PGS-TS Phạm Văn Tình: Xem EURO theo kiểu… nhà thơ

08/06/2016 20:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đều đặn, cứ mỗi mùa bóng đá, PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) lại là gương mặt quen thuộc trên Thể thao & Văn hóa (TTXVN) với những vần thơ độc đáo về trái bóng tròn. Ông có cuộc trao đổi ngắn về EURO 2016, nguồn “thi hứng” sắp tới.

PGS-TS Phạm Văn Tình nói:

- Với rất nhiều người, EURO không thể sánh bằng World Cup về sức hấp dẫn. Một bên là giải đấu nội bộ của châu Âu, một bên là giải đấu của mọi châu lục, với sự đa dạng đủ các sắc màu về cầu thủ, chiến thuật, kĩ thuật và đặc biệt là khán giả, một yếu tố quan trọng để làm nên bóng đá.

Nhưng với tôi, EURO có một sức hấp dẫn khác. Đó là giải đấu có tính đối kháng rất cao, khi mà nền bóng đá tại đây có tính chuyên nghiệp nhất thế giới với những đội tuyển đã quá hiểu nhau trong lịch sử. Và đặc biệt, chỉ tại EURO, chúng ta mới có thể chứng kiến những bất ngờ.


PGS-TS Phạm Văn Tình

Lịch sử World Cup không bao giờ chứng kiến những đội bóng tí hon bất ngờ vụt sáng và đăng quang như Hy Lạp năm 2004 hay Đan Mạch năm 1992. Hoặc xa hơn, trận chung kết năm 1976, khi Tiệp Khắc hạ Tây Đức trong loạt đá luân lưu cũng là một dấu son thú vị. Sẽ rất khó giải thích vì sao chỉ tại châu Âu mới có những “chuyện cổ tích” như thế, nhưng đó là một đặc điểm để chúng ta hào hứng chờ đợi giải đấu này.

Chỉ có một chút băn khoăn với tôi: EURO năm nay được nâng lên con số 24 đội. Nhiều người mừng, vì số trận đấu tăng vọt. Còn tôi thấy, cách tổ chức theo kiểu “đại chúng hóa” như vậy lại có thể làm chất lượng chuyên môn ở vòng bảng nhạt hơn. Hãy chờ xem…

* Vậy, ông hãy thử dự đoán về đội bóng sẽ gây bất ngờ ở EURO này?

- Chúng ta hãy nói về những đội… không gây bất ngờ trước đã (cười). Theo đánh giá của tôi, Đức, Pháp và Tây Ban Nha là 3 ứng cử viên lớn nhất cho chức vô địch. Đức là đương kim vô địch thế giới và cũng là đội bóng giàu thành tích nhất trong lịch sử EURO. Pháp luôn rất mạnh ở các giải đấu trên sân nhà. Còn Tây Ban Nha, đơn giản các câu lạc bộ của họ vẫn đang thống trị châu Âu trong những mùa giải gần đây nhất.

Còn lại, dự đoán về một cái tên gây bất ngờ thì đúng là khó vô cùng. Nhưng, tôi hi vọng ở Italy. Bởi lịch sử đã chứng minh: cứ mỗi lần không được kỳ vọng, thì Italy lại luôn biết cách làm được những điều đặc biệt.

EURO lần này, họ bị coi là đang ở giai đoạn thoái trào với đội hình gồm rất nhiều cầu thủ lớn tuổi và một vài cầu thủ trẻ vô danh. Nhưng,đó cũng có thể là tiền đềđể Italy bỗng thăng hoa và có một giải đấu “không tưởng”.

* Vậy còn về các cầu thủ thì sao? Nếu chọn một cái tên gắn với giải đấu này, ông sẽ chọn…?

- Sẽ là Ibrahimovic của Thụy Điển. Có thể đội bóng xứ Bắc Âu không đăng quang, nhưng tôi nghĩ Ibrahimovic sẽ là cái tên đáng nhớ nhất ở giải đấu lần này. Câu chuyện của cầu thủ này rất thú vị.

Anh ta là một trong những tiền đạo hàng đầu thế giới, nhưng tính cách lại thất thường và luôn vô duyên ở những trận đấu lớn. Bây giờ, ở những năm cuối cùng của sự nghiệp, khi phải “gánh” cả đội tuyển Thụy Điển trên vai, tôi tự dưng lại mong và tin rằng Ibrahimovic sẽ buộc người ta phải nói về mình theo một cách nào đó.


Nước Pháp đã sẵn sàng cho một EURO cuồng nhiệt và lãng mạn

* Quả thực, ông luôn đặt ra những kỳ vọng với bóng đá theo cách của một nhà thơ, nghĩa là mong chờ sự độc đáo và lãng mạn. Nhân đây, xin được hỏi về “hành trình” làm thơ bóng đá của ông, cũng như ý tưởng về những vần thơ cho mùa EURO tới?

- Thời điểm này là tròn 30 năm tôi bắt đầu làm thơ về bóng đá. Bài đầu tiên được sáng tác vào World Cup 1986, với những cảm xúc đặc biệt khi chứng kiến Maradona tỏa sáng để kế vị “vua” Pele. Từ đó đến giờ, những vần thơ viết về bóng đá cũng nhiều và đủ lựa chọn để in thành một tuyển tập khi có dịp.

Còn về EURO năm nay, sự hào hứng trong những ngày này, khi trái bóng sắp lăn, cũng đủ để mang lại cho tôi vài vần thơ rồi. Nhân đây, xin chia sẻ thêm, với tôi, không nhất thiết phải là trận đấu giữa 2 “ông lớn” mới là cơ duyên để làm thơ. Giữa 2 đội bóng “tí hon”, chỉ cần những chi tiết, hình ảnh, tình huống độc đáo và giàu xúc cảm xuất hiện cũng đã là đủ để khơi nguồn cảm hứng.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Chỉ một quả bóng thôi thế là thành thế trận

Anh ở bên kia và tôi ở bên này

Cái vạch vôi giữa sân thành đường biên hai thái cực

Trái đất bỗng ngừng khi quả bóng bay…

(trích “Hát về trái bóng”, bài thơ bóng đá đầu tay của PGS-TS Phạm Văn Tình)

Sơn Tùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm