Nhiếp ảnh 'giãy chết' vì Smartphone?

28/01/2014 07:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Thật kỳ quặc, nhiếp ảnh chưa bao giờ phổ biến đến vậy, nhưng đồng thời nó đang bị phá hủy. Chưa bao giờ có nhiều ảnh chụp như hiện nay, nhưng nhiếp ảnh lại đang chết dần” - nhà nhiếp ảnh Antonio Olmos nói với The Guardian.

Đến cả các nguyên thủ Mỹ, Anh và Đan Mạch cũng vô tư chụp ảnh “tự sướng” trong đám tang cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, cả thế giới đang chìm ngập trong ảnh. Trao đổi với The Guardian, một số nhà nhiếp ảnh có uy tín nhận định về ảnh hưởng của trào lưu đại chúng này đối với công việc của họ.

Đằng sau bức ảnh “tự sướng” của Obama

Họ lên tiếng ngay ở thời điểm 1 tuần sau khi hầu như khắp nơi đều đăng tải bức ảnh Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt tự chụp ảnh mình cùng 2 nhà lãnh đạo nam giới, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron.

Đây là hình ảnh tiêu biểu cho bản chất tự yêu mình (narcissistic) mà điện thoại với thiết bị chụp ảnh chất lượng cao đã chứng minh cho cả thế giới rằng ai ai cũng có.

Nhưng đây là điểm cần lưu ý: bức ảnh 3 nhà lãnh đạo đang chụp ảnh “tự sướng” trên được ghi lại và truyền đi toàn thế giới bởi nhà nhiệp ảnh báo chí Roberto Schmidt của hãng AFP. Schmidt đã dùng máy ảnh số với ống kính “khủng” 600mm và 2 ống tele.

Góc chụp rộng, hình ảnh vẫn chất lượng và trên hết: thông tin truyền tải rất giá trị, thông điệp rõ ràng. Khó có thể có được bức ảnh như vậy nhờ bằng điện thoại. Điều lưu ý phụ: các nhà nhiếp ảnh báo chí ít khi dùng iPhone.

Bộ ảnh nhà báo Roberto Schmidt chụp các nguyên thủ chụp ảnh “tự sướng” trong đám tang cố Tổng thống Mandela hôm 10/12

“Đâu phải cứ có iPhone là thành nhà nhiếp ảnh vĩ đại”

Hai năm trước, nhà nhiếp ảnh chuyên chụp nghệ sĩ Annie Leibovitz đã góp một tay “khai tử” các dòng máy ảnh tầm trung khi nói iPhone là “máy ảnh chụp nhanh của hôm nay”. Nhưng còn ngày mai?

Có khi nào máy ảnh của điện thoại thông minh sẽ tân tiến đến độ không khác gì các dòng máy hàng nghìn, chục nghìn USD mà các nhiếp ảnh gia vẫn dùng?

Từ một góc độ, điện thoại thông minh có một tác động tích cực: khiến nhiếp ảnh trở nên dân chủ hơn. Giờ đây, các bức ảnh về chiến tranh Iraq hay Afghanistan có thể được ghi lại bởi các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư ở địa phương.

Nhà nhiếp ảnh Antonio Olmos (gốc Mexico) là người từng chụp ảnh chiến tranh ở ngay nơi xảy ra cuộc chiến. Ông nói: “Đừng hiểu nhầm, tôi cũng thích iPhone và Instagram. Nhưng iPhone chỉ là thứ ống kính nịnh mắt. Bạn có thể chụp những bức ảnh rất đẹp trên đó nhưng khi in ra thì kinh khủng”.

Còn nhà nhiếp ảnh Eamonn McCabe của The Guardian cho rằng nhiếp ảnh số khiến người chụp lười nhác. Vì sao? “Bạn chụp và nghĩ: Cứ chụp nhiều vào, một trong các bức ảnh sẽ đẹp, hơn là thực sự chú tâm vào khuôn hình và chụp một bức thực sự đẹp”.

“Tôi không nghĩ nhiếp ảnh đang chết, nhưng nó đang lười đi. Mọi người chụp rất nhiều ảnh nhưng chẳng ai xem cả”.

Dù nhiếp ảnh có “giãy chết” hay không, các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp vẫn cảm thấy bị đe dọa. “Chi phí bị cắt giảm, các tòa soạn đều tiết kiệm bằng cách mua ảnh chụp bằng điện thoại của các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư và dùng công nghệ chỉnh sửa để tạo nên những bức ảnh trông tuyệt đẹp” - Magda Rakita, sinh viên nghệ thuật ở Đại học London, cho biết.

Nhưng các nhà nhiếp ảnh đã có danh tiếng thì không lo. Olmos nói: “Tôi sống được bằng nghề này vì tôi có kỹ năng. Tôi là người kể chuyện bằng ảnh. Tác phẩm của tôi tốt hơn hầu hết những người khác. Đâu phải cứ có bộ vi xử lý trong máy tính là thành nhà văn được. Đâu phải cứ có ứng dụng Instagram trong điện thoại là trở thành nhà nhiếp ảnh vĩ đại?”

Hội chứng suy giảm do chụp ảnh

Các nhà tâm lý có một khái niệm gọi là “hội chứng suy giảm do chụp ảnh”: Chụp ảnh một thứ có thể khiến người ta khó nhớ về nó.

Nhà tâm lý Linda Henkel của Đại học Fairfield (Connecticut, Mỹ) còn đi xa hơn, khẳng định: chúng ta sẽ chẳng nhớ gì về những thứ chúng ta đã chụp, khiến việc chụp ảnh, ban đầu tưởng như chỉ để ghi lại những kỷ niệm hạnh phúc, trở nên càng vô nghĩa.

Henkel nói với The Guardian: “Mọi người chụp đồ ăn trong nhà hàng thay vì thưởng thức. Mọi người chụp bức tranh Mona Lisa thay vì nhìn ngắm. Tôi nghĩ iPhone đang lôi chúng ta ra khỏi các kỷ niệm”.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm