08/10/2019 19:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - WMW Session Vietnam 2019 - hội thảo nhạc điện tử hàng đầu châu Á - diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua tại Hà Nội. Sự kiện có sự góp mặt của nhạc sĩ: Huy Tuấn, Slim V, Dương K, Triple D, Onionn... cùng đại diện các hãng thu âm như Warner Muisc, Universal Music, Billboard châu Á...
Trong hai ngày hội thảo đã diễn ra nhiều nội dung, trong đó có những chia sẻ về thị trường nhạc Việt của các nhạc sĩ chủ nhà.
20 năm đổi thay
Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, có sự khác biệt khá lớn giữa thị trường âm nhạc Việt hiện nay so với trước đây: “Tôi mới học ở nước ngoài về, mọi thứ khá bỡ ngỡ và tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Tất cả những thứ lĩnh hội được ở nước ngoài thì ở Việt Nam lúc đó chưa có: chưa có thể loại âm nhạc nào rõ ràng, chưa có những album mang tính thể loại và khán giả cũng chưa có sự phân biệt rõ ràng thể loại nhạc mình yêu thích.
Các ca sĩ dùng lại bài của nhau rất nhiều. Chưa có ai ý thức được phương thức độc quyền một bài hát. Đến giờ thì mọi thứ tốt hơn rất nhiều, mỗi nghệ sĩ, ca sĩ đều có những sản phẩm mang dấu ấn riêng của mình, những nhà sản xuất cũng vậy”.
Nhạc sĩ - nhà sản xuất Slim V, Dương K và Triple D bày tỏ rằng, khi mới bắt đầu, họ cũng gặp khó khăn không khác gì nhạc sĩ Huy Tuấn, đó chính là không biết phải bắt đầu từ đâu.
SlimV chia sẻ: “Thời điểm mới bắt đầu, tôi học nhạc cổ điển, rất xa vời với mọi người… Khi công nghệ bùng nổ, tôi mới có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng nhưng thú thật là khi có sản phẩm rồi, làm thế nào để đến với mọi người vẫn là bài toán khó”.
Nhạc sĩ Dương K bảo lúc đầu bước vào nghề, anh thường làm theo đơn đặt hàng, nhưng thời gian sau chợt nhận ra mình chưa có gì trong tay. “Mãi tôi mới tìm được cá tính của mình và tôi cho rằng chỉ khi nào tìm được cái riêng thì nghệ sĩ mới có thể sinh tồn được trong làng nhạc” - anh nói.
Trong khi đó, Triple D bảo anh đã cố gắng học rất nhiều, làm rất nhiều lúc mới bắt đầu, sau đó dần đăng tải những sản phẩm ưng ý của mình lên mạng. “Tôi luôn nghe nhiều, học hỏi, chắt chiu những điều hay để sáng tạo. Có khi tôi remix, cover những bản nhạc Việt đang hot và gửi cho nghệ sĩ hoặc những nhà sản xuất nhạc. Từ từ làm quen và tạo mối quan hệ để nếu các anh chị em trong nghề thấy bài nào hợp sẽ nhờ tôi làm” - Triple D chia sẻ.
Đau đáu về việc chinh phục khán giả và bản quyền
Sự phát triển của công nghệ, kéo theo sự thay đổi về cách sáng tác nhạc, theo nhạc sĩ Huy Tuấn thì: “Nếu như trước đây, công việc sáng tác của nhạc sĩ bắt buộc phải gắn với đàn guitar hoặc piano thì nay các bạn trẻ không cần nữa. Trước đây, chúng tôi chú ý nhiều tới giai điệu, đầu tư từng đoạn khiến cho ca khúc nuột nà từ đầu tới cuối. Ngày nay thì các bạn bị khu biệt vào những vòng hòa thanh và viết như thế nào cũng bị lẩn quẩn trong đó, khiến giai điệu ca khúc dễ đoán”.
Cùng với đó, cách đánh giá một tác phẩm âm nhạc như thế nào là thành công, cũng có sự thay đổi theo. Slim V quan niệm: “Một sản phẩm âm nhạc thành công là chinh phục được nhóm đối tượng mục tiêu, những người mình mong muốn họ thích và họ sẽ thích”.
Nhạc sĩ Huy Tuấn đồng ý với Slim V khi cho rằng, tác phẩm đến được đúng đối tượng mình muốn họ thích là điều rất quan trọng. Anh nói: Thị trường âm nhạc hiện giờ chia thành hai bộ phận: Một nhóm nghệ sĩ sáng tạo để thỏa mãn cái tôi của mình và chinh phục thêm công chúng qua những tác phẩm mới. Và một nhóm nghệ sĩ đi theo đám đông. Những người đi theo đám đông có thể dễ thành công nhưng cũng biến mất nhanh. Còn các nghệ sĩ sáng tạo thì 10 năm, 20 năm sau vẫn ở lại với làng nhạc. Hiểu rõ hai nhóm đối tượng để đánh giá sự thành công của một tác phẩm là điều rất quan trọng.
Với Triple D thì: “Tác phẩm thành công là khi làm xong, các thành viên trong nhóm phải thích. Đưa tới công chúng thì khó nói, khó để biết mọi người thích gì mà chiều theo, mình cứ làm những gì mình thích và tự khán giả sẽ tìm tới nghệ sĩ. Chúng ta cứ mặc sức bay bổng, sáng tạo thôi”.
Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, chúng ta khó có thể nhận định nền âm nhạc Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào trong 10 năm tới, bởi mọi thứ phát triển quá nhanh. Để góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, anh Huy Tuấn cho rằng: “Có lẽ cứ phải nhắc đi nhắc lại vấn đề ai cũng biết, gốc gác là vấn đề bản quyền. Nếu không thực hiện nghiêm chỉnh, bài bản vấn đề bản quyền thì chúng ta cứ mãi đi những bước đầu tiên.
Các nhạc sĩ thường gặp phải tình huống là cùng lúc có rất nhiều ca sĩ đặt bài và mình không thể nào từ chối được. Sáng tác một bài nhạc không thu đủ tiền bản quyền, không đủ tiền sống và bạn bắt buộc phải nhận nhiều công việc cùng lúc”.
Các nhạc sĩ, nhà sản xuất cũng đồng ý với Huy Tuấn rằng, nếu được thay đổi duy nhất một điều trong làng nhạc hiện tại thì đó chính là vấn đề bản quyền.
(Còn nữa)
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất