Nhật Bản "hậu sóng thần": Bùng nổ hôn nhân sắp đặt

07/05/2012 14:02 GMT+7 | Trong nước



(TT&VH) - Hôn nhân sắp đặt, từng bị xem là cổ hủ, lạc hậu, giờ đang tìm đường trở lại xã hội Nhật Bản, trong một xu hướng hết sức lạ lùng, được đánh giá có căn nguyên từ việc con người ở đây đang trở nên cô đơn hơn.

Một người người đàn ông và người phụ nữ xa lạ tới gặp nhau. Trong cuộc nói chuyện, họ không ngần ngại đề cập về lương, vị trí xã hội của người kia. Đây không phải là một cuộc gặp mặt với mục đích hẹn hò, mà đôi bên đã có mục đích được định rõ. Họ sẽ sớm kết hôn với nhau, một khi thấy nửa kia có các đặc điểm hợp với mình.

Truyền thống bắt nguồn từ thời các samurai

Đây là hiện tượng khá đặc biệt tại Nhật Bản. Các thống kê cho thấy hôn nhân sắp đặt gia tăng mạnh trở lại tại xứ sở hoa anh đào.

"Hôn nhân sắp đặt" là cách diễn giải sát nghĩa nhất đối với phong tục đặc biệt của xứ phù tang, được gọi là omiai. Về mặt ngữ nghĩa, từ này la "hai người nhìn vào nhau". Nó là một nghi lễ của các samurai, có từ thế kỷ 16, nhằm củng cố mối quan hệ quân sự cũng như hậu thuẫn lẫn nhau.

Trong nghi lễ omiai, hai con người không quen biết nhau sẽ được giới thiệu làm quen với mục đích đi tới hôn nhân. Các tầng lớp xã hội khác cũng đã nhanh chóng chấp nhận omiai. Omiai và hôn nhân sắp đặt dần trở thành chuẩn mực đạo đức đáng tôn trọng tại Nhật Bản.

Nhưng sự xuất hiện của người nước ngoài tại Nhật Bản ở giữa thế kỷ 20 đã làm đảo lộn truyền thống này. Người Nhật hiện đại thích những cuộc hôn nhân có tình yêu.

Theo The Telegraph, thập niên 60, người ta ước tính có khoảng 70% cuộc hôn nhân ở Nhật Bản diễn ra theo truyền thống omiai - hôn nhân sắp đặt. Nhưng đến những năm 90, con số trên giảm xuống 30%. Đầu thế kỷ 21, các cuộc hôn nhân sắp đặt được xem là tàn dư của quá khứ và chỉ chiếm 6%, theo thống kê năm 2005.

Một cuộc hôn nhân sắp đặt ở Nhật Bản

Sống lại vì sóng thần?

Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân Nhật Bản dường như quay về với các truyền thống quá khứ. Thông thường, các đôi nam nữ có ý định tiến hành hôn nhân sắp đặt sẽ xem qua các bức ảnh về nhau. Nếu họ ưng ý, bước tiếp theo là hẹn xem mặt. Địa điểm cuộc gặp diễn ra tại nhà bạn, nhà bố mẹ hoặc trong một nhà hàng kín đáo, thường là dưới sự giám sát của các bà mẹ.

Kỳ vọng vào cuộc gặp mặt đầu tiên như thế này thường rất lớn, do đó không phải là cuộc gặp để tán tỉnh mà vì mục đích hôn nhân. Tuy không trực tiếp đề cập đến việc tiến tới hôn nhân nhưng câu chuyện giữa đôi bên cũng bóng gió xoay quanh vấn đề xây dựng một gia đình trong tương lai.

Vì tiêu chí kết hôn, các đối tác được chọn thường cũng phải "môn đăng hộ đối". Những tâm tư nguyện vọng về tiêu chí chọn vợ (chồng) của mỗi người cũng sẽ được bắn tin tới đối tác trước cuộc gặp mặt, nhằm tránh sự hiểu lầm cũng như rủi ro. Nếu đôi bên chấp nhận nhau, họ sẽ đi tới hôn nhân.

Những năm gần đây, kết hôn không được ưa chuộng ở Nhật Bản. Các điều tra cho thấy, người dân nước này rất thờ ơ với lập gia đình. Nhưng đó là khoảng thời gian trước khi xảy ra trận sóng thần khủng khiếp hồi tháng 3 năm ngoái. Trận sóng thần đã làm xáo trộn tâm tính của người dân Nhật, đẩy những người thuộc đủ mọi thành phần xã hội xích lại gần nhau, cùng chia sẻ hậu quả mà thảm hoạ gây ra.

Trận động đất, sóng thần đã khiến không ít người dân Nhật nhìn nhận lại mình và dự tính tương lai theo một cách khác. Mọi người ngày càng thực sự cảm thấy cô đơn trong các thành phố lớn. Không ít trong số đó nghĩ tới cuộc sống và cái chết, đặt dấu hỏi liệu ngày nào đó họ chết, sẽ có ai quan tâm?

Rồi họ nảy sinh ý muốn kết hôn, với mong muốn tìm một người bạn đồng hành tới hết đời. Đó là cơ sở để hôn nhân sắp đặt quay trở lại.

Liệu đây có phải là bằng chứng thất bại của hôn nhân kiểu Tây ở Nhật Bản? Tuy hiện tượng này chưa thực sự phổ biến, nhưng nó cũng cho thấy đất này đang trải qua một cuộc khủng hoảng về gia đình, thúc đẩy thanh niên Nhật quay về với truyền thống trước đây của thế hệ cha mẹ họ.

Thời làm ăn của các công ty môi giới

Xu thế mới, khiến các công ty môi giới hôn nhân kiếm lời lớn, do nhu cầu ngày một tăng.

Trước đây, các gia đình không thể tự tìm thấy chồng (vợ) cho con cái của họ sẽ buộc phải tìm đến các nakodo- những bà mối truyền thống (số này giờ rất hiếm). Hiện tại, họ quay sang các công ty chuyên nghiệp.

Đã qua rồi thời của hứa hẹn lãng mạn, những cuộc gặp mặt nhẹ nhàng tình tứ. Các đoạn quảng cáo mà các công ty môi giới đưa ra chủ yếu nhấn mạnh về hấp dẫn hình thể. Một số công ty còn ưu tiên giới thiệu thái độ nghiêm túc cũng như thâm niên làm việc của các chàng trai, cô gái.

Thanh niên Nhật Bản không muốn mất nhiều thời gian, họ yêu cầu các cuộc gặp chỉ được khi những người độc thân thực sự muốn tiến tới hôn nhân chắc chắn và nhanh chóng. Các tiêu chí đưa ra ngày càng cụ thể, nếu đáp ứng yêu cầu về lương hay địa vị xã hội, cuộc gặp mặt được xúc tiến trong thời gian ngắn nhất có thể theo cách thức truyền thống.

Môi giới hôn nhân chuyên nghiệp đang khởi sắc. Theo thống kê mà tờ Japan Today đưa ra, kể từ ngày 11/03/2011 (ngày xảy ra động đất, sóng thần), hoạt động môi giới đã tăng 50% và đó là điều chưa từng xảy ra trước đây.

Với những người thích truyền thống, con số trên là tín hiệu đáng mừng. Một số nhà xã hội còn lạc quan hy vọng xu hướng này có thể giúp cải thiện tương lai dân số của Nhật Bản, nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới và xã hội đang đứng trước nhiều nguy cơ bất ổn do có quá đông người già.

Đào Ngọc (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm