Nhạc sĩ Dương Thụ: Đừng khắt khe quá

03/10/2010 19:03 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Thị trường chuyển nhượng cầu thủ đang như “lò bát quái” vì những lời đồn đoán về các hợp đồng “bom tấn”. Nhạc sĩ Dương Thụ đã có cái nhìn khách quan về thị trường chuyển nhượng “made in Vietnam”.

* Ngay khi mùa giải 2010 vừa kết thúc, thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam đã lập tức nóng lên. Đến nay với những thông tin trên thị trường chuyển nhượng (mà những cầu thủ "tầm tầm" cũng có giá hàng tỷ đồng) thì phải công nhận là V-League ta giàu thật. Đây có phải là tín hiệu đáng mừng cho bóng đá Việt Nam?

- “Nhà giàu mới nổi” bao giờ cũng có những chuyện làm chúng ta phải tròn xoe mắt. Tất nhiên có tiền để mà chơi “nổi” cũng không dễ gì. Tôi mua cái gì có giá một vài trăm ngàn đã phải tính tính toán toán, còn cỡ như bầu Hiền bỏ ra một tỷ thưởng nóng cho đội bóng (dù trận đó thua) cứ dễ như bỡn. Người ta có tiền, rất nhiều tiền thì tư duy khác chúng ta. Cái chúng ta cho là vô lý thì có thể họ cho là hợp lý, và ngược lại.

Đúng là V-League giàu thật, đấy cũng là điều đáng mừng. Nhưng mừng tới cỡ nào và lo về chuyện gì thì cái đó lại không phụ thuộc hoàn toàn vào tiền bạc mà phụ thuộc vào cách V-League tiêu tiền. So với các giải ngoại hạng ở châu Âu, việc các đội bóng ở V-League tung tiền để chèo kéo các cầu thủ ngôi sao cũng có nét giống. Nhưng giống về bên ngoài mà lại khác về bản chất. Ở bên đó họ tôn trọng các quy luật về kinh tế, táo bạo nhưng tính toán kỹ lưỡng. Với một cầu thủ như C.Ronaldo thì họ không tiếc tiền, nhưng với các cầu thủ khác dù được đá chính cùng Ronaldo thì không thế đâu, còn lâu. Sự khác biệt nằm ở đẳng cấp của sự giàu có, ở cách tiêu tiền táo bạo, có thể là khủng khiếp nhưng hợp lý. Tỷ phú USD chắc là khác với tỷ phú VND. Tôi đoán là thế.



Nhạc sĩ Dương Thụ

* Quang Hải được định giá 10 tỷ đồng, Công Vinh là 20 tỷ, Leandro đòi bản hợp đồng trị giá hơn 20 tỷ đồng (cao hơn một cầu thủ ở giải hạng Nhất bóng đá Anh)... Những giá trị này liệu có là ảo?

- Nước ta chưa hẳn đã là kinh tế thị trường, nên việc định giá cả cũng chưa hẳn đã đúng với quy luật của thị trường. Tôi ngờ rằng những giá ấy chưa phản ánh đúng giá trị. Muốn biết cái giá ấy có đúng không thì hãy đưa các cầu thủ cỡ Công Vinh vào thị trường cầu thủ ở châu Âu thì biết ngay. Liệu họ mua Công Vinh với giá 1 triệu USD hay chỉ là 100.000 hay 200.000 USD?


* Trước đây, V-League chỉ có mỗi HA.GL là "chịu chơi", bây giờ với những B.BD, V.NB, HN.T&T, mới đây là Quảng Nam và Navibank.SG, phải chăng cuộc "đua tiền" đã làm hư cầu thủ và khái niệm về lòng trung thành ngày càng trở nên xa xỉ ở V-League?


- Đây là một giai đoạn khó khăn mà chúng ta đang trải qua. Đang tiêu tiền nghìn bỗng nhiên tiêu tiền triệu, đang uống trà đá nay lại uống XO, một cuộc đổi đời quá nhanh chóng nên những hệ lụy của nó là sự “hư hỏng” không tránh khỏi. Nhiều cầu thủ “làm mình làm mẩy”, hét giá với CLB, coi nhẹ nghĩa vụ ở đội tuyển quốc gia không phải là chuyện có thể làm ta ngạc nhiên. Cần có thời gian để các em hiểu ra vấn đề. Vẫn có nhiều em bản chất là những người tốt, chỉ bị “cuốn” đi chút thôi. Đừng quá khắt khe, hãy tin vào con người họ. Ông Calisto khi gọi Văn Quyến theo tôi nghĩ có thể chính là vì điều đó.


* Theo ông, tình trạng "chợ trời" này ở V-League liệu sẽ vẫn là xu thế trong những năm tới?


- Cũng không nên nói việc mua bán cầu thủ hiện nay tình là trạng “chợ trời”. V-League bằng con đường chuyên nghiệp hóa đang tiến đến nền kinh tế thị trường một cách đúng hướng. Giá cả mà các bạn cho là phá giá, tôi thì nghĩ khác đấy. Đó là một sự đột phá thì đúng hơn (dĩ nhiên là đột phá quá đà). Chúng ta quen suy nghĩ về giá trị theo kiểu bao cấp nên rất dị ứng với những chênh lệch về thu nhập. Điều đó không đúng. Bài hát của ông A có thể có giá trị nghệ thuật cao nhưng khi phát hành lại ít người mua thì giá trị thương mại không thể bằng một “bài hát thị trường” nhảm nhí nhưng lại “hot” với đám đông người tiêu thụ. Hãy quen dần với điều đó.


* Cám ơn ông!

Cà phê bóng đá

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm