Nhẫn trinh tiết và lời hứa nửa vời

11/09/2014 08:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chiếc nhẫn trinh tiết (purity ring) đang trở thành trào lưu của giới trẻ Việt Nam. Thực ra, cả việc đeo nhẫn, tuyên ngôn giữ gìn trinh tiết lẫn việc kêu gọi tự do tình dục đều luôn có những ý kiến trái chiều nhau.

Tuyên bố “giữ gìn” hay “tự do” có thể trái ngược nhau, nhưng thống nhất với nhau ở chỗ: giờ đây người ta mang nó lên mặt báo, lên Facebook, mang đến các sự kiện công cộng nói cho nhau nghe, không thì thầm như xưa nữa.

Lật lại nguồn gốc chiếc nhẫn trinh tiết. Trào lưu đeo chiếc nhẫn này bắt nguồn từ Mỹ những năm 1990, trong cộng đồng người theo đạo Cơ Đốc hay Tin Lành có lối sống kiêng khem tình dục. Nhưng khi được đại chúng hóa thì chiếc nhẫn trở nên phổ biến với mọi người, dù có đức tin tôn giáo hay không. Chính phủ Mỹ cũng cổ vũ điều này vì muốn kiểm soát các bệnh liên quan đến tình dục.

Một trong những sao trẻ Mỹ nổi tiếng nhất từng đeo nhẫn trinh tiết là ca sĩ Miley Cyrus. Năm 2008, cô giải thích về chiếc nhẫn trên tay: “Ở tuổi tôi, rất nhiều bạn gái bắt đầu sa ngã, tôi nghĩ nếu trinh tiết có thể là một lời hứa hẹn của con gái thì thật tuyệt vời”.

Đến năm 2012, Miley tháo nhẫn, ca ngợi tình dục “đẹp đẽ và đầy ma lực”, kêu gọi các bậc cha mẹ hãy tạo môi trường cởi mở cho con cái về chủ đề này. Chẳng cần nói cũng hiểu thay đổi này là vì đâu.

Cũng năm 2008, ngôi sao đồng lứa với Miley là Selena Gomez nhờ bố mua cho một chiếc nhẫn trinh tiết, mang đến nhà thờ để Chúa ban phước, rồi đeo vào tay mình. Năm 2011, gần như cùng lúc công khai hẹn hò ngôi sao kém tuổi Justin Bieber, Selena tháo nhẫn. Lý do không cần phải đoán.

Câu khẩu hiệu phổ biến trên chiếc nhẫn trinh tiết là “True love waits” (Tình yêu đích thực biết chờ đợi) nhưng kể cả khi đeo nhẫn, nhiều người vẫn có đợi đâu?

Nên nhớ, ý nghĩa gốc của chiếc nhẫn trinh tiết không phải là “giữ gìn trong thời gian đeo” mà là “giữ gìn cho đến khi kết hôn”. Nó được coi như một lời thề nguyền của người có đức tin tôn giáo. Nên khi một người tháo nhẫn mà vẫn chưa kết hôn, đó được coi là lời hứa không được thực hiện. Còn nếu không thực sự muốn thực hiện, họ chỉ nên coi đó như món đồ trang sức, không cần phải lồng ghép ý nghĩa thiêng liêng như thế.

Đến các ngôi sao theo đạo, khi đã được Chúa ban phước cho chiếc nhẫn, mà vẫn chẳng giữ lời hứa đó, thì thiêng liêng gì khi đeo chiếc nhẫn như món đồ trang sức mà họ mua theo trào lưu?

Mấy trăm, mấy nghìn năm trước, Kinh thánh liệt kê “trong trắng” và “không quan hệ trước hôn nhân” là những tiêu chuẩn cho “trong sạch”.

Ngày nay, việc “giữ gìn thuần khiết” hay “tự do giải phóng” tình dục có lẽ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ điều đáng quan tâm hơn nữa đó là “tình dục an toàn” - điều mang tính thiết thực đối với bối cảnh xã hội và cuộc sống của giới trẻ hiện nay.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm