Lê Phi Phi: Nhạc cổ điển không cần phải đầu tư thật nhiều tiền

21/02/2009 11:00 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Lê Phi Phi, một trong những Nhạc trưởng hiếm hoi của Việt Nam hiện làm việc ở nước ngoài, vừa trở về nước để tham gia ba chương trình biểu diễn trong tháng 2/2009 tại Hà Nội và TP HCM. Anh đã có cuộc trò chuyện với TT&VH.

* Tối 18/2, tại Hà Nội và tối 28/2 tại TP HCM, Synthesis – ban nhạc Macedonia đầu tiên sẽ ra mắt khán giả. Là người khởi xướng ý tưởng đưa ban nhạc này đến VN, phải chăng anh cũng muốn trả “món nợ” cho quê hương?

 Nhạc trưởng Lê Phi Phi
- Bằng một chuyến lưu diễn này thì không thể trả hết nợ! Mà gọi là “món nợ” cũng không hẳn, đúng hơn là nghĩa vụ của một người yêu nước. Và trong giai đoạn này, khi chưa về VN sinh sống, tôi chỉ có thể nối nhịp cầu văn hóa. Tôi đã từng mời các nghệ sĩ của VN, như: Đặng thái Sơn, Bùi Công Duy… sang Macedonia biểu diễn. Nhưng tiếc rằng chỉ là các cá nhân, hy vọng trong tương lai sẽ có những nhóm biểu diễn lớn hơn. Dịp này, với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa CH Macedonia cả về tinh thần và tài chính, ban nhạc Synthesis với 9 thành viên lần đầu tiên có mặt tại VN.

* Anh và nhiều nghệ sĩ VN khác phải chấp nhận sống xa quê, vì ở nước ngoài, các anh có điều kiện làm việc tốt hơn?

- Nghề biểu diễn nơi nào mời thì diễn. Và với tôi, chỉ có một quê hương Việt Nam. Tôi làm nhạc cổ điển châu Âu, vì thế, ở châu Âu, tôi sẽ có khả năng phát triển nhiều hơn. Thực ra, Macedonia chỉ là nơi tá túc, chứ tôi cũng đi lưu diễn ở rất nhiều nơi. Từ năm 2005, tôi sắp xếp lịch biểu diễn ở bên kia để có thời gian về VN nhiều hơn.

Lê Phi Phi, con trai của nhạc sĩ Hoàng Vân, hiện là Nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Serbia sau khi giữ 2 nhiệm kỳ (8 năm) Nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia. Anh tốt nghiệp khoa Piano và Chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Hà Nội năm 1986, tiếp tục theo học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Nga). Sau khi tốt nghiệp, anh định cư tại nước CH Macedonia.

Bạn đừng nghĩ chúng tôi làm việc ở nước ngoài vì tiền. Nghệ sĩ như chúng tôi chỉ đủ sống ở tầm trung lưu… Nhưng điều quan trọng là vị thế xã hội, là sự tôn trọng mà mọi người dành cho nghệ sĩ. Ở các nước, nếu bạn làm nhạc công dàn nhạc giao hưởng, là điều tự hào… Không ít người cho rằng, nhạc cổ điển Việt Nam cần đầu tư nhiều tiền của để phát triển, nhưng đầu tư biết bao nhiêu cho vừa. Tôi nghĩ, vấn đề không phải là việc trả cho các nghệ sĩ nhiều tiền, mà cần cho họ môi trường yên tâm làm nghệ thuật và để không còn cảnh các nhạc công dàn nhạc giao hưởng hằng đêm phải đi đánh ở bar kiếm sống. Ở châu Âu, nhạc công cũng phải làm thêm, nhưng vẫn làm đúng sở trường. Họ lập ra các tam tấu, tứ tấu rồi đi diễn, thu CD phát hành.

* Nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh trong lần về nước gần đây có phát biểu rằng, ở Đức giờ có ít khán giả quan tâm tới nhạc cổ điển…

- Đúng thế. Nhạc cổ điển có đối tượng khán giả của nó. Chúng ta không nên nhầm lẫn người nước ngoài nghĩa là đều nghe nhạc cổ điển. Người nghe đã ít, nhưng người xem còn ít hơn. Người xem phải có hiểu biết, tri thức, chứ âm nhạc cổ điển không phải là món giải trí cho quần chúng. Đó là tình trạng chung của thế giới. Ở Macedonia, thủ đô chỉ có 800.000 người, nhưng lượng khán giả đến với các buổi hòa nhạc rất đều đặn thế thôi.

* Thực tế, nhiều nghệ sĩ, diễn viên từng là “hạt giống đỏ” của VN đi ra nước ngoài học, rồi cũng “một đi không trở lại”. Điều ấy thật đáng buồn…

- Theo tôi không phải là nhiều mà là số lượng nhất định. Âm nhạc mang tính giải trí, cũng là một nghề, nên nghệ sĩ có thể ở bất cứ nơi nào cảm thấy hài lòng chứ không phải không muốn quay về VN hay về VN không được trọng vọng… Những nghệ sĩ VN ở nước ngoài lại càng yêu VN hơn, càng muốn đóng góp nhiều hơn. Chứ không phải là ra đi rồi bye bye không trở lại… Nhưng gần đây, những bạn trẻ, như Nguyễn Hữu Khôi Nam, Nguyễn Hữu Khôi Nguyên, Bích Trà… không chọn cách định cư ở nước ngoài, mà họ sống ở cả hai nước.

* Anh có thể chia sẻ về cuộc sống riêng tư?

- Tôi không có thời gian nghĩ tới cuộc sống riêng. Tôi là một người rất bận rộn. Phương Tây có câu ngạn ngữ: Đứng sau một người đàn ông thành công là một người vợ tốt. Vợ tôi rất thông cảm cho tôi vì điều đó. Tôi đi suốt, thời gian ở nhà ít. Vì thế ngoài nghĩa vụ đi làm, vợ tôi chơi violon ở Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia, cô ấy còn phải chăm lo gia đình, lo cho con học.... Tôi chỉ nghĩ, 40 – 50 tuổi là độ tuổi chín, nếu không dốc sức làm việc thì khi qua tuổi 50 mình sẽ không còn sức để làm nữa…

* Còn với gia đình lớn của anh ở VN?

- Đó là một điều không thể thay thế. Bố tôi là nhạc sĩ, ông cũng hiểu và thông cảm cho tôi rất nhiều. Một thời gian nữa, chắc chắn tôi sẽ tính tới kế hoạch định cư. Và tất nhiên, VN là lựa chọn đầu tiên.

Thu Hằng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm