Nhìn lại 'Anna Karenina' sau 136 năm: Không chỉ là chuyện tình & ngoại tình

04/05/2014 07:26 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - 17/4/1877, là ngày đại văn hào Lev Tolstoy hoàn thành Anna Karanina. 120 năm sau, tác phẩm đứng thứ nhất trong danh sách 10 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của tạp chí Time.

Không phải ngẫu nhiên người ta thường nhắc đến nhân vật nữ kinh điển của văn chương thế giới với tư cách một người đàn bà bất hạnh hơn là tội lỗi, dù nàng ngoại tình và bỏ chồng con theo người tình. Khác biệt đó nằm ở thế giới quan rất vượt thời của Lev Tolstoy.

Kiểu chuyện tình đơn giản là thế này: ai yêu ai, yêu chừng nào, kết thúc có đến được với nhau không. Sách ngôn tình ngày nay là thế, tất nhiên có lồng thêm nhiều yếu tố màu mè éo le và cả đôi chút tự tưởng được trình bày bằng giọng văn sến. Dù người viết hay người viết dở, nhưng nhìn chung vẫn còn thuộc văn chương cấp thấp, nói thẳng ra là thế.

Tác gia lớn, chẳng ai viết chuyện tình đơn giản là chuyện tình. Đến được với nhau hay không không phải là vấn đề, mà là đến với nhau như thế nào. Mà có khi họ còn chẳng viết chuyện tình đơn thuần, họ viết một cuốn tiểu thuyết, trong đó có tình yêu, cũng là tình cả nhưng phục vụ cho nhiều ý đồ sâu xa khác.

Không lãng mạn lắm, nhưng là Tolstoy

Thế nên, phim chuyển thể Anna Karenina (2012) với Keira Knightley vào vai chính, với kiểu lãng mạn hóa mà phớt lờ các thông điệp nhân sinh của tiểu thuyết gốc, cộng với tuyên bố của đạo diễn “đây là một chuyện tình”, đã trở thành bản minh họa vô hồn của truyện. Quá lãng mạn đến nỗi chệch xa khỏi tác phẩm gốc, dù ý tưởng chuyển cảnh như chuyển sân khấu, diễn viên xuất hiện trong cảnh như bước lên hoặc bước ra sân khấu cũng thật sáng tạo. Nhưng vấn đề là, Lev Tolstoy không chỉ viết chuyện tình. Chả trách người Nga lên án bộ phim dữ dội.


Tiểu thuyết Anna Karenina của Lev Tolstoy bản cổ nhất in năm 1878

Có 2 kiểu lý giải cho cách đọc lãng mạn hóa Anna Karenina này. Thứ nhất, đó là kiểu đọc của tuổi trẻ. Thứ hai, đó là cách đọc của người hiện đại. Công bằng mà nói, 136 năm rồi mà sách lại quá dày (gần nghìn trang) nên độc giả chưa cảm nhận được hết cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí ngày nay, việc đọc hết tác phẩm đồ sộ này được người ta cảm nhận theo 2 cách trái ngược nhau, hoặc là rất đáng nể hoặc là rất… phí thời gian.

Viết trên The New Yorker, biên tập viên Joshua Rothman cho rằng, Tolstoy từ 136 năm trước nghĩ về tình yêu theo cách khác hẳn: “như một dạng định mệnh, hoặc lời nguyền, hoặc phán quyết, hoặc vật trung gian qua đó vũ trụ phân phát hạnh phúc và bất hạnh, không công bằng và có vẻ như hoàn toàn ngẫu nhiên”.

Góc nhìn tình yêu như vậy, phải thừa nhận là không lãng mạn cho lắm, nhưng nó rất Tolstoy.

Một Anna có thật

Lật lại hoàn cảnh sáng tác của cuốn tiểu thuyết, có thể thấy cách lý giải trên có lý. Tolstoy viết Anna Karenina không xuất phát từ cảm hứng lãng mạn. Hồi năm 1873, ông đang theo đuổi tiểu thuyết về Peter Đại đế, nhưng chủ đề này quá khó, những thứ cần nghiên cứu nhiều đến mức tưởng chừng như không bao giờ kết thúc. Tolstoy mệt mỏi, ông vẫn muốn viết về lịch sử, nhưng nghĩ nên khai thác theo hướng riêng tư và bi kịch hơn. Đúng lúc đó, ông bắt gặp từ đời thực một câu chuyện.

Trong cuốn tiểu sử Tolstoy của mình, tác giả Henri Troyat giải thích nguồn gốc của Anna Karenina rất rõ ràng. Thời đó, đại văn hào Nga nhớ lại một sự việc có ảnh hưởng sâu sắc đến ông, xảy ra vào năm 1872, một năm trước khi ông đặt bút viết Anna Karenina. Ông có một người bạn hàng xóm tên là Bibikov, người này có nhân tình tên là Anna Stepanovna Pirogova, một phụ nữ cao, có gương mặt tròn và tính cách dễ mến. Nhưng về sau Bibikov bỏ rơi Anna để theo đuổi nữ gia sư tiếng Đức của con mình, thậm chí còn định cưới cô gái này.

Ý thức được mình bị phản bội, cơn ghen của Anna bùng nổ, nàng bỏ đi mang theo một ít quần áo, lang thang 3 ngày ở vùng nông thôn và đau đớn đến điên cuồng. Cuối cùng, nàng ném mình xuống dưới bánh xe lửa chở hàng ở ga Yasenki. Trong bức thư tuyệt mệnh gửi Bibikov, nàng viết: “Kẻ giết ta chính là chàng. Hãy hạnh phúc, nếu một tên sát nhân có thể được hạnh phúc. Nếu thích, chàng có thể chiêm ngưỡng xác ta trên đường ray Yasenki”. Đó là ngày 4/1/1872.

Ngay ngày hôm sau, Tolstoy đến ga Yasenki như một người quan sát, khi việc khám nghiệm tử thi được tiến hành với sự có mặt của một thanh tra cảnh sát. Đại văn hào, đứng trong góc nhà kho, đã không rời mắt khỏi xác chết của người phụ nữ được đặt trên bàn, đầy máu me, hộp sọ bị nghiền nát.

Hổ thẹn và cũng thật trong sạch làm sao, ông nghĩ. Thứ gì đã dẫn người phụ nữ bất hạnh đến cảnh chết tang thương và đơn độc, nếu không phải là tình yêu? Bộ ngực nát bấy, cặp đùi trơ trọi của nàng bây giờ từng cảm nhận khoái lạc của tình yêu. Trong hình dung của Tolstoy là cách người phụ nữ đó đã sống và hiến dâng tất cả cho tình yêu, để rồi kết cục cho nàng là nát thây trên một đường ray xa lạ.

Trong phim năm 2012, đạo diễn cũng ghi nhận điều này: Vronsky (người tình của Anna trong truyện) có thể coi là người đã giết nàng. Trong đêm đầu tiên Anna đến với Vronsky, khi 2 cơ thể đang hòa vào nhau trong cơn thăng hoa, nàng thốt lên: “Hạnh phúc? Chàng đã hủy hoại hạnh phúc của ta. Tên sát nhân”. Và nàng vẫn lao vào vòng tay tên sát nhân đó như mê muội.

Hạnh phúc hay không, nhiều khi cũng là số phận

Không thể quên rằng trong Anna Karenina, Tolstoy tạo ra một tuyến truyện song song với Anna, đó là mối tình có kết cục đẹp của Levin - Kitty. Trong chuyện tình song song này, tình yêu là tích cực. Nên nhớ, trong nhiều tiểu thuyết cổ điển khác, xu hướng phổ biến vẫn là: có tình yêu thì hạnh phúc, không có tình yêu thì bất hạnh. Chẳng hạn, với nàng Elizabeth Bennet trong Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen. Còn, tạo ra Anna, Tolstoy đã đi theo một hướng khác.

Trong Anna Karenina, tình yêu có thể là lời nguyền, cũng có thể là phước lành. Tình yêu, người ta thường gắn chặt nó với hạnh phúc, nhưng với Tolstoy, nó gắn chặt không kém với bất hạnh.

Với Anna Karenina, tình yêu với Vronsky còn gì khác hơn ngoài một tai họa? Hơn 100 năm rồi, đánh giá Anna vẫn là điều khó khăn đối với độc giả mọi thời. Đơn giản nhất là lãng mạn hóa hình ảnh của nàng như một thiếu phụ quên mình vì tình yêu. Chẳng hiểu sao ê-kíp làm phim Anna Karenina (2012) có cảm hứng ca ngợi mối tình đó đến vậy, dù rằng cứ cho là chuyện ngoại tình trong văn chương vốn lãng mạn, ly kỳ và xiêu lòng người. Bởi, ở đây, mối tình đó chỉ mang về tai họa. Tình yêu Anna dành cho Vronsky khiến đời nàng rơi vào thảm họa, không những thế, còn có tác động tương tự đến cuộc đời của Vronsky, của Karenin chồng nàng và Seryozha, con trai họ.

Keira Knightley, diễn viên mới nhất hóa thân vào Anna trên màn ảnh, đã nhìn nhận Anna là một nhân vật có tính phản diện. “Phản anh hùng” (anti-hero) là từ cô dùng trong buổi ra mắt bộ phim ở New York năm 2012. Cô không đồng ý với những phiên bản phim xây dựng hình tượng Anna như một phụ nữ thánh thiện bị đẩy vào cảnh ngoại tình vì người chồng, vì xã hội, vì thời đại.

Anna có lỗi, điều này thì không thể phủ nhận. Nhưng trên tất cả, nàng là một phụ nữ bất hạnh. May mắn hay không là một điểm quan trọng trong cách nhìn nhận của Tolstoy về tình yêu. Lại nhớ rằng, mối tình giữa Levin và Kitty thành chính là nhờ Anna đã khiến Vronsky đem lòng yêu. Bởi Vronsky chính là hôn phu của Kitty trước đó. Anna đã rước Vronsky vào cuộc đời mình và rước luôn tai họa, còn Kitty vì mất người đàn ông đó mà đến được với người tốt hơn. Bất hạnh của người này lại là may mắn của người khác.

Tiểu thuyết Anna Karenina ra đời năm 1878, có ảnh hưởng sâu rộng, được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật khác từ điện ảnh, truyền hình, kịch, opera, kịch truyền thanh… Riêng phim điện ảnh đã có 16 tác phẩm trải dài từ năm 1911 đến năm 2013.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm