Trong rủi có may
Đầu tuần này, khoảng 8.000 cựu khách hàng của Bernard Madoff bắt đầu nhận được những lá thư gửi đi từ Công ty bảo vệ các nhà đầu tư chứng khoán (SIPC) đề nghị tham gia một chương trình có thể giúp họ được bồi thường tới 500.000 USD tiền đã đầu tư cho công ty của Madoff. Ngay lập tức luật sư của các nhà đầu tư đã cảnh báo khách hàng nên bình tĩnh suy nghĩ trước khi tham gia chương trình vốn dành cho các nạn nhân kể trên, bởi có những con người chẳng những không thua lỗ mà còn kiếm bộn tiền nhờ Madoff.
Những con người đó, với con số lên tới hàng trăm hoặc có thể là hàng ngàn các nhà đầu tư, đã đều đặn rút tiền lời của họ ra khỏi quỹ của Madoff trong nhiều năm. Và không ít trường hợp các nhà đầu tư đã kiếm được bộn tiền.
Vụ lừa đảo của Bernard Madoff để lại sau lưng hàng núi rắc rối
“Hôm qua tôi nhận được điện thoại từ một nhân vật. Ông này nói rằng ‘Tôi đã rút được nhiều tiền hơn khoản đầu tư ban đầu, nhưng tôi vẫn để lại 1 triệu USD trong quỹ của Madoff. Liệu tôi có nên đòi lại 1 triệu USD này?’” - Steven Caruso, một luật sư ở New York chuyên về gian lận đầu tư và chứng khoán tiết lộ với hãng tin AP – “Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tư vấn cho các trường hợp như thế” – Caruso nói.
Không ai rõ có bao nhiêu người được hưởng lợi từ vụ lừa đảo, nhưng rõ ràng con số đó là không nhỏ. Rất nhiều nhà đầu tư của Madoff, trong suốt một thời gian dài đã rút ra hàng triệu USD tiền lời nhờ mức lãi suất lớn, từ 11- 15% một năm.
Jonathan Levitt, một luật sư ở New Jersey đại diện cho vài thân chủ là nạn nhân của Madoff cho biết hơn một nửa số người gọi đến cho ông nhờ trợ giúp cuối cùng lại phát hiện ra rằng khoản tiền lời của họ đã vượt quá khoản đầu tư ban đầu. Đơn cử như một trường hợp đầu tư 1,8 triệu USD cho Madoff trong hơn một thập kỷ trước đã rút ra gần 3 triệu USD tiền lời.
Trên giấy tờ, ông này vẫn còn 4 triệu USD đầu tư vào Madoff. Nhưng khi tất cả hoạt động làm ăn của quỹ đầu tư do Madoff sở hữu được phát hiện là lừa đảo, con số đó không thể lấy lại. Nhưng quan trọng là khoản lợi nhuận ông ta cầm trong tay được xem là lợi nhuận ảo hình thành từ lừa đảo và có thể sẽ phải hoàn lại một phần hoặc toàn bộ cho nhà chức trách. Quy định hoàn lại tiền này chỉ áp dụng cho các lợi nhuận thu được trong vòng 6 năm kể từ khi vụ lừa đảo bị phát hiện. Tuy nhiên nó cũng sẽ khiến không ít nhà đầu tư đang từ mừng chở nên lo.
Trong may có rủi
Khi một quỹ đầu tư do tập đoàn Bayou sụp đổ và bị phát hiện là lừa đảo hồi năm 2005, nhân vật được tòa án chỉ định để giải quyết vụ việc đã buộc rất nhiều nhà đầu tư phải trả lại lợi nhuận ảo. Các chuyên gia hiện đang hy vọng nhân vật xử lý vụ Madoff có những động thái tương tự.
Hiện nay những người đã được hưởng lợi có vài sự lựa chọn: Đứng vào hàng cùng với các nạn nhân để nhận tiền bồi thường. Giữ im lặng không cho ai biết họ đã vớ bẫm. Trả lại tiền hoặc thuê một luật sư và đấu tranh để giữ lại khoản tiền họ có được. Nhưng các chuyên gia đánh giá thực tế họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là trả lại tiền.
Khi các nạn nhân được lợi trong vụ Madoff đâm đơn xin nhận được tiền bồi hoàn từ cơ quan ủy thác xử lý vụ việc, họ có thể sẽ vô tình làm lộ ra việc bản thân đang sở hữu khoản lợi nhuận ảo và sẽ bị thu hồi khoản tiền này. Nhưng nếu không đâm đơn xin trợ giúp, họ sẽ vĩnh viễn mất đi khoản tiền đầu tư vào Madoff.
Vấn đề là, không kể việc nhà đầu tư có đâm đơn xin trợ giúp hay không, chỉ là vấn đề thời gian trước khi nhà chức trách lần ra toàn bộ các lợi nhuận ảo và thu hồi chúng. Những người cố tình giấu khoản lợi nhuận ảo bằng cách không đệ đơn lên SIPC, vì thế, có thể sẽ mất “cả chì lẫn chài”.
Ngay cả những nhà đầu từ đã rút toàn bộ tiền trước khi Madoff bị bắt cũng không thoát. Quỹ hưu trí Fort Worth là một trong số đó. Vài năm trước, quỹ này đầu tư 7,5 triệu USD vào Madoff và mới rút hết tiền hồi mùa hè năm ngoái, sau khi nghi ngờ về hoạt động làm ăn của nhân vật này. Fort Worth rút cả gốc lẫn lãi được 10 triệu USD. Giờ đây 2,5 triệu USD trong số đó có thể sẽ bị thu hồi vì là lợi nhuận ảo, sinh ra do lừa đảo. Robert Klausner, luật sư của quỹ hưu trí trên than thở: “Rõ ràng, chẳng có ai là kẻ thắng trong vụ này”.
Stephen Harbeck, giám đốc điều hành SIPC cho biết ông chưa rõ mình hay Irving Picard, nhân vật được tòa giao trách nhiệm xử lý vụ Madoff, sẽ phải làm gì với các nhà đầu tư đã hưởng lợi từ vụ lừa đảo. Tuy nhiên ông dự đoán mọi chuyện sẽ không đơn giản và những rắc rối khủng khiếp liên quan tới hoạt động tài chính kế toán, thủ tục pháp lý sẽ hình thành, không sớm thì muộn.
Công ty bảo hiểm đầu tư chứng khoán Mỹ (SIPC) là một trong những đơn vị bảo vệ cho nhà đầu tư chứng khoán ngoài Uỷ ban chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) và Hiệp hội các nhà môi giới chứng khoán Mỹ (NASD). Đây là một công ty phi lợi nhuận đã được Quốc hội Mỹ thành lập theo Luật bảo vệ các nhà đầu tư chứng khoán năm 1970.
SIPC bảo đảm cho chứng khoán là tiền mặt trong tài khoản của khách hàng đặt tại các công ty chứng khoán thành viên trong trường hợp các công ty này có sai phạm trong hoạt động trên Sở giao dịch chứng khoans Mỹ. Tất cả các nhà môi giới và kinh doanh có đăng ký giao dịch với SEC và các Sở giao dịch chứng khoán trên toàn nước Mỹ phải là thành viên của SIPC. Trong trường hợp công ty môi giới bị phá sản, SIPC sẽ cố gắng sáp nhập nó với một công ty môi giới chứng khoán khác. Nếu không được, SIPC sẽ thanh lý tài sản của công ty này và bồi hoàn cho những người nắm giữ cổ phiếu. SIPC không bảo vệ nhà đầu tư đối với các rủi ro thị trường. |
Gia Bảo