(TT&VH) - Nếu đề án mở rộng Hà Nội lên khoảng 3300km2 (trong đó có việc sáp nhập cả tỉnh Hà Tây) được Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này thì đó sẽ là lần thứ 4 Hà Nội có sự thay đổi địa giới hành chính; và đương nhiên kéo theo đó là sẽ phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể đến lần thứ 5. Nhìn lại 50 quy hoạch thủ đô, rà soát lại tình trạng “tách ra rồi lại nhập vào” các huyện, thị phụ cận, ta mới thấy hết được khoảng cách giữa “ ý chí” của nhà quy hoạch và thực tế phát triển của đô thị. Từ thời kỳ diện tích Hà Nội chỉ bằng 1/20 so với đề án...
Năm 1954, khi tiếp quản thủ đô, Hà Nội chỉ có diện tích 152km2 gồm 8 quận huyện và hơn 50 vạn dân. Bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, để chuyển từ “thành phố tiêu xài” thời thực dân, tạm chiếm sang “ thành phố sản xuất” xứng với tầm vóc là thủ đô của cả nước; năm 1961, Quốc hội đã phê chuẩn Nghị quyết của Chính phủ mở rộng thành phố Hà Nội.Theo đó Hà Nội có diện tích 586km2 (bằng hơn ½ diện tích Hà Nội hiện nay). Đây là giai đoạn khá ngắn ngủi nhưng đã góp phần quan trọng vào việc “định hình” diện mạo “vũng lõi” của thủ đô.
Nhiều khu phố được khôi phục, cải tạo và xây mới trong thời kỳ này còn có giá trị đến ngày hôm nay như việc cải tạo các khu xóm nghèo ở ngoài bãi sông Hồng, xây dựng một số khu tập thể như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên... cùng rất nhiều trường đại học, bệnh viện, cơ sở công nghiệp.... Thời kỳ phát triển tới... Vĩnh Yên! Ngay từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, TP. Hà Nội đã tính toán đến một quy hoạch chung của thủ đô lớn hơn nữa (2000km2). Đoàn chuyên gia Liên Xô đã nghiên cứu lập phương án quy hoạch cải tạo thủ đô quy mô 1 triệu dân với khoảng 20.000ha phát triển về phía Bắc sông Hồng.
Ngay từ giai đoạn này chúng ta đã nhận thấy sự phát triển của Thủ đô cần gắn kết với một không gian rộng lớn, nhất là về phía Ba Vì, Sơn Tây... và một phần là phía Đông Bắc (khu vực Gia Lâm) Thế nhưng, khi Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc thì mặc dù công cuộc xây dựng thủ đô vẫn tiếp tục được tiến hành nhưng phải tính đến phương án phân tán, chú trọng yếu tố an ninh quốc phòng. Thời kỳ này, Hà Nội lại bị đe dọa bởi thiên tai lũ lụt (đợt lũ tháng 8-1971 mực nước sông Hồng lên tới tới 12,5m). Trong bối cảnh như vậy quy hoạch thủ đô đã được xem xét để điều chỉnh lại.
Những con phố cổ được xem là hồn của Hà Nội
Cuối cùng phương án được lựa chọn là không chế Hà Nội cũ với 40 vạn dân, phát triển ở Vĩnh Yên với 60 vạn dân. Nhìn vào bản đồ quy hoạch Hà Nội thời kỳ này (1968), ta sẽ thật khó tưởng tượng rằng đô thị Hà Nội lại “bé” hơn cả Vĩnh Yên, và Hồ Tây so với Đầm Vạc ở Vĩnh Yên chưa biết nơi nào là... “trung tâm” hơn! Chính vì vậy, cho đến ngày nay rất nhiều người nhầm tưởng rằng thời kỳ đó, ta định chuyển thủ đô lên Xuân Hòa (Vĩnh Yên) hoặc mở rộng Hà Nội lên tới tận Vĩnh Yên. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội thì địa giới hành chính Hà Nội thời kỳ này vẫn khống chế như cũ, chỉ phát triển ở Xuân Hòa (Vĩnh Yên) như một đô thị vệ tinh để phân bổ lại dân số Hà Nội và giảm áp lực về hạ tầng kỹ thuật. Để thực hiện quy hoạch này chúng ta đã dự kiến đưa lên một số trường Đại học, xây dựng một số khu nhà ở tại Xuân Hòa...
Nhưng sau năm 1979 – thời điểm chiến tranh biên giới nổ ra - thì quy hoạch này cũng kết thúc. “Vật chứng” còn lại của quy hoạch này, như nhiều người biết, là những ngôi nhà ở 4-5 tầng đã xây dựng ở Xuân Hòa mà sau này đã được “hóa giá” rất rẻ. Thế rồi, bước sang thập kỷ 80, Hà Nội không còn ngó ngàng gì đến Xuân Hòa nữa. Thời kỳ Hà Nội lên tận Ba Vì, Sơn Tây.... Đây là thời kỳ quy mô Hà Nội được mở rộng “bùng nổ” như đề án sắp trình Quốc hội.
Sau năm 1979, các chuyên gia Liên Xô và nước ngoài đã nghiên cứu quy hoạch thủ đô đến năm 2000 với hướng phát triển chủ yếu là phía Nam sông Hồng. Trước đó, năm 1978, Hà Nội đã mở rộng địa giới, sáp nhập thêm một số huyện thị (thuộc Hà Tây ngày nay) vào Hà Nội như Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây, Hà Đông và cả một số xã thuộc tỉnh Hà Sơn Bình bấy giờ... Thủ đô Hà Nội khi đó đã có diện tích lên tới 2136km2 với dân số tương đương hiện nay (3,5 triệu người).
Đây cũng là thời kỳ mà phát triển đô thị gặp nhiều khó khăn do cơ chế bao cấp, song vẫn thu được những kết quả đáng kể. Một số công trình trọng điểm được hoàn thành như Cầu Đuống, cảng Phà Đen, sân bay Nội Bài, cầu Thăng Long, tuyến đường Hà Nội- Hà Đông... Đặc biệt việc hoàn thành 2 cây cầu lớn là Thăng Long và Chương Dương, mở rộng cửa ngõ Thủ đô đã giải quyết ách tắc triền miền của việc qua lại sông Hồng và ra vào thành phố....Song cũng bộc lộ những bất cập giữa quản lý phát triển đô thị với quản lý và khai thác nông nghiệp vì diện tích đất ngoại thành, đất nông nghiệp quá lớn. Trở về với Hà Nội 921km2 Thời kỳ Đổi mới, đô thị Hà Nội đã xuất hiện nhiều yếu tố mới đòi hỏi phải có sự điều chỉnh quy hoạch. Trong thực tế, quy hoạch Hà Nội được duyệt năm 1981 rất khó thực hiện, đặc biệt là việc phải giải phóng mặt bằng lớn để xây dựng các tuyến đường trục.
Vì vậy năm 1984 đã phải điều chỉnh về tổ chức không gian (song vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật). Để Hà Nội có điều kiện tập trung xây dựng thành đô thị hiện đại, đến năm 1991, ranh giới Hà Nội đã được Nhà nước điều chỉnh bằng việc chuyển 7 huyện thị về Hà Tây và Vĩnh Phúc, diện tích Hà Nội từ 2136km2 còn lại 921 km2 như hiện nay. Vì thế tổng mặt bằng quy hoạch Thủ đô Hà Nội lại được nghiên cứu lại.
Theo quy hoạch điều chỉnh thủ đô Hà Nội được Chính phủ phê duyệt năm 1992 với định hướng phát triển đến năm 2010 thì Hà Nội chủ yếu phát triển về phía Nam sông Hồng. 921km2- bất cập? Sau 5 năm thực hiện Quy hoạch năm 1992, đã thấy xuất hiện nhiều bất cập nên đến năm 1998, Hà Nội lại điều chỉnh quy hoạch thành phố đến năm 2020- đó là quy hoạch hiện hành với định hướng phát triển mạnh ở phía Bắc thành một “Hà Nội 2” ở khu vực Đông Anh với quy mô gần 10.000ha; đồng thời cải tạo chỉnh trang khu vực phía Nam với quy mô 15.000ha.
Doãn Phương