09/04/2025 11:50 GMT+7 | Tin tức 24h
Sau khi chính quyền Mỹ công bố loạt thuế quan đối ứng gây tranh cãi ở trong nước và trên toàn cầu, hàng chục quốc gia đã liên hệ với Nhà Trắng để bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại.
Các nước tăng tốc đàm phán với Mỹ
Tuần trước, vào ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.
Ngoài mức thuế cơ bản 10%, chính quyền tổng thống Trump còn áp dụng thuế đối ứng đối với khoảng 60 đối tác thương mại khác của Mỹ mà Mỹ coi là có sự mất cân bằng thương mại với Mỹ, trong đó đáng chú ý là áp thuế 34% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% đối với Liên minh châu Âu (EU), 25% đối với Hàn Quốc, 24% đối với Nhật Bản, 32% đối với Đài Loan (Trung Quốc) và 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan sẽ bị áp thuế 36%, tiếp theo là Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%, Singapore 10%. Nhóm các nước khác chịu mức thuế 10% gồm có Vương quốc Anh, Australia, Colombia, Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ…
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Mức thuế chung 10% được Mỹ áp dụng từ ngày 5/4, trong khi các mức thuế tùy chỉnh thêm có hiệu lực từ ngày 9/4.
Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump ngay sau đó đã vấp phải sự phản ứng từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 34% đối với tất cả hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4, đồng thời nộp đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kiện Mỹ về chính sách thuế. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt khác, như đưa 11 thực thể của Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin cậy; bổ sung 16 thực thể của Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu; mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với ống CT y tế nhập khẩu từ Mỹ và Ấn Độ. Bộ này sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thực hiện kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại đất hiếm trung bình và nặng, gồm samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium.
Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định vẫn sẽ tìm cách đối thoại với Washington về vấn đề thuế quan, nhấn mạnh rằng sẽ không bên nào chiến thắng trong cuộc chiến thương mại.
Cảng container tại Thiên Tân, Trung Quốc ngày 8/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, trong tuyên bố ngày 7/4, Tổng thống Donald Trump còn tuyên bố sẽ cân nhắc áp thuế bổ sung 50% đối với hàng hóa Trung Quốc nếu nước này không rút lại mức thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ và điều này góp phần nâng tổng mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc lên đến 104%, gồm: 34% thuế đối ứng, 20% thuế cơ sở đã áp dụng và mức phạt bổ sung 50%.
Trong khi đó, nhiều nền kinh tế lớn khác đang cân nhắc các phương án đàm phán với Mỹ về thuế quan. Ủy viên thương mại EU, ông Maros Sefcovic, ngày 6/4 tuyên bố khối này sẽ có phản ứng "bình tĩnh, theo từng giai đoạn và thống nhất" song khẳng định EU sẽ hành động. Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đề xuất áp mức thuế trả đũa 25% lên một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này được xem là phản ứng trực tiếp đối với các mức thuế mà Tổng thống Donald Trump áp đặt lên thép và nhôm của EU. Các mức thuế mới này sẽ được áp dụng theo hai giai đoạn. Một số mặt hàng sẽ chịu thuế từ ngày 16/5, trong khi các mặt hàng khác sẽ bị đánh thuế từ ngày 1/12. Danh sách các mặt hàng chịu thuế rất đa dạng, bao gồm kim cương, trứng, chỉ nha khoa, xúc xích, gia cầm, hạnh nhân và đậu nành. Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic cho biết các biện pháp trả đũa này sẽ có tác động kinh tế nhỏ hơn so với mức 26 tỷ euro (28,45 tỷ USD) được đề xuất ban đầu. Nguyên nhân là do EU đã lắng nghe ý kiến từ các quốc gia thành viên và điều chỉnh danh sách hàng hóa chịu thuế cho phù hợp. Các quốc gia thành viên EU dự kiến sẽ bỏ phiếu về đề xuất thuế trả đũa này vào ngày 9/4. Kết quả của cuộc bỏ phiếu này sẽ quyết định bước đi tiếp theo của EU trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong khi đó, một số nước như Pháp và Đức cho biết đang cân nhắc các biện pháp đáp trả, bao gồm đánh thuế các tập đoàn công nghệ Mỹ.
Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định sẽ làm "mọi điều cần thiết" để bảo vệ lợi ích quốc gia. Thủ tướng Starmer khẳng định sẽ có cách tiếp cận "bình tĩnh" đối với thuế quan thay vì trả đũa ngay lập tức, và "tất cả các phương án vẫn đang được cân nhắc".
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum trong cuộc họp báo ngày 7/4 đã bảo vệ quyết định từ chối đáp trả bằng các mức thuế đối ứng 25% mà Washington áp dụng đối với thép, nhôm, ngành công nghiệp ô tô và các sản phẩm nằm ngoài Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Tổng thống Sheinbaum nhấn mạnh chính phủ "vẫn" đang đàm phán với Mỹ và cho biết Bộ trưởng Kinh tế Marcelo Ebrard có kế hoạch thăm và làm việc tại Washington trong tuần này để thảo luận vấn đề thuế quan giữa hai nước. Nữ Tổng thống Mexico nhấn mạnh Chính phủ Mexico muốn bảo vệ ngành công nghiệp nhưng cũng đang muốn tìm cách đạt được một thỏa thuận trước.
Thủ tướng Canada Mark Carney ngày 7/4 khẳng định, chính sách thuế quan của Mỹ đã làm gia tăng đáng kể khả năng suy thoái ở Mỹ, và nền kinh tế Canada khó có thể tránh khỏi suy thoái. Ông Carney cũng cho biết Canada đã chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khó khăn phía trước.
Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba thì kêu gọi cách tiếp cận "bình tĩnh" trong đàm phán với Tổng thống Donald Trump, cho dù các biện pháp thuế của Mỹ hiện nay đang tạo ra "khủng hoảng quốc gia" đối với Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản ngày 8/4 thông báo bổ nhiệm Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Ryosei Akazawa làm Bộ trưởng phụ trách đàm phán với Mỹ về vấn đề thuế quan. Quyết định được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm nhất trí thúc đẩy đàm phán ở cấp bộ trưởng.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Cheong In Kyo ngày 8/4 cho biết chính phủ đã cân nhắc các gói biện pháp tăng nhập khẩu từ Mỹ để thúc đẩy cánh cửa đàm phán về thuế quan. Các gói biện pháp đang được Hàn Quốc xem xét nhằm tăng lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có khí thiên nhiên hóa lỏng LNG, để giải quyết mất cân bằng thương mại song phương. Ông Cheong In Kyo cho biết sẽ "tích cực" đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và các quan chức khác về thuế thép và ô tô cùng các mặt hàng khác để giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các ngành công nghiệp và nền kinh tế chính của Hàn Quốc.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo chủ trì một cuộc họp với các Bộ trưởng chính phủ tại Seoul, ngày 2/4/2025. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ngày 8/4 cho biết nước này sẽ cử các quan chức tới Washington để bắt đầu đàm phán về thuế quan sau khi Mỹ áp thuế 24% đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này.
Ngân hàng trung ương Indonesia ngày 7/4 cho biết sẽ "can thiệp mạnh mẽ" vào thị trường trong nước để bảo vệ đồng nội tệ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng 32% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia.
Tương tự, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nam Phi Parks Tau và Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế Ronald Lamola cho biết nước này lựa chọn giải pháp ngoại giao thay vì trả đũa sau chính sách áp thuế đối ứng của Tổng thống Trump đối với hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Nam Phi…
Tính đến ngày 8/4, Nhà Trắng thông báo gần 70 quốc gia đã chủ động liên hệ với chính quyền Tổng thống Donald Trump để khởi động các cuộc đàm phán nhằm giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới của ông. Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt, các thỏa thuận sẽ chỉ được ký kết nếu mang lại lợi ích rõ rệt cho người lao động Mỹ và góp phần giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên mà Mỹ đang phải đối mặt. Tổng thống Trump đã chỉ đạo đội ngũ của mình xây dựng các thỏa thuận phù hợp cho từng quốc gia muốn đàm phán, thể hiện phong cách ngoại giao trực tiếp và đậm tính thực dụng của ông.
Việt Nam đề xuất Mỹ hoãn áp thuế 45 ngày
Tại Việt Nam, ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng với hàng hoá của hàng chục nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sáng ngày 3/4/2025 đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá tình hình, tác động từ chính sách thuế của Mỹ, thảo luận đưa ra các giải pháp thích ứng với tình hình. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn phía Mỹ có chính sách phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, với mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam là nước đang phát triển, vẫn đang phải khắc phục hậu quả nặng nề, kéo dài sau nhiều năm chiến tranh…
Đồng thời, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên ngày 3/4 đã có Công hàm gửi Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đề nghị tạm hoãn quyết định áp thuế trên để trao đổi, tìm giải pháp hài hòa; đề nghị thu xếp cuộc điện đàm trong thời gian sớm nhất để trao đổi, xử lý vấn đề này.
Một Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng cũng đã được Thủ tướng ký quyết định thành lập ngay trong ngày 3/4.
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tiếp đó, vào tối ngày 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong cuộc điện đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Gần đây nhất, tối ngày 7/4, ngay sau khi chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính họp với các bộ, ngành về phát triển thương mại cân bằng, bền vững với Mỹ. Đây là cuộc họp thứ 3 của Chính phủ về thúc đẩy phát triển thương mại cân bằng, bền vững với Mỹ sau khi Tổng thống D.Trump công bố chính sách thuế quan mới. Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Đoàn đàm phán đề nghị Mỹ xem xét, hoãn áp dụng chính sách thuế quan mới ít nhất 45 ngày để hai bên có thời gian trao đổi, đàm phán và có sự chuẩn bị cho chuyển tiếp trạng thái; tiếp tục đàm phán với phía Mỹ để thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, có lợi cho cả 2 bên, vì người tiêu dùng 2 bên và không ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tiến tới hai bên có cam kết mới về thương mại song phương theo hướng Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề nghị trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump vào ngày 4/4 vừa qua...
Những động thái khẩn trương, tích cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã truyền đi thông điệp Việt Nam hết sức thiện chí, mong muốn việc đàm phán đạt kết quả tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, như lời khẳng định của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc rằng: "Việt Nam luôn chủ động, cầu thị và phối hợp mạnh mẽ với phía Hoa Kỳ để đàm phán thuế một cách công bằng, chống vấn đề trung chuyển hàng hóa, đẩy mạnh thương mại hai chiều theo hướng cả hai cùng có lợi".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất