05/07/2011 07:34 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Ở Hà Nội, có tới mấy quán cà phê cùng một số nhà 74 Nguyễn Chí Thanh. Quán của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh có tên Biển khát - ca khúc ông tự đánh giá là “thị trường nhất”, “thương phẩm nhất” trong gia tài hơn 500 bài hát của mình.
Cùng thế hệ với các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Dương Thụ, Phó Đức Phương, Trần Tiến, nhưng có vẻ nhiều thứ đến với ông khá muộn. Phải tới chương trình Con đường âm nhạc tháng 7 này (sẽ diễn ra lúc 21 giờ ngày 10/7 tại Cung văn hóa Hữu nghị, Hà Nội, tường thuật trực tiếp trên VTV3), khán giả mới có dịp nhìn lại con đường âm nhạc của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, có sự tham gia của những người con nổi tiếng của ông: nhạc sĩ Anh Quân (con trai), ca sĩ Mỹ Linh (con dâu). Và ngay trước cuộc gặp gỡ này, là sinh nhật cậu con trai bé mới 3 tuổi, kết quả của hạnh phúc mới muộn màng của ông.
Năm 1960, người lính trẻ Trương Ngọc Ninh khi ấy mới 16 tuổi đã cùng cây đàn violon đi biểu diễn phục vụ chiến trường chống Mỹ. Những sáng tác âm nhạc đầu tiên được ông viết chính trong thời gian quân ngũ. Sau khi rời vị trí Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội (nay là Sở VH,TT&DL Hà Nội), ông trở về với môi trường mà ông đã ra đi (giảng viên Trường CĐ Nghệ thuật Quân đội), trở về với một đời sống bình dị, xa lánh hào quang, sợ những thóc mách chuyện riêng tư của báo chí… Con người mảnh khảnh, hiền hậu, đôi lúc có cảm giác lơ ngơ ấy, lại là người dám làm những thay đổi lớn bất ngờ trong cuộc đời, tác giả của những bài hát trong sáng, dịu dàng như Hạt mưa mùa Xuân lại cũng chính là người đã viết dữ dội và mãnh liệt như Biển khát…
Một bài hát một cây vàng
* Bài hát đặt hàng tưởng như chỉ có thời kinh tế thị trường. Thế nhưng, Hạt mưa mùa Xuân, Lời ru chia đôi của ông, hóa ra trước đây đều thuộc loại đặt hàng. Song thật sự là chúng rất hay…
- Với những người sáng tác như lứa tôi không có quan niệm bài hát đặt hàng hay không. Lời đề nghị chỉ như một cái cớ để viết… Chẳng hạn, mấy anh em ngồi với nhau, anh Cát Vận khi đó làm ở đài phát thanh bảo, các cậu viết cho tớ mấy bài hát để phát Tết (năm 1980) nhé. Cũng có những lần khác, do có yêu cầu xã hội gì đó, nhạc sĩ viết theo cảm hứng ấy. Mà sau chiến tranh, có nhiều việc để nói, để có cảm xúc cho nhạc sĩ viết lắm.
Nói là đặt hàng, thì quan trọng nhất vẫn là xúc cảm của người nghệ sĩ. Cảm xúc đã có rồi, thì đặt hàng chỉ thêm cớ để cảm xúc trào ra. Vả lại, nói là đặt hàng cũng chưa hẳn đúng, chỉ là bảo viết đi. Những năm 1980-1990 với anh em nhạc sĩ, đồng tiền chưa phải điều kích thích sáng tác. Tất cả chỉ là công việc thôi. Sau đó mới sang thời kỳ khác, có người chỉ cần xúc cảm để viết, có người phải tiền rất cao mới viết.
Nhưng thời đó có một loại bài hát rất hay tuy không hẳn là đặt hàng - loại bài hát do đơn vị mời đi sáng tác, không có thù lao. Nổi trống lên rừng núi ơi của anh Hoàng Vân, hay bài về Trường Sơn của anh Văn Dung đều thuộc loại đó. Những bài hát ấy thì làm gì có đặt hàng bằng tiền như bây giờ. Chỉ là người ta mời, anh đi thực tế, rồi viết.
* Nhà văn Phùng Quán từng kể, khi Văn Cao nhận những đơn đặt hàng vẽ mẫu sản phẩm, nhạc sĩ cũng có thêm chút lâm thổ sản làm quà. Dùng cũng được, bán càng tốt. Thời ông làm theo đề nghị, viết tỉnh ca, ngành ca có những việc giúp cải thiện như vậy không?
- Đó là một thời kỳ kỳ lạ. Bọn tôi khi đi sáng tác có khi người ta cho cả gạch, cho cả lợn. Có binh chủng đặc công tặng mỗi nhạc sĩ một cái ghế gỗ mang về ngồi. Đi sáng tác với anh Văn Dung, nông trường tặng anh mấy trăm gạch, tôi được mấy cây gỗ đường kính chừng 15 phân. Người ta cho ô tô chở về đàng hoàng. Tới nhà, cứ để đấy, cho đến khi nào đó có người nào cần thì lại để lại cho người ta. Lúc đó tất nhiên là thích rồi. Thời bao cấp mà được những thứ như thế thì rất quý, song để “cải thiện” thì không đáng là bao. Cái chính, đó là sự trân trọng của đơn vị với người nhạc sĩ. Chúng tôi đi viết lúc đó chủ yếu để sáng tác, chứ chả ai tính lợi nhuận. Những năm ấy, đa số các nhạc sĩ đều được mời đi sáng tác. Bây giờ nhạc sĩ vẫn được mời, nhưng gói gọn trong những người có khả năng - những người đang viết được, sung sức. Thì cũng phải thế…
* Sau này, sang thời kinh tế thị trường, ông có nhiều “đơn đặt hàng” thế nữa không?
- Phải sau những năm 1990, các đơn vị nghệ thuật mới có tiền chi cho sáng tác. Anh em nhạc sĩ lúc đó mới có thu nhập, dù ít ỏi. Nhưng bài hát khi đó, dù có tiền, nói chung không có giá nào cả. Tiền trả chẳng phụ thuộc vào chất lượng bài hát. Đơn vị nào kinh tế tốt thì trả cao hơn. Đến những năm 2000, mọi chuyện được cải thiện hơn. Khi đó, bài hát bọn tôi viết là 5 triệu, bằng cả cây vàng.
* Còn Biển khát thì sao, thưa ông?
- Đấy cũng là ca khúc đặt hàng tôi viết cho một vở kịch của Nhà hát Kịch Hà Nội. Mỹ Linh hát đầu tiên cũng cho vở kịch ấy, khi đó Linh còn chưa phải là con dâu đâu. Nhờ Quân phối khí mà hai đứa quen nhau.
Trong chương trình Con đường âm nhạc của tôi, Mỹ Linh sẽ hát ba bài. Hai trong số đó là Hạt mưa mùa Xuân và Biển khát. Một xúc động về cảnh đẹp, phơi phới, nồng nàn. Một day dứt, khao khát, ước vọng.
* Sau thời kỳ “đặt hàng” bao cấp, ông còn tổ chức CLB tác giả, tác phẩm và ca sĩ với tên dân gian là “Chợ nhạc”.
- Lúc đó, mọi người hào hứng lắm. Đã là chợ, nó có đủ các loại mặt hàng, người ta có nhiều lựa chọn. Cũng bán được một số bài hát, trao đổi ý tưởng, nhiều thứ cộng lại. Nhưng rồi mỗi người đều có việc, không có người chủ trì, kinh phí không có nên rồi thôi. Cũng đáng tiếc.
Sốt ruột trước nhiều “hiện tượng” âm nhạc
* Cho đến nay ai là người thể hiện hay nhất tác phẩm của ông?
- Có nhiều người hát tốt những bài khác nhau. Nhưng những bài được đầu tư chuyên nghiệp như Biển khát chẳng hạn sẽ có người nghe, phổ biến tốt. Nếu nhìn những người như anh Dương Thụ, Phú Quang… họ đầu tư tác phẩm rất chuyên nghiệp. Tác phẩm của họ do đó phổ biến rất rộng. Và theo góc độ phổ biến này thì con dâu tôi là người phổ biến tác phẩm của tôi tốt nhất. Tôi đi đến đâu cũng thấy ở đó có người hát Biển khát.
Tôi cũng có một vài bài không chỉ mình mà bạn bè âm nhạc đều thấy thích như Lời ru chia đôi, Huế chiều cuối năm, Vòng tay Đam san không đầu tư chuyên nghiệp nên cũng chưa nổi. Đầu tư chuyên nghiệp là phải phối hay, ca sĩ xịn, làm đĩa. Nếu không đầu tư đủ như vậy, kể cả việc đài phát thanh liên tục đưa lên sóng cũng chưa chắc đã thành thương phẩm.
* Có phải do đài tiếng nói phối nhạc quá đơn điệu không, thưa ông?
- Đài là cái nôi đưa nhiều tên tuổi nhạc sĩ đến với công chúng. Nhưng đến kinh tế thị trường, những tác phẩm của đài phải cạnh tranh với hàng trăm nhà sản xuất thì ưu thế sóng cũng chưa đảm bảo thành thương phẩm. Khi làm đĩa bán, quy trình thực hiện khác hẳn. Mời người phối hay, ca sĩ tên tuổi. Hai yếu tố đã đảm bảo thành công.
* Từng làm quản lý, ông nghĩ sao về trách nhiệm Nhà nước trong các thảm họa âm nhạc hiện nay?
- Có một số hiện tượng âm nhạc làm tôi rất sốt ruột. Nhiều bài yếu kém, dung tục. Thời chúng tôi, loại nhạc đó chẳng bao giờ được lưu hành. Những việc thế này đòi hỏi những điều chỉnh của Nhà nước. Chẳng hạn, với những loại bài kiểu này, phát thanh trên phương tiện đại chúng phải bớt đi. Hoặc giả, không cấp phép để chúng ra đời. Hồi tôi làm, bài hát nào kém là không cho ra đời, không cấp phép. Giờ có cảm giác, người duyệt hơi dễ. Có thể phối khí tốt, người hát không tệ nhưng nội dung thì chán. Nhất là ngôn ngữ âm nhạc - có lúc không phân biệt được cái nào của Việt Nam, cái nào Tàu, cái nào Hàn Quốc. Cũng là ngũ cung nhưng ngũ cung Việt khác hẳn Tàu chứ. Thậm chí cả trên VOV giao thông cũng phát nhiều loại nhạc đấy. Hàng chục vạn lái xe trên đường nghe lâu, rồi thứ ấy sẽ thành sở thích của họ.
* Có vẻ giờ nếu nói Nhà nước vẫn cần đặt hàng bài hát thì thấy hơi cứng nhắc. Nhưng, rõ ràng, có nhiều vấn đề cần tuyên truyền và bài hát hay là một cách tuyên truyền tốt. Song nhạc sĩ trẻ giỏi có vẻ không quan tâm đến điều này?
- Nhạc sĩ trẻ đang nằm trong xu hướng chung là làm gì họ thích. Họ không làm như lớp nhạc sĩ lớn tuổi. Khi chúng tôi còn trẻ, đất nước có nhiều nhiệm vụ chính trị rất lớn - chống Mỹ, giải phóng đất nước, hoặc vấn đề xã hội quan tâm. Người có ý thức đều phải lo toan những chuyện ấy. Bây giờ, cái cần để kéo nhạc sĩ giỏi vào cuộc chính là động thái của nhà quản lý. Thường những đợt sáng tác phục vụ chính trị nhạc sĩ trẻ tên tuổi cũng ít khi được mời, chứ không phải mời mà không đi. Vì nhà quản lý vẫn nghĩ những nhạc sĩ ấy quá tự do. Hãy mời những nhạc sĩ trẻ, đưa họ vào cuộc sáng tác của đời sống xã hội đi. Tôi nghĩ nếu trân trọng họ, họ sẽ đáp lại.
Mới đây thôi Mỹ Linh nhận làm đại sứ cho chương trình Giờ trái đất. Anh Quân cũng vẫn viết “nhạc phong trào”. Con gái Quân là Anna còn hát bài vì môi trường. Nghệ sĩ trẻ không phải không nhiệt tình với cộng đồng, với xã hội. Vấn đề là phải lôi kéo họ, phải tin tưởng họ. Chúng tôi ngày trẻ cũng được lôi cuốn vào các hoạt động đoàn thể xã hội như vậy...
Kiều Trinh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất