Tán thành Quốc hoa, băn khoăn Quốc phục, Quốc tửu

19/01/2011 10:49 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm qua (18/1), tại Triển lãm Vân Hồ (2 Hoa Lư, HN) đã diễn ra họp báo Lễ hội hoa Xuân và đồ uống Tết năm 2011. Trong khuôn khổ của Lễ hội sẽ có phần triển lãm và lấy ý kiến nhân dân về “Quốc phục”, “Quốc hoa”, “Quốc tửu” Việt Nam. Tại buổi họp báo, đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra từ phía báo chí dành về việc này, nhiều nhất là dành cho việc chọn Quốc phục và Quốc tửu.

Sở dĩ đề án Quốc tửu và Quốc phục “bị soi” nhiều là bởi, theo như Bộ VH,TT&DL, sau hội thảo về Quốc hoa đã được tổ chức vào 6/2010, nhiều người dân Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề của Quốc hoa. Và với tỷ lệ 40,3% số phiếu bầu qua mạng từ chính người dân, cho đến lúc này, có thể nói đề án Quốc hoa với hoa sen là ứng viên có số phiếu cao nhất đã ngã ngũ. Vì vậy, Quốc hoa... không bàn tới nữa.

Thay “Quốc tửu” bằng “Quốc bánh”?

Về đề án Quốc tửu, nhiều ý kiến cho rằng, đây là đề án khó và sẽ phải rất tốn thời gian. Dù sao thì thứ đồ uống có cồn này vẫn gợn đến những hình ảnh không hay khi bị lạm dụng. Nếu chọn ra Quốc tửu chỉ để tiếp khách thì nên chăng thay bằng chọn... Quốc bánh sẽ hay hơn nhiều.

Nên chọn “Quốc bánh” là bánh chưng, bánh dầy (gợi nhớ đến câu chuyện Lang Liêu) thay vì chọn “Quốc tửu”

“Tôi từng công tác ở Nga và từng chứng kiến nhiều lãnh đạo Nga tiếp khách chỉ bằng bánh mì và muối - một nhà báo bày tỏ - sự kết hợp của bánh mỳ và muối đóng vai trò quan trọng đặc biệt về biểu tượng: Bánh mỳ thể hiện mong muốn giàu có và sung túc, còn muối là sự bảo vệ con người khỏi những ảnh hưởng và sức mạnh của kẻ thù. Vì vậy, nếu chọn Quốc bánh Việt Nam (dù chỉ để tiếp khách) tôi xin đề cử bánh chưng, bánh giầy. Còn ý nghĩa về loại bánh này, chắc tôi không cần phải nhắc lại nữa”...

Ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm), cho biết: “Hiện nay mới chỉ có đề án Quốc hoa là đã làm xong và hiện đang nằm trên bàn Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL. Còn đề án Quốc phục thì mới xây dựng xong dự thảo, đang trong quá trình khảo sát, nghiên cứu (chưa trình Bộ trưởng). Vì vậy, triển lãm này thể hiện sự thận trọng của lãnh đạo Bộ trước ba vấn đề rất là nhạy cảm mà trong dư luận còn nhiều ý kiến khác nhau. Đối với Quốc tửu, tôi nghĩ đó là cả một lộ trình văn hóa trong việc đi tìm. Đối với Quốc tửu hay với các đồ uống chứa cồn khác, nếu quá lạm dụng thì sẽ có hại. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn nó ở góc độ văn hóa...”.

Nhiều trường hợp phải thuê “Quốc phục”

Trước ý kiến cho rằng việc đi tìm quốc phục là việc bày vẽ, gây tốn kém, ông Vi Kiến Thành một lần nữa lên tiếng bằng cách kể lại những kỷ niệm khiến nhiều người phải suy nghĩ: “Thực ra Quốc phục chúng ta đã đề cập đến cách đây từ mươi, mười lăm năm rồi chứ không phải bây giờ mới nhắc tới. Và thực tế thì chúng ta cũng đã tổ chức những cuộc thiết kế mẫu quốc phục mới trên cơ sở các bộ trang phục truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc thi đó cũng không mang lại kết quả như mong muốn. Vì thế, vấn đề chọn Quốc phục cũng tạm thời lắng xuống.

Nhưng nhu cầu phải có Quốc phục đến thời điểm này chúng tôi cho rằng là cần thiết đối với một quốc gia đã hội nhập quốc tế như Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là, Quốc phục là trang phục dành cho cả nhân dân mặc hay chỉ cho các vị lãnh đạo mặc thôi ? Câu hỏi này vẫn làm đau đầu không ít người. Cá nhân tôi thì nghĩ Quốc phục thì chỉ sử dụng trong những dịp đại lễ hoặc dành cho các vị lãnh đạo, còn nhân dân thì có thể sử dụng hoặc không, không bắt buộc.

Họp báo về Lễ hội hoa Xuân và đồ uống Tết năm 2011

Ông Thành dẫn chứng: Khi các đại sứ Việt Nam trình Quốc thư cho các nước thì theo quy định ngoại giao là phải mặc Quốc phục. Nhưng vì Việt Nam chưa có Quốc phục, nên có đồng chí làm công tác ngoại giao kể với tôi rằng ông đã phải đi thuê 2.000 - 3.000 USD bộ quần áo đuôi tôm sử dụng trong vòng một hai tiếng đồng hồ. Thật buồn khi chúng ta có bản sắc văn hóa, có đủ khả năng để lựa chọn, thiết kế Quốc phục. Tôi nghĩ rằng việc này chẳng mấy tốn kém mà lại tạo được niềm tự hào, tự tôn truyền thống văn hóa của dân tộc. Vậy cớ gì chúng ta không chọn Quốc phục?”.

“Thật vô lý nếu nghĩ rằng lộ trình tìm Quốc hoa, Quốc phục và Quốc tửu là bày vẽ và gây tốn kém!” - ông Thành kết luận.

Phải có lộ trình

Bà Nguyễn Thị Hoa (Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm Vân Hồ) cho biết: “Nếu như trong việc chọn Quốc hoa, chúng ta đã có hẳn một lộ trình với xây dựng đề án, tổ chức hội thảo và lấy ý kiến của nhân dân thì việc chọn Quốc phục và Quốc tửu, chúng ta cũng phải có lộ trình như vậy. Chắc chắn là còn rất khó khăn, nhưng không phải vì khó mà chúng ta không làm.

Để làm được việc này, theo bà Hoa, cần phải có sự tham gia của rất nhiều cơ quan. Ví dụ, chọn Quốc tửu thì không thể không nhắc đến vai trò của Bộ Công thương, cũng như là Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam. Bên cạnh đó cần có vai trò của Bộ Y tế trong việc kiểm tra mức độ an toàn và vệ sinh chất lượng sản phẩm. Tóm lại cần có cả một hội đồng thẩm định để đánh giá sản phẩm rượu được chọn dưới góc độ lịch sử và văn hóa.

Đương nhiên, tính đến thời điểm này, việc chọn Quốc phục và Quốc tửu mới chỉ mang tính khởi động và các đề án sẽ được các cơ quan chức năng của Bộ VH,TT&DL phối hợp với các đơn vị khác để xây dựng, hoàn thiện.

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm