08/02/2013 13:23 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Khi MC xướng tên Nhiếp ảnh gia của năm 2012 trong đêm tôn vinh giải thưởng The Best of the Year của một tạp chí thời trang, nhiều người tò mò trước một cái tên lạ năm qua đã đem về cho Việt Nam giải Nhất cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế New Exposure, do tạp chí thời trang danh tiếng Vogue phiên bản Mỹ, hãng Red Camera cùng hãng thời trang Bottega Veneta tổ chức: An Lê. Và sau tò mò là... sửng sốt, vì người hiện đang được nhiều tạp chí thời trang săn đuổi ấy là... một cậu bé (!). Nhưng tôi được cảnh báo trước: Đấy là một cậu bé có những câu chuyện rất... già!
An Lê có ngoại hình nhỏ bé và khuôn mặt trẻ măng như đang học cấp 3. Trong các bức chân dung của mình, chàng trai 23 tuổi này thường đeo đôi tai thỏ, giống như cách tạo hình của những bạn trẻ tuổi teen. Trang phục ưa thích là cả cây đỏ, có lúc là áo đỏ lấp lánh ánh kim tuyến. Một người “rất teen” như vậy, thế nhưng lại từ chối trả lời phỏng vấn qua email. “Tôi thích nói chuyện trực tiếp thế này, ngồi trước mặt nhau để nói với nhau. Nếu mà chị phỏng vấn tôi bằng email thì sẽ chán lắm, tôi chỉ trả lời mỗi câu hỏi bằng một dòng chữ thôi”. Cũng vì lý do này mà TT&VH Cuối tuần đã phải đợi ngày An Lê từ Mỹ về Việt Nam.
![]() |
* Sao anh lại khước từ cách giao tiếp mà đa số những người trẻ như anh đang rất ưa chuộng?
- Đó là cách giao tiếp không thật. Tôi rất ít khi chat. Tôi ở Mỹ, gia đình, bạn bè ở Việt Nam, ai cũng muốn nói chuyện với tôi qua chat, nhưng tôi không thích như vậy. Những dòng chữ chẳng nói lên được những điều chân thật. Khi nói với nhau bằng lời, mặt đối mặt, thì cái thật hay giả mới dễ dàng kiểm chứng, còn khi nói với nhau bằng chữ, mình hoàn toàn có thể viết ra những điều không như mình nghĩ. Tôi thấy bây giờ người ta hẹn nhau ra quán cà phê nhưng lại giao tiếp với nhau qua facebook, mỗi người một máy tính hoặc một điện thoại, không nói với nhau một lời. Vậy thì thôi ở nhà đi, ra quán cà phê làm gì cho mất công, tốn tiền.
* Có phải vì thế nên anh ít bạn?
- Tôi lựa chọn như vậy. Tôi chỉ thích ở một mình. Nếu có bạn thì chỉ cần 1-2 người thôi, như thế sự giao tiếp, sự hiểu nhau mới đạt được tối đa. Ở một chỗ càng nhiều người thì mình càng không được sống thật. Trong đám đông, người ta chỉ thích thể hiện mình, thích chứng tỏ mình bằng những món đồ hiệu đắt tiền, bằng thứ này thứ kia. Tôi thì chỉ quan trọng việc nói và hiểu tiếng nói của nhau, chứ quần áo túi xách chẳng làm tôi hiểu được họ.
* Anh đề cao sự “thật” trong cuộc sống nhưng chiếm đa số trong các tác phẩm của anh là những bức ảnh tưởng như hiện thực mà lại là những sắp đặt. Điều gì khiến anh làm như vậy?
- Tôi không thích chụp những thứ thực tế theo cách thông thường. Với tôi, thực tế trong các bức ảnh thực ra cũng mang tính sắp đặt. Chị hãy nhìn căn phòng chúng ta đang ngồi đây, rất đông người nhưng cũng có những chiếc ghế trống, vậy là người chụp hình hoàn toàn có thể chĩa ống kính vào những chiếc ghế trống đó chụp và nói rằng đây là căn phòng trống. Hay như khi những phóng viên chiến trường chụp hình chiến tranh, đó cũng là hiện thực, thực tế qua cách nhìn của người chụp thôi chứ không hoàn toàn là hiện thực theo đúng những gì diễn ra trong thực tế. Vì thế mà tôi muốn tạo ra thực tế bằng cách đưa cái nhìn, quan điểm của mình vào để kích hoạt sự tưởng tượng của người thưởng thức.
* Rất mâu thuẫn. Nếu không thích chụp thực tế, sao anh lại chọn học nhiếp ảnh, ngành nghệ thuật mà mục đích nguyên thủy là ghi lại thực tế bằng hình ảnh?
- Việc tôi chọn nhiếp ảnh để học cũng là ngẫu nhiên. Tôi vốn không thích chụp ảnh. Thậm chí đi du lịch tôi cũng không thích chụp ảnh vì đi là để thưởng thức những thực tế khác với những gì mình chứng kiến trong đời sống thường nhật, vậy mà cứ giơ máy ảnh chụp, thì thực tế cũng đã bị chắn bởi chính chiếc máy ảnh rồi. Hồi còn học phổ thông, tôi thích vẽ tranh, thích học về kiến trúc. Ba tôi làm về kiến trúc nên có lúc tôi nghĩ mình sẽ học kiến trúc theo ba. Nhưng sau đó tôi đã từ bỏ ý định này vì không thích tính khoa học của kiến trúc, tôi không thích một đường thẳng cứ phải thật thẳng. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, kỳ nghỉ hè, tôi rảnh rỗi, mượn chiếc máy ảnh du lịch của dì chụp linh tinh, về nhà lấy đèn bàn rọi vào thấy những hình thù khác trên đó, theo tưởng tượng của mình. Sau đó tôi lôi bạn bè, chị em ra chụp rất nhiều và dần dần thấy say mê với những hình ảnh được tạo ra theo ý muốn của mình. Vậy là tôi thi vào khoa Nhiếp ảnh của trường đại học Nghệ thuật và thiết kế Savannah. Nhưng ngay từ lúc mới cầm máy, tôi đã thích thú với những gì phi thực tế, hay nói đúng hơn là những thực tế do mình tự tạo ra cho riêng mình. Nhắc lại chuyện chụp hình khi đi du lịch, thông thường mọi người làm thế để ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc đời, ghi lại những nơi mình đã đi qua vì lo mình sẽ quên đi gì đó. Tôi lại nghĩ rằng nếu không may quên đi gì đó, mình sẽ tự thêm thắt những thứ mà mình muốn, thích vào.
![]() Ảnh trong bộ Ông già và biển cả đã giúp An Lê đoạt giải New Exposure |
* Có vẻ như anh chán ghét thực tế cuộc sống?
- Không. Tôi là người thực tế, chấp nhận thực tế một cách thẳng thật đấy. Nhưng tôi đối diện với thực tế bằng cái phi thực tế.
* Tại sao lại như vậy?
- Khi tôi đang lớn lên, gia đình xảy ra nhiều chuyện không hay. Mà chuyện người lớn thì con nít thường không hiểu được nhưng những đau khổ con nít phải chịu là có thật. Những lúc như thế, nghệ thuật là cách trị liệu tâm lý tốt nhất với tôi. Tôi viết truyện, hát, vẽ... để quên đi thực tế mà mình đang phải chứng kiến. Tôi thấy cuộc sống thực có rất nhiều cái không được đẹp, quan hệ giữa cha mẹ, con cái dù rất thương yêu nhau nhưng vẫn hay làm cho nhau phải đau khổ. Mà thông thường thì những người yêu nhau mới hay làm cho nhau đau khổ, chứ người dưng thì đâu có làm vậy. Tôi yêu cái đẹp nên tôi luôn tìm cách sống thế nào để dung hòa giữa thực tế cuộc sống của người lớn vốn không còn chút bay bổng nào trong tâm hồn với trí tưởng tượng của trẻ con.
* Thực tế anh tạo ra trong những bộ ảnh của anh cũng rất đối lập, chẳng hạn ở bộ ảnh In Strange Land là những hiện thực tươi sáng với cây cối mướt mát và những con người nhàn tản còn ở Dark Sounding lại là những hiện thực rất đen tối của những người lính trẻ đang sa lầy vào các cuộc chiến phi nghĩa. Có vẻ như sự đối lập rất ám ảnh anh?
- Có thể nói tôi làm nghệ thuật rất cực đoan. Tôi tin vào sự đối lập giữa âm và dương, giữa sáng và tối, giữa cái đẹp và cái xấu... Vì thế tôi thường chọn 2 màu đen và trắng. Và trong một số tác phẩm của tôi có những ý tưởng rất đen tối, như là sự thất vọng nặng nề. Nhưng lại có những tác phẩm chan chứa hy vọng, như chị đã thấy. Nói chung là, co dù có bị tổn thương, tôi vẫn có niềm tin. Tôi tin là khi ai làm tổn thương người khác thì bản thân họ cũng đau khổ chẳng khác gì người bị họ làm tổn thương. Sở dĩ họ làm thế (làm tổn thương người khác) vì họ yếu đuối, không thể chiến thắng được bản thân mình.
![]() Trích từ bộ ảnh Dark Sounding |
* Đó có phải là câu chuyện trong bộ ảnh Dark Sounding của anh ? Bắt đầu từ đâu anh thực hiện bộ ảnh này?
- Cách đây mấy năm, báo chí thế giới đã đưa ra những bức ảnh binh lính Mỹ hành hạ tù binh tại cuộc chiến Iraq gây chấn động. Tôi xem những bức ảnh đó và có những lý giải của riêng mình. Những hành động dã man của họ thể hiện sự yếu đuối của bản thân, khi họ còn quá trẻ đã phải đi đánh nhau, phải chứng kiến sự giết chóc, phải tham gia vào công cuộc giết chóc đó và bất đắc dĩ phải trở thành “kẻ mạnh” trong đạo lý sinh tồn của kẻ mạnh.
* Thế còn lý do anh chụp ảnh thời trang?
- Vì tôi thích cái đẹp và thời trang cũng giúp tôi chụp được những thứ phi thực tế do mình tạo ra. Chẳng hạn tôi có thể chụp một người mẫu đẹp mặc chiếc áo thật lộng lẫy ở một chỗ cực kỳ dơ bẩn – điều không bao giờ có trong thực tế. Tôi cũng là người chóng chán nên tôi thích sự thay đổi chóng mặt của thời trang.
* Giải thưởng New Exposure có ý nghĩa thế nào với anh?
- Tôi rất vui với giải thưởng đó, nhưng có nó cũng là một bất ngờ. Lúc vừa tốt nghiệp đại học, tôi nhận được email mời cộng tác chụp ảnh với tạp chí Đẹp của giám đốc sáng tạo Hà Đỗ. Từ lời mời này, tôi thực hiện bộ ảnh Tiếng gọi nơi hoang dã tại Mỹ, sau đó không lâu, đại diện của tạp chí Vogue báo tôi rằng bộ ảnh đó đã được vào Top của cuộc thi New Exposure, tôi cần thực hiện thêm một bộ nữa bằng máy ảnh Red để dự thi vòng chung kết. Tôi liên lạc lại với chị Hà Đỗ, nhờ chị giúp tôi chọn người mẫu, người trang điểm và tổ chức sản xuất bộ hình mới ở Việt Nam. Lúc đó tôi cũng rất hoang mang vì chụp hình thời trang đâu thể một mình làm được, tôi cần có ê-kíp. Thế là có cảm giác như mình sắp bị người ta bỏ giữa châu Phi và giao nhiệm vụ: Chụp ảnh đi! Nhưng cuối cùng thì tôi đã không cô đơn giữa châu Phi, tôi được giúp đỡ rất nhiều bởi những người chuyên nghiệp. Bộ ảnh Ông già và biển cả (The Sea) chúng tôi chụp ở Cần Giờ đã giới thiệu tôi với làng thời trang Việt Nam.
* Đến giờ, anh đã cộng tác với vài ê-kíp, vài tạp chí và đã quen mặt với các người mẫu ở Việt Nam, anh có thể nói gì về làng thời trang Việt?
- Thời trang Việt Nam còn một con đường rất dài mà quan trọng là mọi người, mọi thành phần tham gia vào đó cần phải hỗ trợ chứ không phải đấu đá lẫn nhau. Các tạp chí cũng nên đối xử như vậy với nhau.
* Còn dự định của anh trong tương lai?
- Tôi thích tất cả các môn nghệ thuật và sẽ không dừng ở nhiếp ảnh. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng mở một triển lãm nghệ thuật ở New York, ở đó sẽ trưng bày các tác phẩm thời trang, nghệ thuật, khoa học do tôi lựa chọn. Tôi sẽ mời các hoạ sĩ, nhà khoa học tham gia.
An Lê sinh năm 1989, đi Mỹ du học từ năm 15 tuổi. Anh tốt nghiệp trường đại học Mỹ thuật và Thiết kế Savannah (Savannah College of Art & Design) Georgia tháng 6/2012. Có thể xem các tác phẩm của An Le tại website: http://www.anlestudio.com |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất