Ủy viên Hội đồng Trọng tài QG Bùi Như Đức: Ai cũng có thể bị tiền “bắn thủng”

13/08/2011 14:11 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Ở 2 vòng đấu liên tiếp tại V-League, công tác trọng tài làm cả nước nổi sóng với những quyết định chẳng khác nào “cứu” Hải Phòng. Các trọng tài có bị bắn “thủng” bằng tiền hay đó chỉ là những sai sót mang tính ngẫu nhiên? Ông Bùi Như Đức, ủy viên Hội đồng trọng tài quốc gia, chia sẻ quan điểm với TT&VH Cuối tuần.

Xấu hổ khi thấy trọng tài sai phạm

* Chúng ta bắt đầu câu chuyện với Hải Phòng và những sai sót của trọng tài Công Trọng và Văn Quyết. Ông nghĩ sao trước luồng dư luận nghĩ rằng 2 trọng tài này cố tình cứu đội bóng đất cảng?

- Không có lửa thì làm sao có khói. Chuyện trọng tài mắc sai sót là việc khó tránh khỏi, nhưng nếu mắc lỗi lớn làm thay đổi kết quả và có tính liên tục, dư luận không nghi ngờ mới là lạ. Các trọng tài này đã thiếu bình tĩnh, quyết đoán và cả những quyết định khôn ngoan ở các tình huống nhạy cảm. Khi cấp dưới sai phạm, bản thân tôi rất buồn và xấu hổ. Trọng tài là nghề nhạy cảm và khi mình làm không đúng thì phải chịu hình thức kỷ luật cũng là lẽ dĩ nhiên.

* Mùa giải này, các trọng tài có lẽ bị “dớp” đen đeo bám, ngay các trọng tài có kinh nghiệm như Minh Trí, Quốc Hưng, Quốc Hoài cũng bị treo còi nội bộ đó thôi?

- Các trọng tài mấy mùa này bị áp lực quá lớn. Họ bị báo giới đưa vào tầm ngắm, còn các CLB thiếu tôn trọng. Mỗi khi ra sân là tìm cách gây áp lực, thậm chí đổ mọi sai phạm lên trọng tài. Khi người cầm còi bị áp lực, liệu họ còn đủ tự tin mỗi khi đưa ra quyết định? Nhất là tình huống thổi phạt đền, thẻ đỏ, áp lực cực lớn. Đôi khi trọng tài muốn tránh sai lầm nhưng cũng không được. Tai nạn trong nghề mà trọng tài Trí, Hưng hay Hoài mắc phải cũng là một phần của cuộc chơi.

Cần lập Ban thẩm định sai phạm trọng tài

* Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi có nói rằng “đã đến lúc sai sót trọng tài phải tính tới chuyện treo còi dài hạn”. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Nhằm tránh con sâu làm rầu nồi canh, chuyện loại bỏ trọng tài mắc lỗi lớn là điều được Hội đồng trọng tài quốc gia tính tới. Nhưng muốn loại bỏ trọng tài nào, cũng phải nhờ cơ quan điều tra hình sự vào cuộc để truy tìm chứng cứ nếu như họ thực sự “dính chàm”. Tôi nghĩ cần thành lập Ban thẩm định sai phạm của trọng tài với nhiều thành viên tham dự. Trọng tài sai ở mức độ nào, có tiêu cực không hay chỉ sai lầm chuyên môn, đấy là trách nhiệm của Ban thẩm định. Nếu không, trọng tài mắc sai lầm liên tục, ngoài CLB thiệt hại thì uy tín của Hội đồng trọng tài cũng bị hạ thấp. Chúng tôi đã có nhiều nỗ lực cần được nhìn nhận công bằng.


Ông Bùi Như Đức đã có 20 năm lăn lộn với nghề trọng tài

* Lâu nay, các ông hay phàn nàn lực lượng trọng tài mỏng nên xử phạt nặng tay thì không còn người điều khiển trận đấu. Đấy không phải là ý kiến thuyết phục, nhất là để bao biện cho sai sót mang tính hệ thống của trọng tài.

- Tôi không nghĩ vậy. Trọng tài Việt Nam đang có sự chuẩn bị tốt về năng lực và chuyên môn. Dù gì mỗi năm, các trọng tài ở ta cũng có vài lần thỉnh giảng giáo viên hàng đầu AFC lẫn FIFA trước mỗi giải đấu lớn. Ngay như các trọng tài trẻ cũng thử lửa qua hàng chục trận đấu lớn nhỏ trước khi lên V-League. Họ đủ vốn kinh nghiệm để sẵn sàng nhận trọng trách ra sân cầm còi tốt. Nhưng cái hạn chế lớn nhất lúc này là các trọng tài trẻ không có giám sát dìu dắt, chỉ bảo ở giải trẻ, tạo cho họ hành trang đầu đời. Ngay ở V-League, sự bảo vệ an toàn cho các trọng tài cũng không thật sự chặt chẽ.

* Giờ người ta lo nhất trọng tài bị bắn “thủng” bằng tiền, việc các CLB rải tiền làm bóng đá thì họ tiếc gì chút “thành ý” với các trọng tài?

- Không thể khẳng định các trọng tài không bị tác động vật chất được. Việc hối lộ trọng tài thậm chí tinh vi và khó phát hiện hơn trước. Tôi nghĩ muốn biết có trọng tài sai phạm lớn không, hãy để cơ quan điều tra vào cuộc. Cái quan trọng là Ban tổ chức lẫn Hội đồng trọng tài quốc gia có dám mạnh tay chống tiêu cực hay không? Nhưng chúng ta cần chia sẻ, thu nhập của trọng tài rất thấp, thì sao anh em an tâm cống hiến hết mình vì nghề nghiệp được. Còn vấn đề “thủng” hay không, tôi nghĩ thời buổi này, ai cũng có thể bị tiền bắn “thủng”, kể cả phóng viên các anh, không riêng gì trọng tài.

* Ông có thể cho ví dụ cụ thể sự thiệt thòi vật chất của trọng tài?

- Ví dụ như từ sân bay Nội Bài về tới sân thi đấu ở Hà Nội, chúng tôi di chuyển mất 350 ngàn đồng, nhưng tiền đi đường chỉ có 90 ngàn đồng, còn lại trọng tài hay giám sát tự lo khoản hụt đó. Nếu không vì sự ham thích công việc, chẳng ai đi làm không công kiểu đó. Chưa kể, mức phí ra sân của trọng tài, giám sát từ V-League cho các giải trẻ còn quá thấp. Với mức thù lao còm mà trọng tài nhận được, liệu các trọng tài tự tin chống lại sự tiêu cực, gian lận và tiền đút lót từ các CLB? Nếu an tâm kinh tế, tôi nghĩ trọng tài không còn phân tâm chuyên môn, và Ban tổ chức cũng chẳng lo trọng tài bị bắn “thủng” bằng tiền nữa.

* HLV Nguyễn Thành Vinh của Hòa Phát Hà Nội bảo trọng tài Công Trọng bắt thế chẳng khác mafia. Nhiều trọng tài tốt nhưng hình như có một nhóm trọng tài đang thao tung giới trọng tài và bóng đá Việt Nam. Ông nghĩ sao?

- Tôi lo chuyện có ai đó đứng sau lưng thao túng trọng tài từ lâu, chứ không phải lúc này như lời anh Vinh nói. Như nhiệm kỳ IV của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, trong vai trò ủy viên Hội đồng trọng tài quốc gia, tôi thẳng thắn phát biểu trong hội nghị rằng: “Mong muốn từ nay trở đi, chuyện gây áp lực cho trọng tài để lái các trận đấu theo kết quả khác là điều không thể chấp nhận”. Tôi nói câu này có người thực sự giật mình, bởi chuyện có thế lực đứng sau lưng những nhóm trọng tài là có thực. Đây là điều tôi trăn trở và thất vọng nhất trong hơn 20 năm theo nghiệp trọng tài, rồi giám sát.

* Kể từ tiêu cực năm 2005, vừa trong 6 năm đấy là thời gian không ngắn để cách mạng trọng tài.

- Sau khoảng trống từ V-League 2005, Ban tổ chức lẫn Hội đồng trọng tài quốc gia đã nỗ lực không ngừng để bù đắp sự thiếu hụt nhân sự. Quan điểm của tôi là lực lượng trọng tài hiện nay đã có thể an tâm về chất lẫn lượng. Điều quan trọng là họ có được thực sự sống trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp hay không.

Tôi nghĩ rằng việc phân công trọng tài cần khoa học và chuẩn xác hơn nữa, đặc biệt vai trò của Phòng Điều hành trọng tài ở các giải trẻ. Phòng Điều hành trọng tài của VFF hoạt động theo mô hình của AFC. Nhưng tôi nói thật là những nhân viên của phòng điều hành chưa đủ năng lực để gánh vác trách nhiệm nặng nề như thế này.

* Nếu sai sót diễn ra liên tục và ngày càng nhiều, ông có nghĩ nên thuê trọng tài ngoại?

- Trọng tài ngoại chưa chắc thổi tốt bằng trọng tài Việt Nam. Chưa kể sự bất cập trong việc liên kết mời về thổi ở V-League. Rồi rất nhiều rắc rối nảy sinh khi làm việc, chuyện thuê trọng tài ngoại là bất khả thi. Chuyện mời trọng tài ngoại, treo còi trọng tài sai phạm chưa phải là cách làm tốt nhất để nâng tầm trọng tài Việt Nam. Mà Ban tổ chức lẫn Hội đồng trọng tài quốc gia phải tìm ra đâu là điểm cốt lõi làm ảnh hưởng công tác trọng tài thời gian qua. Cái đó mới là quan trọng nhất.

* Vậy cách làm nào để nâng cao năng lực của trọng tài Việt Nam?

- Thời gian này, anh Đoàn Phú Tấn đang liên tục tìm trọng tài trẻ và bồi dưỡng để thành tài. Với kinh nghiệm, khả năng sư phạm lẫn sự tận tụy, anh Tấn sẽ cho ra lò những trọng tài chất lượng. Nhưng ngoài sự giáo dục trên, chúng ta cũng cần bổ sung các giám sát chất lượng cho các giải trẻ. Việc đó sẽ giúp các trọng tài được định hướng, rút được kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho chính mình sau mỗi thành công hay thất bại. Còn ở công tác điều hành trọng tài, VFF cũng cần có thêm những thành viên có năng lực để hoàn thành tốt công việc phân công trọng tài.

Chia tay bóng đá không dễ

* Hơn 20 năm theo nghề, kỷ niệm vui buồn gì của ông với nghề cầm còi?

- Từ năm 1984, tôi đã bước vào nghề trọng tài nhưng phải tới 10 năm sau, tôi mới cầm còi ở hạng đấu cao nhất. Năng lực chuyên môn tôi tốt, thổi cũng để lại ít điều tiếng. Nhưng không hiểu sao, có thành viên Ban tổ chức thời đó chỉ thẳng mặt tôi nói tôi đừng hòng thổi ở giải vô địch quốc gia. Không hiểu hiềm khích gì, nhưng có lẽ tôi quen sống thoải mái và không theo “dây” ai nên bị ghét. Cả đời tôi vốn sống công tâm nên khi chính thức nghỉ nghề trọng tài năm 2001, cũng không để lại điều tiếng. Đó là điều tôi hạnh phúc và vui nhất với nghề lúc này.

* Người ta bảo rằng gia đình ông rất dư giả về vật chất, liệu ông có tính tới lúc rẽ sang hướng mới?

- Về cuộc sống, tôi thật sự sống thoải mái và không quá lo lắng chuyện sau này. Nhưng cái nghề nó ám vào mình, chia tay bóng đá không dễ. Có điều, 20 năm cống hiến cho bóng đá Việt Nam, tôi cũng thấy mệt mỏi và thất vọng với một số bất cập trong thời điểm này. Tôi sẽ chọn thời điểm thích hợp để nghỉ ngơi.

* Cảm ơn về cuộc trao đổi rất thẳng thắn và có tâm huyết với sự nghiệp chấn hưng công tác trọng tài của ông.

Mộc Miên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm