Nhạc Việt một thời xa vắng: Con đường "mưa bụi"

27/05/2012 17:27 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Câu chuyện về con đường này, chắc chắn không có nhiều người biết rõ. Nó không hề phẳng phiu, nó đầy gian nan, đầy thách thức, nhưng dẫn đến một khu vườn nở hoa, nó không phụ công những người khai phá.

Trở lại thời gian khoảng đầu những năm 1990, nhạc Việt im lìm, nhưng dự báo sẽ có nhiều cơn mưa,bằng những tín hiệu khác,  tuy chưa rõ nét về sự xuất hiện rải rác của các hiện tượng ca sĩ, nhà sản xuất khá mạo hiểm, khá cách tân…

Giai đoạn trên sân khấu bán chuyên nghiệp của Bảo Yến, Nhã Phương, Ngọc Bích, Ngọc Tân,…với dòng nhạc “Tình ca đỏ” đặc trưng… tạm lắng, nhường chỗ cho những ca sĩ có  khán giả trẻ và đông đảo hơn, “gu” thưởng thức ca nhạc sôi động hơn ,và sự hồi sinh một cách dè dặt, khá rụt rè của dòng nhạc trữ tình dễ nghe, đã phổ biến từ trước 1975. Lê Tuấn, Ngọc Sơn, Ngọc Ánh… với phong cách trẻ trung , gần gũi, đôi lúc có chút ủy mị, ướt át, và… gợi nhớ “nhạc vàng” bắt đầu được khán giả đón nhận.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ nét vì chưa có những “ngôi sao” thực sự, chưa có các công cụ quảng bá sâu rộng như băng đĩa nhạc, chưa có những studio kỹ thuật tốt và sự nhập cuộc rầm rộ của báo đài… các ca sĩ chủ yếu biểu diễn ở những tụ điểm  ngoài trời và một số sân khấu tỉnh. Giai đoạn đó, nếu muốn thưởng thức băng đĩa nhạc, vẫn phải nghe nhạc “hải ngoại” là chính, các ngôi sao, những “thần tượng” của số đông lúc đó là Ngọc Lan, Linda Trang Đài, Hương Lan…ở tận phương trời nào nhưng tiếng hát và hình ảnh của họ vẫn làm mưa làm gió khá mãnh liệt, vì những sản phẩm âm nhạc trong nước còn rất nghèo nàn.



Nhưng như trên đã nói, trời đã “chuyển mưa”…

Trong cuộc sống, chúng ta hiểu mọi chuyện vận hành theo quy luật, nhưng lại bằng những điều tưởng như rất tình cờ. Những cuộc gặp gỡ, kết nối, đẩy đưa rất ngẫu nhiên, có thể làm nên chuyện hoặc bắt đầu cho một trào lưu hay hiệu ứng nào đó.

Chuyện xảy ra ở studio Kim Lợi (1).

Nghệ sĩ cải lương Tài Linh ghé qua và hát thử một đoạn “tân nhạc”. Chất giọng ngọt như mật ong của chị làm cho Hữu Minh, ông chủ trẻ của Kim Lợi hết sức chú ý. Tài Linh lúc ấy đang là một ngôi sao thực sự của sân khấu cải lương. Kim Lợi đang cần một nghệ sĩ dân ca và hát nhạc …mùi.

Thời đó, ngoài nghệ sĩ Thu Hiền có thể hát dân ca 3 miền nhuần nhuyễn và rất ăn khách (các album đầu tiên của Thu Hiền thực hiện ở Hãng Phim Trẻ dưới dạng băng cassette bắt đầu bán chạy), chưa có một giọng ca nào mới hơn. Hữu Minh quyết định mời Tài Linh thử nghiệm, hát thử một số ca khúc do chính anh viết (vì mới tập sáng tác nên Hữu Minh nhờ nhạc sĩ Vinh Sử, người được mệnh danh là “vua nhạc sến” ở Sài Gòn, biên tập và chỉnh lý theo dạng âm hưởng dân ca).Tài Linh hoàn toàn không có kỹ thuật hát nhạc nhẹ.

Cuộc hành trình thu âm rất cực khổ của Tài Linh bắt đầu. Chị làm quen với nhịp phách và tiết tấu của nhạc nhẹ qua sở trường và cách nhấn nhá, buông thả luyến láy mềm mại của cổ nhạc, những chị biết chắt lọc và làm mới giọng hát của mình, cộng hưởng với sự mày mò, sửa chữa, và xử lý tinh tế về kỹ thuật của phòng thu Kim Lợi. Tiếng hát đặc biệt của chị đã thuyết phục được ca sĩ Đình Văn, vốn là một giọng ca nam khá sáng giá lúc bấy giờ, kết hợp với chị thành một cặp song ca. Đình Văn – Tài Linh với bài hát đình đám đầu tiên Tùy hứng Lý qua cầu đã làm… nhúc nhích thị trường băng cassette, bắt đầu vươn lên, phá các kỷ lục của Ngọc Sơn, Thu Hiền… vượt qua con số 150.000 bản, làm rộn rang khắp trong Nam ngoài Bắc, từ thành phố đến tận miền quê thời kì đó.



Khi Hãng Phim Trẻ và Kim Lợi có sáng kiến, liều lĩnh du nhập một dàn máy quay mới tinh (hệ thống M2, Panasonic “oách” nhất của thời đó), thì các nhà “sáng tạo nghệ thuật” mới tìm cách dùng, khai thác tối đa công năng của nó bằng  ý tưởng quay nghệ sĩ và cảnh đẹp (tiền thân của video ca nhạc và MTV Việt Nam sau này. Sở dĩ điều này được coi là mới lạ, vì thời đó mọi người chưa được tiếp cận kênh MTV quốc tế, còn các chương trình ca nhạc ở hải ngoại như Thúy Nga hay Asia thì chủ yếu quay trên sân khấu).

Hữu Minh kể: “Một chiều buồn, cả đoàn đi quay cảnh làm karaoke trên Đà Lạt, thì gặp …mưa bụi”. Anh còn nhấn mạnh: “cam đoan chỉ ở Đà Lạt mới có mưa bụi”. Đó là những hạt mưa nhẹ và mỏng manh lạ lùng, chỉ làm mềm tấm áo, không làm người ta ướt sũng, ý tưởng này sẽ dùng làm chủ đề cho video ca nhạc của Tài Linh. Máy M2 sẽ quay va …đặc tả được mưa bụi.

Và như vậy, dòng video ca nhạc tình tự quê hương Mưa bụi ra đời. Bối cảnh thì thật nhiều, những bờ ruộng, đồng lúa, những chiếc cầu tre, xứ Huế mộng mơ, miền Trung thương nhớ, Tây Nguyên khói sương v.v… hàng ngày chứng kiến các đoàn phim lên đường, chưa bao giờ cảnh đẹp quê hương lại được khai phá, thu vào ống kính trong từng bối cảnh, từng góc độ tận tình như vậy. Tôi còn nhớ mình đã nói với Hữu Minh: “Cảnh đẹp thế này chỉ để quay ca nhạc thì phí quá, giết cảnh quá”. Minh nói: “Mình sẽ làm một dòng nhạc mới, giới thiệu quê hương bằng hình ảnh, đó là thế mạnh của phim ca nhạc trong nước, điều mà “hải ngoại” khó có thể làm được”.

Dấu ấn khó phai nhất của Mưa bụi là bài hát Giăng Câu. Nó gần gũi và phổ thông đến mức trở thành câu chào hàng ngày của khán giả miền Tây và một số nơi ở Sài Gòn: Em hỏi anh đêm nay đi đâu, anh nói rằng anh đi giăng câu…

Video ca nhạc Mưa bụi phát triển dần dần theo một công thức khá hấp dẫn: Ca khúc có âm hưởng dân ca+ nhạc trữ tình bình dân (sến) + Tổ hợp hoạt cảnh hài + ca sĩ mới được lăng xê…Từ Mưa bụi, sau hai ca sĩ kiêm diễn viên chính là Tài Linh - Đình Văn, xuất hiện rầm rộ hàng loạt tên tuổi một thời như Chế Thanh, Sỹ Ben, Thùy Trang, Cảnh Hàn…Mưa bụi còn rủ rê cả những ngôi sao cải lương như Kim Tử Long, Chí Tâm,… và các danh hài Hồng Vân, Hồng Đào…, các nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu, Xuân Hương… dạo chơi qua lĩnh vực video ca nhạc và tạo được dấu ấn bằng những tiết mục hài rất vui nhộn, hợp thị hiếu, có tính chất sáng tạo, đầy thể nghiệm và tìm tòi trong thời kì đó.

Nhưng sau 2 số đầu tiên với lương băng video bán chạy không ngờ, Mưa bụi gặp phải những phản ứng khá gay gắt vì… “bình dân quá”,  “không xứng tầm”, không “sang” v.v…Những người thực hiện không có cách lý giải hay tự bênh vực, bèn bàn nhau …đổi tên chương trình.

Vậy là sau đó Mưa bụi trở thành Tình đã bay xa, một dấu ấn cũng đậm đà không kém, đặc biệt đã…bay xa hơn, có công đầu trong việc tiếp cận thị trường nhạc Việt ở hải ngoại,chinh phục lượng khán giả khó tính nhưng luôn mở lòng đón nhận những thay đổi tích cực của quê nhà.



Năm 1993, tuy ra vẻ hờ hững khi xem những chương trình video ca nhạc trong nước gởi sang chào hàng,  sau “ Văn Cao, giấc mơ một đời người”(2) , và Mưa bụi, các trung tâm băng nhạc ở hải ngoại đã quan tâm thực sự đến việc hợp tác với các nhà sản xuất trong nước, để làm ra những chương trình video ca nhạc đáp ứng được cả hai nhu cầu trong và ngoài nước. Điều đó kích thích việc sáng tác, tìm nhân tố mới,cùng với sự ra đời của các hãng băng đĩa nhạc trong nước, sát cánh và cạnh tranh với Hãng Phim Trẻ và Kim Lợi studio. Đó là những hãng có thế mạnh về dòng nhạc này như Bến Thành, VAFACO… đặc biệt là TTBN Rạng Đông, rất năng động trong việc nắm bắt giao dịch, tổ chức trao đổi sản phẩm, giao lưu nghệ sĩ giữa hai bên (đây là những sự kiện và chuyển động khác, sẽ được kể ở những câu chuyện sau).

Từ Mưa bụi, đến Tình bay xa, sau đó là Tình xuân, Tình 2000, …thương hiệu “trữ tình quê hương” và “nhạc hoa lời Việt”(3) ngày càng đông khán giả , tiêu biểu cho thời kỳ rực rỡ, “dễ kiếm tiền nhất” của video ca nhạc. Lần đầu tiên và duy nhất (có lẽ lịch sử không bao giờ lặp lại), các đại lý bán băng phải xếp hàng, lấy số thứ tự,mới vào điểm phát hành mua được băng về bán. Đúng là đắt như..tôm tươi.

Các ngôi sao, ca sĩ mới (nhân tố của Làn sóng xanh) sau này như Lam Trường, Phương Thanh,..cũngđược phát hiện, “lăng xê” từ đó (Lam Trường nổi lên từ bài hát Tiếng sáo phiêu bồng, và sau đó là Tình thôi xót xa từ video Tình Xuân...)

Những ngộ nhận, phủ nhận, những phán quyết khắt khe của một thời đã đi qua. Ngày hôm nay, những ca khúc bolero,” trữ tình vàng”… đã có một chỗ đứng đàng hoàng, thậm chí được tôn vinh, được bênh vực vì đã vượt thời gian và nói lên những rung động rất thật, rất… vừa phải của tâm hồn người.

Vì vậy, tôi viết lại câu chuyện này, muốn chia xẻ với các bạn, để trả lại  phần nào cho Mưa bụi những giá trị thật của nó. Showbiz Việt  đã có một dòng chảy lặng lẽ, không ồn ào chiêu trò nhưng đằm thắm và chững chạc, đó là dòng nhạc tạm gọi là trữ tình quê hương, với những ca sĩ đầu đàn và cả những ngôi sao, đáp ứng được thi hiếu và nhu cầu giải trí của rất đông khán giả.

(1).Trong câu chuyện thứ 1 (TT&VH Cuối tuần số 18).

(2) Trong câu chuyện thứ 2 (TT&VH Cuối tuần số 19).

(Còn nữa)

Thiên Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm