Trong nỗi khắc khoải Posilipo

07/06/2010 12:02 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Độc giả quý mến, khi bạn đọc những dòng này, tôi đang ở đâu đó trên trời, trong hành trình hàng nghìn dặm bay kéo dài 16 tiếng từ Roma sang Amsterdam (đổi máy bay lần 1) để rồi từ đó bay đi Nairobi, Kenya (đổi máy bay lần 2) và tới đích cuối cùng Johannesburg lúc nửa đêm. Một hành trình dài, mệt mỏi và dường như bất tận, và sẽ là địa ngục nếu không có tình yêu nghề nghiệp và nỗi đam mê với trái bóng tròn.

Châu Phi là gì nhỉ, và những giới hạn của khả năng thực hiện phiêu những chuyến phiêu lưu mà ta hằng ấp ủ là đâu? Những người da đen, xung đột, chết chóc và bệnh tật, và những hạn chế về không gian và thời gian của chuyến đi làm cản trở năng lực sáng tạo và bỗng nhiên vụt lên nỗi sợ hãi, rằng một ngày nào đó, nếu vì một lí do nào đó không thể lên đường trên từng cây số được nữa, những nỗi đam mê cũng sẽ chết đi?

Tác giả bài viết

Có lẽ không, vì châu Phi và nhất là Nam Phi có những gương mặt khác mà chỉ có ngòi bút và những hình ảnh đưa về trực tiếp từ đó mới có thể làm toát lên được “phía kia” đa dạng và sinh động của một đất nước, một châu lục xa xôi mà chỉ cần nghĩ đến nó, nhiều người đã hình dung ra những điều tiêu cực và đen tối. Cũng có lẽ không, bởi đã là một phóng viên thì không thể không có mặt trên những con đường và sống trong những nỗi khắc khoải cùng với sự kiện và nhân vật. Dưới cánh bay nơi tôi đang đi qua, là những vùng đất của một châu lục, một lịch sử, một câu chuyện dài không dứt về những nỗi thống khổ và rất ít những niềm vui, mà nỗi an ủi là World Cup, như một sự thừa nhận cho châu lục đen đang ngày càng bớt “đen”. Bóng đá sẽ là chủ đề chính trong chuyến đi đang được thực hiện, dĩ nhiên, nhưng tôi cũng quan tâm đến những khía cạnh khác nữa xoay tròn quanh trái bóng ấy. Khám phá đất nước và con người nơi đây là một nỗi ám ảnh thực sự. Phải, người ta không đến mũi Hảo Vọng chỉ để ca ngợi về cảnh đẹp và con người của một xứ sở.

Hai năm về trước, là một giải đấu khác, EURO. Tôi và một đồng nghiệp đã rong ruổi gần 10 nghìn cây số bằng xe hơi trên những con đường châu Âu, nhưng cũng chỉ mô tả được một phần sống động của những trận đấu, những tình cảm, nỗi khắc khoải, niềm vui và nỗi đau của những con người đã sống hết mình trong một tháng nóng bỏng của giải đấu trên đất Áo và Thụy Sĩ. Chiếc xe trở thành phòng làm việc và phòng ngủ lưu động, với tất cả các trang thiết bị kĩ thuật và đồ dùng cho cuộc sống hàng ngày trong suốt chuyến đi. 

Bây giờ, không có ôtô nữa và ở Nam Phi là mùa Đông. Phương tiện đi lại là đôi chân, là xe bus, tàu hỏa, máy bay, tóm lại tất cả những gì có thể chạy được. Trên hết là một phong cách sống, tư duy sống và những con người khác hẳn với những ai tôi đã gặp và chia sẻ ở châu Âu, nơi tôi đã sống trong 3 năm qua và coi đó như ngôi nhà thứ 2 của mình. Những khó khăn không ít. An ninh là một vấn đề lớn của Nam Phi không chỉ vì có World Cup. Xung đột giữa người da đen và da trắng ở một đất nước đã sinh ra và bây giờ đã chết đi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc lại nhen nhóm trỗi dậy. Những khuyến cáo về an ninh dài hàng trang mà tôi nhận được trước khi lên đường trở thành một lo ngại thường trực. Những câu chuyện không vui xảy ra với những ng
ười khoác ba lô trên những con đường xa tít ở châu Phi đủ để làm người ta rùng mình. 

Nhưng tất cả những điều ấy dường như chỉ làm tăng trong lòng người lên đường nỗi đam mê khám phá và trải nghiệm hơn. Không nỗi lo âu nào có thể chế ngự được khao khát muốn nghe một điệu nhạc maskanda, ước mơ đến với Soweto, những khu định cư da đen nghèo nàn rách nát, đến Cape Town và ăn món thịt biltong. Và cả nỗi tò mò muốn biết từng ngóc ngách cuộc sống ở xứ sở của nhà lãnh đạo Nelson Mandela và cô đào Charlize Theron.

Mấy ngày trước khi lên đường, tôi ngồi trước vịnh Napoli và nhìn biển trời Địa Trung Hải xanh ngắt từ một con đường ngoằn ngoèo sát biển của khu Posilipo. Tiếng sóng nhè nhẹ gợi nhớ những kỉ niệm của 20 năm về trước, cho Italia 90, ngày Maradona chia rẽ nước Ý và Napoli điên cuồng vì bóng đá thành 2 nửa yêu ghét. Bây giờ, anh đến World Cup với tư cách của một HLV và cả thế giới tự hỏi, cái tay mơ ấy sẽ làm được gì ở giải đấu đã từng đưa anh lên thành huyền thoại vĩ đại, và cánh tay nào của Chúa sẽ giơ ra để cứu vớt Argentina nếu Diego bất lực, và liệu Messi có trở thành Maradona II bằng một cánh tay khác? Đội Anh sẽ tiến xa hơn nữa với Capello hay lại gây thất vọng như mọi lần? Brazil của những người samba vẫn là mạnh nhất, điều đó ai cũng thừa nhận. Nhưng cái gì đẹp quá cũng mong manh dễ vỡ. Espana 82 và World Cup 2006 là minh chứng rõ nét. Đến bao giờ người Pháp mới thoát khỏi món nợ có tên Raymond (Domenech) và thoát khỏi cả hoài niệm có tên Zizou? Đội Ý sẽ ra sao khi không có những số 10 và không nốt Pirlo, niềm cảm hứng cuối cùng, người đang khiến các tifosi đặt cược số phận đội tuyển trên cái bắp chân đau của anh? Những người Thiên thanh ấy luôn đặt tay lên trái tim khi hát quốc ca, mà câu da diết và khắc khoải nhất là “Dov’è la vittoria?” (Chiến thắng ở nơi đâu?). 4 năm sau những ngày rực lửa trên đất Đức, sẽ là Italia nào ở mùa đông Nam Phi, “đất nước Cầu Vồng”, và liệu chiến đấu bằng trái tim là đủ cho vinh quang? Những câu hỏi ấy sẽ có lời đáp trong một tháng nữa, và chính tôi cũng sẽ tự đi tìm câu trả lời, trong những bài viết về họ, về những cổ động viên của họ, trong một cuộc sống quay cuồng ở ranh giới giữa thắng và bại, hy vọng và thất vọng.

Hôm nay, hành trình World Cup của tôi bắt đầu, từ chuyến bay đến mảnh đất Nam Phi xa nửa vòng trái đất. Và văng vẳng câu thơ mà nhân vật trong một vở kịch nổi tiếng được phát trên tivi những năm 1980 đã luôn ngâm nga: “Hết ngày dài, lại đêm thâu/Chúng ta đi trên đất Phi châu”. Đấy cũng chỉ là một trong những nơi tôi đã và sẽ đặt chân đến trong hành trình dài của một đời phóng viên luôn luôn trên những con đường, hướng về nơi vô tận, cho những chuyến đi dường như không bao giờ có điểm tận cùng...
                   
Anh Ngọc (Đặc phái viên TTXVN tại World Cup 2010)

Coi chừng khi đến Nam Phi?

Mấy anh bạn phóng viên Ý nói với tôi, rằng những khuyến cáo sẽ được đưa dưới đây thực ra có thể được áp dụng cho chính Italia, cụ thể là ở một số nơi như ở Napoli hay Reggio Calabria, miền nam nước này. Nhưng nỗi lo ngại vẫn luôn tồn tại, khi tôi luôn đi trên đường và mang theo người máy ảnh, máy tính, các phương tiện kĩ thuật khác, có thể phải di chuyển đến những nơi rất xa để viết bài cho những chủ đề mới, trên những chuyến xe “dù” mà bạn đồng hành không ai khác là những người da đen vốn đã chịu biết bao điều tiếng không hay từ dư luận bên ngoài. Tôi vẫn nghĩ, nếu Nam Phi trộm cướp, giết chóc (500 vụ giết người một năm), bắt cóc như rươi (đại sứ quán nhà mình còn bị cướp tiền ngay trong khuôn viên!), thì chẳng có chuyện có vinh dự được đăng cai 2 giải mang tầm thế giới như World Cup và Miss World (Hoa hậu thế giới, tổ chức ở Sun City). Còn nếu có chuyện gì xảy ra với tôi? Cầu mong ông bà phù hộ (cũng xin cám ơn Blatter vì nhờ ngài mà tôi có dịp đến nơi xa tít tắp này, nhưng ngài đáng bị nguyền rủa nếu có chuyện không hay đến với tôi…). Dưới đây là trích khuyến cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đối với công dân Việt Nam đến nước này: - Tuyệt đối không để tiền, đồ trang sức và vật dụng đắt tiền khác trong khách sạn (nếu có thì phải để trong két sắt). - Không phô trương các vật dụng đắt tiền như máy tính xách tay, máy ảnh, đồng hồ, điện thoại di động đắt tiền…tại những nơi công cộng. - Không đi chơi đêm (nhất là không đi một mình) nếu không có người hướng dẫn đi cùng. Nếu có việc phải đi thì cần tránh những nơi vắng người, không có hoặc ít đèn chiếu sáng. - Nếu chẳng may bị cướp thì tuyệt đối không chống cự. Hãy tuân thủ yêu cầu của bọn cướp là đưa hết tiền bạc, tư trang…cho bọn chúng vì bọn cướp có thể hành động rất liều lĩnh. Tránh mọi hành động khiến bọn cướp có thể hiểu là hành động chống cự, kể cả việc nhìn thẳng vào mặt chúng vì chúng có thể hiểu là mình tìm cách nhận mặt chúng để báo cảnh sát.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm