14/04/2023 15:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Người đàn ông không hề nhận được tin nhắn báo mã OTP, thế nhưng tiền trong tài khoản vẫn không cánh mà bay. Nguyên nhân do đâu?
Ngày nay với sự xuất hiện các loại hình tội phạm công nghệ cao, nhiều người dân ngồi nhà vẫn mất tiền oan, đặc biệt là những người có tuổi, không rành về các công nghệ.
Mới đây, câu chuyện của một người đàn ông 70 tuổi tại Singapore bị mất gần như toàn bộ tiền tiết kiệm dành cho việc dưỡng già của mình đã khiến cho nhiều người thương cảm và đây cũng là bài học mà chúng ta nên rút ra cho bản thân.
Theo thông tin từ tờ báo của Singapore, Mothership, ông Loo (tên giả để bảo vệ danh tính) đã kể lại sự cố của mình cho các phóng viên của tờ Shin Min Daily News rằng vào khoảng 9 giờ sáng ngày 29/1 vừa qua, ông đã nhận được cuộc gọi của nhân viên ngân hàng DBS ở nước này.
Người đàn ông đã bị mất tới 71.000 đô la Singapore trong tài khoản. (Ảnh minh họa)
Người nhân viên này thông báo với ông Loo rằng trong khoảng thời gian từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng hôm đó, có rất nhiều giao dịch chuyển tiền đã được thực hiện từ tài khoản của ông đến các tài khoản ở nước ngoài. Tổng số tiền đã được chuyển đi là 71.000 đô la Singapore (tương đương hơn 1,2 tỷ VNĐ). Nhận thấy có sự bất thường nên người này đã quyết định gọi cho ông Loo để hỏi rõ sự tình.
Vừa nghe được thông tin đó, ông Loo đã vô cùng bàng hoàng. Trong khoảng thời gian này, ông vẫn đang ngủ, làm sao có thể chuyển tiền đi, hơn nữa lại còn chuyển hầu như toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình như vậy? Sau khi kiểm tra tài khoản, ông Loo choáng váng khi biết tài khoản của mình chỉ còn khoảng 2.000 đô la Singapore (tương đương 35 triệu VNĐ). Chưa hết, thẻ tín dụng của ông cũng bị tiêu hơn 6.000 đô la Singapore (tương đương hơn 105 triệu VNĐ).
Ông Loo đã nhanh chóng yêu cầu nhân viên ngân hàng đóng băng tài khoản của mình. Tuy nhiên, vì mất gần như hết số tiền bản thân khó khăn lắm mới dành dụm được, ông Loo và vợ mình đã tiếc đến mức mất ngủ nhiều đêm liền.
Sau đó, ông Loo đã báo cảnh sát, hy vọng có thể lấy lại được số tiền đã bị những kẻ bất lương lấy đi. Ông cũng đã giao nộp chiếc điện thoại thông minh của mình để phục vụ quá trình điều tra.
"Cảnh sát nói rằng nếu số tiền đó đã được chuyển đến một tài khoản ở nước ngoài thì tôi không thể lấy lại được. Thật đau đớn, vì đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của tôi. Cũng vì chuyện này mà cả tôi lẫn vợ đều mất ngủ suốt nhiều đêm liền", ông Loo tâm sự.
Ông Loo cũng khẳng định là mình không hề nhận được tin nhắn báo mã OTP hay được dẫn đến các đường link thay thế nào khác. Chính vì thế, ông đã không hiểu tài khoản của mình đã bị thâm nhập bằng cách nào.
Trong khi đó, đại diện của ngân hàng DBS dẫn lời của cảnh sát điều tra cho biết hóa ra điện thoại của ông có chứa một phần mềm chứa mã độc khi ông tải phần mềm Google Wallet (một ứng dụng ví điện tử) về. Thay vì tải đúng ứng dụng, ông đã tải nhầm 1 ứng dụng khác có tên gọi gần giống như vậy. Điều này có thể xảy ra khi ông Loo tải các ứng dụng về điện thoại của mình từ các trang không chính thống. Phần mềm chứa mã độc này đã giúp những tên hacker kiểm soát điện thoại của ông để thực hiện các giao dịch lừa đảo trên mạng.
Nếu người dùng tải ứng dụng chứa mã độc (bôi đỏ) thì điện thoại sẽ bị chiếm quyền.
"Người dùng có thể cân nhắc đến việc nhờ sự trợ giúp từ Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Tài chính (FIDReC). Đây là một bên hòa giải độc lập, và có thể đảm bảo rằng ngân hàng DBS sẽ hoàn toàn hỗ trợ quá trình xem xét này", đại diện ngân hàng DBS tuyên bố.
Trong khi đó, Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Singapore cũng như Cơ quan An ninh mạng Singapore đã đưa ra một thông báo chung vào hôm 11/4 vừa qua, cảnh báo người dân nên thận trọng hơn trong việc tải các ứng dụng từ một bên thứ 3 hoặc từ các trang web không chính thống để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất