“Mua hơi” cổ phiếu: Bài học không rẻ

01/08/2008 18:38 GMT+7 | Thế giới

Mặc dù phương án xử lý với NH TMCP Hồng Việt vẫn chưa ngã ngũ nhưng nhà đầu tư mua bán trao tay cổ phiếu của NH này trên thị trường OTC những ngày qua như “ngồi trên lửa”. Đây là bài học “đắt giá” cho những nhà đầu tư mải chạy theo lợi nhuận mà phớt lờ mọi cảnh báo rủi ro!

* Mua bán trao tay: NH không có trách nhiệm!

Liên quan đến việc rút vốn khỏi NH Hồng Việt, Petro Vietnam khẳng định, sẽ tiếp tục đầu tư vào GP-Bank, ngân hàng TMCP mà tập đoàn này hiện đang nắm giữ 9,5% vốn.

Theo thông tin “bên lề”, nhiều khả năng, lượng vốn do cán bộ công nhân viên của Petro Vietnam đóng góp để đầu tư vào NH Hồng Việt sẽ được chuyển sang đầu tư vào GP-Bank. Tuy nhiên, không ít cổ đông vẫn lo lắng bởi thông tin đó chưa được khẳng định chính thức. Mặt khác, có hàng loạt vấn đề vẫn chưa rõ ràng, như tỷ lệ “chuyển đổi” là bao nhiêu?

“Ai” sẽ “gánh” phần chi phí trong quá trình chuẩn bị thành lập NH vừa qua? Bởi theo quy định, để được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc thành lập, bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ, nghiêm ngặt về hồ sơ, giấy tờ thì NH mới còn phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản về trụ sở, về bộ máy nhân sự (ít nhất là những vị trí chủ chốt), về hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ...

Do vậy, khi dự án thành lập NH Hồng Việt dừng lại, hàng loạt những chi phí về thời gian, công sức và tài sản, tiền bạc đó gần như thành “con số 0”. Đó là chưa kể, việc đầu tư một khoản tiền nhất định trong một khoảng thời gian không ngắn cũng làm mất đi chi phí cơ hội của nhiều nhà đầu tư...

Nhưng rối bời hơn cả, đó là những trường hợp mua bán trao tay cổ phiếu của Hồng Việt trên thị trường OTC. Ngay từ những ngày cuối năm 2007, khi có thông tin NHTMCP Hồng Việt được chấp thuận về mặt nguyên tắc cấp phép thành lập, cổ phiếu của NH này đã được rao bán tràn ngập trên mạng với mức giá phổ biến là trên dưới 20.000đ/CP.

Tuy nhiên, do NH chưa được cấp phép chính thức nên tất cả những trường hợp mua bán đều chỉ là thỏa thuận bằng giấy tờ viết tay. Về phía Ban trù bị thành lập NHTMCP Hồng Việt cũng nhấn mạnh, sẽ không có trách nhiệm giải quyết với những nhà đầu tư tự thỏa thuận mua đi bán lại kể trên.

Dù nhiều trường hợp giao dịch được khẳng định thường có quan hệ quen biết nhưng ai có thể đảm bảo tất cả các trường hợp đều được trả lại đủ số tiền theo giá giao dịch trước đó?

Các nhà đầu tư không nên chủ quan cuốn theo lợi nhuận

* Bài học còn nguyên giá trị

Giao dịch cổ phiếu NH Hồng Việt dù đã tạm lắng (nhiều ngày qua không có lệnh bán mới và càng thưa vắng người mua) nhưng khi phóng viên ANTĐ liên lạc với một số trường hợp rao bán cổ phiếu NH này thì vẫn nhận được lời hẹn giao dịch.

Đồng thời, người bán cũng không quên khẳng định, nếu NH “giải tán” thì người mua sẽ được nhận lại tiền, còn nếu Petro Vietnam chuyển vốn sang GP-Bank thì phải... chấp nhận!

Nhưng bài học này dường như vẫn chưa đủ “cảnh tỉnh” nhà đầu tư. Trên các website rao bán chứng khoán OTC phổ biến vẫn xuất hiện nhiều quảng cáo, rao bán cổ phiếu của nhiều ngân hàng chưa thành lập như NH Năng lượng, NH Công nghiệp, NH Bảo Việt...

Liên lạc qua số điện thoại 09032057... của người rao bán cổ phiếu NH Bảo Việt, người này cho biết, “cổ phiếu” hiện chỉ là giấy chứng nhận nộp tiền và thủ tục chuyển nhượng cũng chỉ là giấy tờ viết tay, giá “trên mệnh giá một ít”. “Chỉ khi nào NHNN cấp giấy phép chính thức thành lập và hoạt động thì mới chính thức chuyển nhượng sang tên được.

Tuy nhiên, nếu chờ đến thời điểm đó thì không có giá như hiện nay được” - nhà đầu tư này nói. Khi chúng tôi hỏi liệu có khả năng rủi ro như với NH Hồng Việt thì nhận được khẳng định, chắc chắn là Bảo Việt phải khác với Hồng Việt rồi!

Không chỉ trong lĩnh vực NH, tình trạng doanh nghiệp chưa thành lập, cổ phiếu đã được chào bán cũng khá phổ biến. Cách đây chưa đầy năm, nhiều nhà đầu tư đổ xô đi mua cổ phiếu của một công ty bất động sản được hứa hẹn sẽ trở thành “hàng đầu Việt Nam” với sự hợp tác chiến lược là một số ngân hàng, tập đoàn kinh tế lớn và cổ phiếu đã có lộ trình niêm yết tại thị trường quốc tế.

Kế hoạch hợp tác giữa các ngân hàng, tập đoàn kinh tế lớn để thành lập một công ty bất động sản thì vẫn được thực hiện, chỉ có điều trong danh sách cổ đông sáng lập lại không hề có tên doanh nghiệp đã “lớn tiếng” quảng bá lúc đầu.

Nhiều nhà đầu tư trót đóng tiền đã không ít khổ sở mới thu hồi được một phần vốn bởi khi mua thì giá “vài chấm” nhưng khi trả lại thì chỉ đúng bằng mệnh giá!

Theo ANTĐ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm