Nhật Bản tiêm vaccine tăng cường phòng biến thể Omicron

31/01/2023 08:29 GMT+7 | Tin tức 24h

Trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Covid-19 mang tính bền vững, sau hơn 4 tháng triển khai, chương trình tiêm vaccine phòng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại Nhật Bản đã đạt diện bao phủ trên 40% dân số nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ngày 31/1 cho thấy, hơn 52 triệu lượt người đã tiêm vaccine mũi tăng cường ngừa Omicron, chiếm 41,4% dân số, trong đó 25,3 triệu người trên 65 tuổi, đạt tỷ lệ 70,7% tổng số người thuộc nhóm đối tượng này.

Xét về tổng thể, tính đến hết tháng này, Nhật Bản đã có 104.621.965 người tiêm mũi thứ nhất (chiếm 81,4%), 103.238.764 người tiêm mũi thứ hai (chiếm 80,4%), 85.688.084 người tiêm mũi thứ ba (chiếm 68%), 54.019.230 người tiêm mũi thứ tư và 28.157.177 người tiêm mũi thứ năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em từ 5-11 tuổi được tiêm mũi thứ nhất là 23,9%, mũi thứ hai là 22,9% và mũi thứ ba là 8,3%.

Hơn 40% dân số Nhật Bản đã tiêm mũi vaccine tăng cường phòng biến thể Omicron - Ảnh 1.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/ TTXVN

Chính phủ Nhật Bản triển khai chương trình tiêm mũi tăng cường phòng biến thể Omicron từ khoảng giữa tháng 9/2022. Trong giai đoạn đầu, đối tượng ưu tiên tiêm là những người từ 60 tuổi trở lên và các nhân viên y tế chưa tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ 4. 

Sau đó, từ giữa tháng 10, Nhật Bản tiếp tục mở rộng diện tiêm chủng sang các đối tượng từ 12 tuổi trở lên và đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine. Để thực hiện chương trình tiêm chủng này, Nhật Bản sử dụng vaccine phòng Omicron do các hãng dược phẩm Pfizer Inc. và Moderna Inc. (đều của Mỹ) bào chế và đã được điều chỉnh để phòng ngừa biến thể BA.1. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã phê duyệt việc sản xuất và bán loại vaccine này ở Nhật Bản từ đầu tháng 9/2022.      

Trước đó ngày 27/1, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hạ cấp dịch COVID-19 xuống ngang với dịch cúm mùa và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 8/5 tới. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có những thay đổi lớn về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại quốc gia Đông Bắc Á này như liên quan đến chi trả chi phí khám chữa bệnh, quy định về cách ly và Chính phủ Nhật Bản sẽ không ban bố tình trạng khẩn cấp hay áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ngay cả khi số ca nhiễm mới tăng trở lại trong tương lai.

Mặc dù vậy, Chính phủ Nhật Bản vẫn coi việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 nói chung và mũi tăng cường phòng biến thể Omicron như một giải pháp căn cơ để đảm bảo sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ có thể bùng phát các làn sóng lây nhiễm trong tương lai.

Phạm Tuân/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm