đỉnh vinh quang với chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, nên điều đó chứng minh tính hiệu quả của hệ thống chiến thuật này.

Eric Abidal là người Pháp, Daniel Alves là người Brazil, David Villa người Tây Ban Nha nhưng không trưởng thành từ lò La Masia. Chỉ Leo Messi, một người Argentina nguyên bản, nhưng học bóng đá từ nhỏ ở xứ bò tót. Nhưng, cả 4 cái tên vừa nhắc như đều đã quyện vào lối chơi mang thương hiệu “tiqua-taca” lừng danh mấy năm nay. Ngay cả tân binh như Mascherano hay những cầu thủ trẻ, khi vứt họ vào sân cũng đã thích ứng rất nhanh. Tuy nhiên, nó không giống với một ông thầy như HLV Goetz.

Sự thật là mỗi HLV đều theo đuổi một trường phái - triết lý bóng đá riêng, không giống nhau và cũng không lặp lại. Họ có thể thành công ở đội bóng này, nhưng cũng có thể thất bại ở đội bóng khác; lên đến đỉnh vinh quang ở thời điểm này, nhưng thời điểm khác lại thất bại (Calisto với chỉ riêng ĐTVN là một viện dẫn gần nhất). Rất khó để thay đổi thói quen chơi bóng (ở đây là U23 VN và ĐTVN), nên chắc chắn Goetz cần thêm thời gian.

TÙY PHONG



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm