Nhiếp ảnh gia MPK: Yêu Đà Lạt một cách... tuyệt vọng

20/12/2013 08:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đà Lạt sắp tròn 120 năm năm tuổi, nhiếp ảnh gia MPK cũng tự bày tình yêu của mình với thành phố này bằng triển lãm Langbiang với 120 ảnh khổ lớn (50 cm x 200 cm) sẽ khai mạc ngày 23/12 tại KS Sài Gòn-Đà Lạt.

Trong 20 năm qua, kể từ khi Đà Lạt tròn 100 năm, MPK đã thực hiện gần 30 triển lãm cá nhân tại thành phố này, mà mỗi lần đều là một chủ đề, một bộ ảnh mới. Triển lãm Langbiang thì khác biệt cả về ý niệm, cách thức thực hiện và triết lý của nó, vì MPK dùng một địa điểm, một góc máy để chụp đỉnh núi này liên tục trong 120 ngày đêm, sau đó lọc hình để chọn ra 120 bức panorama (ảnh rộng) để triển lãm.


Nhiếp ảnh gia MPK

* Xin được hỏi ngay, 120 điểm nhìn cố định về đỉnh Langbiang thì có liên quan gì đến 120 năm thành phố Đà Lạt, với bao biến động, đổi thay?

- Thì đây đúng là ý đồ của tôi. 120 ngày đêm chẳng là gì với một đỉnh núi, với một thành phố, nhưng nếu chịu khó chú ý, cũng biết bao đổi thay, vậy thì sau 120 năm mà có thay đổi, có gì đâu mà lạ. Có lạ chăng là ta ở một thành phố mà chẳng có gì thay đổi, hoặc chúng có thay đổi mà ta chẳng thể nhận ra. Than phiền về sự thay đổi cũng giống như chống lại cái chết, thật là gian lao và vô vọng.

* Anh đến với ý tưởng này như thế nào?

- Một ngày đẹp trời ngồi quán cà phê, chợt thấy tờ áp phích báo hiệu thành phố sắp tròn 120 năm, lòng nôn nao và trống rỗng, vì chưa biết chụp gì để triển lãm. Một sáng ngủ dậy, mở cửa sổ phòng nhìn lên đỉnh Langbiang, thấy mây bay tuyệt đẹp, tôi chợt nảy ra ý định chụp thử vài lần xem sao. Mỗi lần tôi bấm vài trăm bức, sau 120 ngày đêm tôi có cả 1.000 GB hình, ngồi xem lại mới thấy trong tĩnh có động, thật diệu kỳ. Cứ ngỡ một góc máy, một cách chụp thì mọi thứ sẽ giống nhau, nhưng không phải, chẳng có gì giống nhau, dù khác nhau rất tinh tế.

Với Đà Lạt, mỗi người có một cách chụp, nhưng tôi thì khác, sau 30 năm cầm máy, làm vô số bộ ảnh và triển lãm, chụp từ đất trời, phong cảnh, cỏ hoa, côn trùng, sâu bọ… thấy cũng cạn rồi. Khác những bộ ảnh trước phải đi mới chụp được, ảnh này tôi chỉ ngồi một chỗ, một góc máy, một ống kính... Với tôi lúc này, ngồi thừ một chỗ ngắm đỉnh Langbiang lại giúp mình nghiệm ra nhiều điều về Đà Lạt hơn.

* Đà Lạt đang chứng kiến nhiều thay đổi theo hướng xấu đi, thế mà anh vẫn muốn dửng dưng là vì sao?

- Ai cũng có thể than phiền kiến trúc, con người, phong thổ, lối sống... của Đà Lạt đang thay đổi theo hướng khác xưa, có thể dở hơn, tùy quan điểm. Thế nhưng tôi thì không biết nhìn như vậy qua nhiếp ảnh, bởi tôi sợ chụp kiểu minh họa, hay kiểu phê phán này kia.

Tôi luôn tâm niệm rằng mình thấy đẹp mới chụp, còn không thì thôi. Tôi không thấy khoái với những thay đổi như vừa nêu, nên không thể chụp. Thế mà có bữa đang lom khom làm ảnh về Langbiang, có người dân tộc đi ngang qua nhìn và nhận xét: “Núi bây chừ thay đổi nhiều quá Khùng hỉ?” Thế đó, thay đổi hay không là tùy cách nhìn mà thôi.


Một tác phẩm tại Langbiang

* “Thương hiệu” MPK gắn liền với phong thái Đà Lạt, anh không sợ thành phố thay đổi đến mức chẳng thể còn gắn bó được nữa?

- Tôi được cha trời mẹ đất Đà Lạt sinh ra, thì cũng sẽ trở về nơi đây. Tôi yêu Đà Lạt một cách cuồng si, nhưng cũng hoàn toàn tuyệt vọng với những gì thay đổi không thuộc về mình. Sự thay đổi của tôi hoàn toàn không giống sự thay đổi của Đà Lạt và ngược lại.

Hơn nữa, hàng triệu năm qua, trái đất nóng rồi lạnh, có nguyên kỷ băng hà đó, nên việc thay đổi cũng là bình thường thôi. Quan trọng là Đà Lạt trong hồn cốt tự nhiên vẫn như vậy, vẫn cái nóng/lạnh rất đặc thù, vẫn bầu trời thấp thoáng ngang đầu, có ngày đủ 4 mùa... Nếu biết quan sát và lắng nghe, Đà Lạt vẫn vậy, vật không đổi, sao không dời, dù hình thù bên ngoài chẳng còn như xưa.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm