Nhạc sĩ Thế Hiển: 'Người trên sân khấu hay sân cỏ đều là nghệ sĩ'

29/06/2016 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển không bỏ sót trận cầu EURO nào kể từ đầu mùa giải đến nay, ông cho biết lý do xem không bỏ trận nào vì ông mê bóng đá và nhận thấy sân cỏ và sân khấu giống nhau.

Thế Hiển chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN): “Sân khấu hay sân cỏ đều là… sân. Khi ra sân tất cả đều là diễn viên và phải diễn hết mình. Người nghệ sĩ trên sân khấu diễn trọn vai và người cầu thủ trên sân bóng cũng phải làm tròn những trách nhiệm của mình.

Giống nhau là cả cầu thủ hay nghệ sĩ trên sân diễn đều khiến người xem khóc hay cười như nhau. Nghệ sĩ và cầu thủ đều đem lại cảm xúc tức thời với người xem. Trong đời sống dễ khiến tâm hồn chai sạn, muốn khóc hay cười là điều không dễ”.

* Ông tìm thấy điều gì trong bóng đá giúp mình bớt chai sạn?

- Nhiều người hỏi tôi, ở tuổi thế này sao Thế Hiển trẻ vậy? Tôi nói có nhiều lý do, trong đó có bóng đá giúp tôi trẻ. Xem đá banh, tôi nhận thấy cuộc sống ở trong đó, phận người ở trong đó. Chẳng hạn chuyện thắng và thua, chuyện nổi tiếng trong cuộc đời cũng như trên sân khấu hay trên sân cỏ vậy.


Nhạc sĩ Thế Hiển và danh thủ Lê Huỳnh Đức

* Cụ thể là thế nào, thưa nhạc sĩ?

- Tôi có nhiều học trò, cụ thể như cô giáo Thiên Phú, bác sĩ Phước Chiến, Thái Thùy Linh… nhìn chung tất cả đều thành danh với cuộc đời đều cần yếu tố may mắn. Trong biểu diễn, khi lên sân khấu, người ta nhớ đến mình hay không, ngoài tài năng và sự khổ luyện đều cần đến… may mắn. Bóng đá cũng vậy.

* Anh cũng tin đến sự may mắn?

- Tin chứ, xem đá banh thì biết. Mấy hôm liền, tôi không rời mắt khỏi màn hình EURO cũng để nhận thức rõ hơn về sự khổ công luyện tập, tài năng và sự may mắn. Nhiều nghệ sĩ tài cũng thường thôi nhưng nhờ sự may mắn nên thành công ngoài sức tưởng tượng. Ngược lại, nhiều nghệ sĩ rất tài lại có tâm có tấm lòng, vẫn không đạt được điều mình mong.

Tôi nói vậy, vì tôi xem các trận Italy và Tây Ban Nha, Anh và Iceland… có ai nghĩ tài danh như Tây Ban Nha, như Anh lại trắng lưng thất trận như thế? Tôi nghĩ, mọi sự rất cần may mắn. Tôi nghĩ thêm Iceland có thể thành Á quân EURO 2016. Tôi chỉ dám nghĩ Iceland về nhì, vì dù có nhân hòa, địa lợi nhưng thiếu thiên thời thì cũng thua.

* Với bóng đá, hàng ngày anh yêu như thế nào?

- À, gần đây nhất tôi tham gia biểu diễn với ca sĩ Cẩm Vân tại giải đấu giao hữu giữa các cựu tuyển thủ Việt Nam và cựu sinh viên TP.HCM. Giải này có Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng đến dự, lý do chính là góp quỹ cho chương trình Cặp lá yêu thương giúp các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Nhạc sĩ Thế Hiển: Tôi sẽ đi Trường Sa lần thứ tư

Nhạc sĩ Thế Hiển: Tôi sẽ đi Trường Sa lần thứ tư

Trong ba lần đến Trường Sa vào các năm 2012, 2013, 2015, nhạc sĩ Thế Hiển có 6 ca khúc viết về quần đảo thiêng liêng này của Tổ quốc.


Tôi và Cẩm Vân hát không nhận thù lao để góp chút gì của mình cho các cháu. Đấy cũng là cách yêu bóng đá.

* Hôm đó anh hát hò rất vui?

- Vui chứ, khi Cẩm Vân nói hát bài Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa tặng Bí thư Đinh La Thăng, ông nói hát bài về Sài Gòn đi. Thế là, chúng tôi hát bài Sài Gòn đẹp lắm của nhạc sĩ Y Vân. Cả Bí thư Đinh La Thăng và mọi người đều rất thích bài hát này và hơn thế là không khí âm nhạc, bóng đá hòa quyện vào nhau.

* Cầu thủ và ca sĩ thành danh khi trẻ nhưng sự nghiệp kết thúc sớm, ông có thấy đấy cũng là sự tương đồng?

- Hôm đá banh vì Cặp lá yêu thương, cựu thủ Lê Huỳnh Đức gọi tôi là chú. Tôi phản đối và nói với Lê Huỳnh Đức: “Em trên sân cỏ, anh trên sân khấu, sân nào cũng là sân. Em cũng là nghệ sĩ như tôi cũng là trên sân đời như nhau”. Sau đó, Lê Huỳnh Đức gọi tôi là anh Hiển. Tôi ngại gọi chú, mà nếu gọi “chú Hiển” thì nói lái thành “chiến hữu” cũng là bạn bè thôi. Đằng nào nghệ sĩ hay cầu thủ cũng cùng một công việc đem lại cảm xúc cho người xem, gọi bạn của nhau cho đời này thêm vui bớt chút lễ nghi ưu phiền.

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm