Nhìn lại Liên hoan Tuồng truyền thống 2011: “Bất an” với Tuồng

05/05/2011 14:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tại Liên hoan Nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc năm 2011 vừa diễn ra tại Quy Nhơn, Bình Định từ ngày 25 tháng 4 đến 30 tháng 4, là đơn vị “chủ nhà” nên Nhà hát Tuồng Đào Tấn được chọn diễn khai mạc với vở Đào Tam Xuân loạn trào.

Chưa bao giờ mà Đào Tam Xuân loạn trào - một vở tuồng cổ nằm trong số các vở tuồng vẫn được coi là một vở mẫu mực, lại đem tới cho người xem một tâm trạng “bất an” như lần này.

1. Nỗi bất an này trước hết là cái  buồn và sự lo lắng của những người vốn thân quen, yêu quý và đặt nhiều niềm tin vào Nhà hát Tuồng Đào Tấn, một nhà hát từ lâu được đánh giá là có bề dày về truyền thống, chuẩn mực về nghệ thuật tuồng trên mảnh đất - chiếc nôi tuồng miền Trung.

Năm tới Nhà hát Tuồng Đào Tấn sẽ kỷ niệm 60 năm ra đời và phát triển. Trong chặng đường ấy, tính đến nay đã có 11 thế hệ diễn viên kế tiếp nhau biểu diễn những vở tuồng đủ thể loại: truyền thống, dân gian, lịch sử, hiện đại... Những thế hệ nghệ nhân đầu tiên của nhà hát là những bậc thầy về nghệ thuật tuồng mà cho đến nay danh tiếng của họ vẫn được người trong nghề cũng như khán giả nhắc tới với niềm kính phục. Có thể kể tên một số nghệ nhân thuộc thế hệ đầu tiên như: NSND Nguyễn Nho Túy, NSND Ngô Thị Liễu, NSND Nguyễn Lai, NSND Đinh Quả, NSND Minh Đức, NSND Mười Thân, NSND Võ Sỹ Thừa v.v... Các thế hệ nối tiếp có NSND Trương Đình Bôi, NSND Đàm Liên, NSND Minh Ngọc, NSƯT Kim Cúc, NSND Ngô Xuân Huyền, NSƯT Đào Duy Kiền, NSND Nguyễn Thị Hòa Bình v.v... thật khó mà liệt kê cho hết.

NS Đức Khanh vai Trịnh Ân, NS Thái Phiên vai Trịnh Ấn, trong vở
Đào Tam Xuân loạn trào, Nhà hát Tuồng Đào Tấn

Đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn hiện nay đang công tác là những người thuộc thế hệ thứ sáu trở lại đây. Lực lượng nòng cốt hiện vẫn đảm đương các vai diễn chính đều đã ở độ tuổi trên dưới 50 như các NSƯT Phương Thảo, Tuyết Mai, Văn Vỹ, Xuân Hợi, Minh Ngọc, và các nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm như Ngọc Hân, Thanh Sử, Kim Thành, Nguyễn Đình Trương, Hữu Tấn, Thanh Thủy v.v... Thật không may trong khi số đào, kép tài năng ngày một vơi cạn thì vì lý do sức khỏe mà NSƯT Lệ Quyên (vốn được khán giả đất tuồng Bình Định yêu mến và hâm mộ với các vai đào xinh đẹp) và nghệ sĩ Phạm Hữu Thông phải rời sàn diễn.

2. Nhìn vào dàn diễn viên trẻ dưới 40 tuổi của Nhà hát Tuồng Đào Tấn tham gia Liên hoan Tuồng truyền thống lần này thấy rõ có một quãng cách lớn giữa thế hệ anh chị và thế hệ trẻ nhất hiện nay. Các vai diễn chính đều ở mức độ bình bình về diễn xuất cũng như giọng ca, không đạt tới được sự “thăng hoa” của nhân vật đáng phải có trong vở Tuồng truyền thống ĐàoTam Xuân loạn trào vốn là mảnh đất màu mỡ để diễn viên có thể trổ tài. Theo quan sát của chúng tôi, vai diễn gây được cảm tình của người xem nhiều hơn cả lại là một vai phụ - vai Trịnh Ấn (con trai Trịnh Ân) do diễn viên Nguyễn Thái Phiên đóng. Thái Phiên được tặng Huy chương Bạc, vì vai diễn chỉ xuất hiện với thời lượng ngắn, nhưng cũng đủ thể hiện rằng đây là một diễn viên trẻ có triển vọng với giọng ca nam cao mùi mẫn, diễn xuất có hồn và vóc dáng cao ráo, khuôn mặt khôi ngô, phù hợp với loại vai kép.

Chưa tìm thấy một khuôn mặt khả ái nào để có thể thay thế được các vai đào của Phương Thảo, Tuyết Mai, Lệ Quyên hay các vai kép của Xuân Hợi, Minh Ngọc, Văn Vỹ... Có người lo lắng cho rằng có thể phải mất gần chục năm nữa thì may chi lớp trẻ hiện nay mới có thể đứng vững vàng trên sân khấu tuồng. Nhưng lúc đó nhiều người trong số họ đã ngấp nghé tuổi 50 rồi, cũng là quá muộn!

Vẫn biết đã hàng chục năm nay tình trạng chung của các nhà hát truyền thống là rất khó khăn trong việc tuyển sinh và đào tạo diễn viên, vì lớp trẻ không thiết tha theo cái nghề diễn tuồng, diễn chèo vất vả mà lại thu nhập quá thấp so với các ngành nghề khác. Nhưng trên thực tế nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống khác vẫn duy trì được tính liên tục giữa các thế hệ, chứ không bộc lộ rõ sự đứt đoạn như Nhà hát Tuồng Đào Tấn vừa cho thấy. Chỉ lấy ví dụ Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa, ở một tỉnh còn nghèo, đời sống anh em nghệ sĩ còn nhiều khó khăn vì thu nhập rất thấp (trung bình 1,7 triệu đồng/tháng), nhưng qua vở diễn tại Liên hoan là vở Ngọn lửa Hồng Sơn cho thấy đội ngũ diễn viên trẻ của đoàn khá mạnh và đồng đều, hát hay, múa đẹp, khiến nhiều người trong nghề cảm kích bởi tinh thần trách nhiệm với nghề của lãnh đạo và nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa. Nhìn sang mấy đơn vị còn lại cũng “không đến nỗi nào”. Đặc biệt có 2 nhà hát đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ của nghệ thuật tuồng truyền thống, đó là Nhà hát Tuồng Việt Nam và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Theo chúng tôi tìm hiểu, cũng không thể “đổ lỗi” hoàn toàn cho lãnh đạo Nhà hát Tuồng Đào Tấn không chú trọng công tác đào tạo diễn viên kế cận. Tính đến năm 2010 nhà hát đã đào tạo được 6 khóa diễn viên, nhưng sau khi đào tạo xong rồi, tỉnh lại không cho biên chế, nhà hát phải tìm nhiều cách để ký kết hợp đồng giữ được năm, sáu em ở lại, số đông còn lại phải tìm việc làm khác để mưu sinh. Trong số các em ở lại với nhà hát thì cũng đã có vài người ra đi, chỉ còn số ít trụ lại. Như vậy, sự thiếu hụt lực lượng nghệ sĩ trẻ cho sân khấu tuồng hiện nay là hậu quả của những bất hợp lý về chính sách, cộng với phương pháp dùng người của các đơn vị quản lý trực tiếp dẫn đến hiện tượng nhiều diễn viên trẻ được đào tạo bài bản về nghệ thuật tuồng lại không theo được nghề...

3. Để giải được bài toán khó này của ngành tuồng nói chung, của Nhà hát Tuồng Đào Tấn nói riêng, một lần nữa chúng tôi thấy các cấp quản lý Nhà nước, quản lý ngành văn hóa cần có những thay đổi đột phá về chính sách đào tạo, chính sách đãi ngộ nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ thuộc nghệ thuật truyền thống, mới có thể thực hiện được nhiệm vụ bảo tồn và phát huy nghệ thuật của dân tộc. Các đơn vị nghệ thuật cũng cần có những nhà quản lý giỏi để chiêu tụ được nhiều nghệ sĩ tài năng.

Bài và ảnh: PGS.TS Lê Thị Hoài Phương  

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm