Săn lùng thực phẩm trường thọ ở Okinawa

22/12/2013 11:29 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Mùi hương ngọt ngào của vùng nhiệt đới phảng phất trong phòng thí nghiệm của Shinkichi Tawada khi ông khuấy một chất lỏng màu hổ phách được cho là nắm giữ bí mật đằng sau sự trường thọ nổi tiếng của người dân Okinawa tại phía Nam Nhật Bản.

Chất lỏng kể trên được trích xuất từ một loại cây được biết tới ở địa phương với tên getto.

Bằng chứng khó bác bỏ

Shinkichi Tawada nói rằng các thí nghiệm của ông phát hiện thấy rằng chất lỏng này có thể giúp kéo dài tối đa thêm 1/5 tuổi thọ của người bình thường.

"Trong hàng thập kỷ, Okinawa đã có tỷ lệ người sống thọ cao nhất thế giới và tôi nghĩ rằng lý do của việc này phải nằm trong thành phần của bữa ăn truyền thống" - Tawada, người đang là một giáo sư về nông nghiệp tại Đại học Ryukyus ở Okinawa cho biết.

Trong 20 năm qua Tawada đã nghiên cứu getto, vốn là một loài cây thuộc họ gừng, có tên khoa học alpinia zerumbet. Loài cây này, có lá to, xanh mướt, với quả đỏ và hoa trắng, đã xuất hiện trong ẩm thực của vùng Okinawa suốt hàng thế kỷ và giờ vẫn mọc nhiều trong hoang dã.

Giờ ông tin rằng công việc của mình đã mang tới thành quả quan trọng. Trong một nghiên cứu gần đây trên những con giun, ông thấy rằng nhóm giun được cho ăn getto hàng ngày sống lâu hơn nhóm không ăn getto khoảng 22,6%.


Shinkichi Tawada lắc lọ chứa dung dịch trích xuất từ cây getto trong phòng thí nghiệm của ông

Giảm tuổi thọ vì thiếu getto

Theo Tawada, dù người xưa không biết rằng cây getto rất giàu resveratrol, một chất chống lão hóa cũng có nhiều trong các quả nho, họ thấy rõ rằng loài cây này mang lại nhiều lợi ích nếu người ta ăn nó.

"Theo truyền thống, người dân Okinawa luôn ăn muchi, một món ăn mùa đông làm từ cơm quất trong lá getto, và họ tin việc này sẽ giúp tránh cảm lạnh, mang lại sức khỏe".

Nhưng thời hiện đại, thói quen ăn uống đã thay đổi ở Okinawa. Văn hóa ẩm thực truyền thống, vốn giàu rau củ trồng tại địa phương, cá và rong biển, đang dần bị các nhà hàng bít tết và chuỗi cửa hàng ăn nhanh chiếm chỗ. Hiện tượng này có thể thấy rõ trên các con phố của Naha, đảo chính nằm trong quần đảo Okinawa.

Những cửa hàng ăn nhanh ban đầu mọc lên để phục vụ 19.000 lính Mỹ đóng trên đảo, theo một hiệp ước phòng thủ mà Tokyo ký với Washington. Nhưng giờ chúng lại được dân địa phương ưa thích, dù rằng binh lính Mỹ đã không còn dùng nhiều đồ ăn nhanh nữa.

Phụ nữ ở Okinawa hiện vẫn còn sống rất thọ, với tuổi thọ trung bình là 87 tuổi. Đây cũng là một trong những khu vực có phụ nữ sống thọ nhất Nhật Bản. Nhưng tuổi thọ của đàn ông đang tụt giảm dần. Với tuổi thọ trung bình chỉ còn 79,4 năm, đàn ông ở Okinawa chỉ còn xếp thứ 30 trong số 47 tỉnh của Nhật Bản và thấp hơn mức tuổi thọ trung bình của đất nước.

Có một thực tế giúp giải thích hiện tượng này: Okinawa đang có tỷ lệ nam giới béo phì cao nhất Nhật Bản. "Ngày hôm nay người ta ăn quá nhiều đồ ăn nhanh" - Tawada nói - "Tuổi thọ vì thế mà đi xuống. Đã tới lúc để kết nối trở lại với truyền thống ẩm thực của khu vực".



Getto là loài cây có lá to xanh mướt, mọc rất nhiều ở Nhật Bản và được cho là nguyên nhân giúp người dân ở đây sống thọ

Tiềm năng chưa được khai phá

Lợi ích về mặt sức khỏe của getto đang bắt đầu được truyền bá và đông đảo người bắt đầu kiếm sống quanh nghiên cứu của Tawada, thông qua việc trồng loại cây này.

Keiko Uehara, người trông trẻ hơn nhiều so với độ tuổi 64 của bà, tin chắc rằng getto đã giúp mình trường thọ. Cửa hàng làm đẹp của bà nằm ở Naha bán rất nhiều sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, với getto là thành phần chính.

"Tôi uống hỗn hợp getto và thấy nó luôn khiến mình trẻ lại. Tôi cũng dùng chất trích xuất từ cây này pha với nước để xóa đi nếp nhăn" - bà nói.

Bên ngoài thị trấn, Isamu Kina đứng trong một cánh đồng đầy cây getto. Công ty Rich Green của ông là nơi sản xuất chủ đạo loại cây này trong khu vực và ông rất kỳ vọng trong tương lai, cây sẽ được xuất khẩu ra khắp thế giới.

Trở lại phòng thí nghiệm, Tawada tin rằng người ta mới chỉ bắt đầu khám phá các tiềm năng của getto. "Ngày hôm nay getto được sử dụng trong mỹ phẩm nhưng đó chỉ là một phần tiềm năng của nó. Tôi nghĩ rằng nó hoàn toàn có thể được sử dụng trong y học và các lĩnh vực khác nữa" - ông nói - "Hy vọng ngày nào đó có sẽ giúp thay đổi toàn bộ nền kinh tế của quần đảo".
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm