Từ một buổi diễn âm nhạc đường phố: Khán giả Việt trầm lặng!

30/04/2012 15:51 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Trong buổi chiều Hà Nội 29/4 rất nóng nực, một trong những buổi diễn nhạc jazz đường phố trong khuôn khổ Luala Open Show diễn ra tại vỉa hè phố Lý Thái Tổ, ngay gần Nhà hát Lớn Hà Nội. Không ngoài dự đoán, buổi diễn không thu hút đông đảo khán giả như mùa diễn trước. Khán giả Việt quá “trầm lặng”, nhất là trước jazz.

1. Nhóm Jazz trio gồm: nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc, nghệ sĩ trống Lê Quốc Hưng và nghệ sĩ guitar bass Vũ Ngọc Hà. Khán giả hôm nay không đông, khoảng vài chục người. “Đã quyết định biểu diễn đường phố thì chúng tôi cũng lường trước điều này. Có hôm đông, hôm vắng, nhưng nghệ sĩ không vì thế mà buồn” - Vũ Ngọc Hà chia sẻ.

Nhưng sự “trầm lặng” của khán giả mới là điều đáng nói. Ông Phạm Việt Phương, 70 tuổi, một khán giả nổi bật với mái tóc bạc trắng, có mặt đầy đủ các buổi diễn của Luala từ năm ngoái. Ông nhận xét: “Một người bạn của tôi từng đi nước ngoài, xem rất nhiều chương trình âm nhạc đường phố tương tự thế này. Khi về nước xem Luala, cô ấy bảo khán giả Việt Nam hiền lành quá”.

Nhóm nghệ sĩ: Quyền Thiện Đắc, Vũ Ngọc Hà và Lê Quốc Hưng. Ảnh: Mi Ly

“Hiền lành” là vừa khen, vừa chê. Khán giả Việt thiếu đi vẻ sôi nổi vốn là sự cổ vũ lớn cho nghệ sĩ. “Có vẻ như họ chưa quen với việc vừa nghe, xem ca nhạc, vừa nhảy, một điều thường thấy ở âm nhạc đường phố, nhất là với nhạc jazz”, ông Phương bày tỏ.

“Em thấy nhạc nhộn thế này mà không có ai nhảy cả. Nếu bây giờ bọn em lên đó “uốn éo” thì có được chụp ảnh lên báo không chị?” - hai bạn trẻ sinh năm 1991 hỏi tôi. Thấy tôi gật đầu, bạn nữ liền xua tay: “Em đùa thôi, ngại chết”.

Thực ra vẫn có người nhảy theo nhạc. Hai em bé người nước ngoài đến xem cùng bố mẹ. Bố mẹ các em cũng nhún nhảy.

Dường như phong cách quen thuộc của chúng ta khi xem ca nhạc là “người Việt trầm lặng”. “Nhạc rất hay, nhưng buổi diễn không có không khí lắm, khán giả hơi trầm, chỉ vỗ tay lác đác khi kết thúc một tiết mục”, một bạn trẻ nhận xét. “Tôi cho là do thói quen, tôi không quen nhảy khi nghe nhạc, dù ở nhà hay ở chỗ đông người. Và tôi nghĩ nhiều người khác cũng thế”.

Cũng có khán giả cho rằng, nhạc jazz còn quá mới, khán giả có thể đến xem vì tò mò nhưng chưa hiểu lắm về dòng nhạc này.

Một em bé chăm chú xem biểu diễn nhạc jazz

2. Tại lễ hội đường phố kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam - Đan Mạch vào tháng 11 năm ngoái, NSƯT Quyền Văn Minh, bố của Quyền Thiện Đắc, cùng dàn kèn 20 người biểu diễn dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ. Không gian mở rộng, quy tụ rất đông du khách. Nhưng khi nghệ sĩ Quyền Văn Minh đề nghị: “Nhạc nổi lên rồi, mọi người hãy đứng lên nhảy cùng chúng tôi” thì dường như chỉ có vài người nước ngoài hưởng ứng. Còn khán giả Việt hầu hết ngồi hoặc đứng tại chỗ và vỗ tay.

Chuyện này làm tôi nhớ lại một buổi học, khi cô giáo của chúng tôi ở trường đại học cho sinh viên nghe bản nhạc The Entertainer của Scott Joplin, một bản nhạc kinh điển thuộc dòng Jagtime tiên phong của jazz, rất vui nhộn. Chúng tôi nghe và rất thích những vẫn ngồi yên. Kết thúc bản nhạc, cô giáo ngạc nhiên hỏi: “Tại sao các em không nhún nhảy? Người ta nói rằng bản nhạc này khiến không ai có thể ngồi yên”. Chúng tôi đề nghị: “Cô bật lại bản nhạc được không? Lần này chúng em sẽ nhảy”. Nhưng cô giáo không bật lại, vì hiển nhiên sự ngẫu hứng đã biến mất.

Như đã nói ở trên, ông Phương, một trong những khán giả lớn tuổi nhất của Luala, đã không vắng mặt trong bất cứ buổi diễn nào từ Hòa nhạc giao hưởng Thu - Đông cho đến chương trình Jazz Xuân-Hè này. Theo quan sát của ông, người nghe chủ yếu là người trẻ, trên 20 tuổi và chưa đến 30, người lớn tuổi như ông cũng có nhưng không nhiều. Khán giả Luala rất đông người trẻ, vì thế sự “hiền lành” trở nên khó lý giải hơn.

Còn khán giả độ tuổi trung niên, 40 - 50 tuổi, cũng ít thấy trong những buổi biểu diễn đường phố. Một khán giả nữ vừa về hưu chia sẻ với tôi, vì yêu thích âm nhạc đường phố từ trẻ nên cô thường xuyên đi xem Luala, chứ đây không phải là thói quen của nhiều người ở tầm tuổi chị.

“Với những người đang đi làm, cuối tuần là thời gian dành cho gia đình, không nhiều người có thói quen đến đây hoặc đưa gia đình đến đây nghe nhạc. Cuối tuần họ muốn đi nhiều nơi khác để vui chơi thư giãn chứ không phải “phơi nắng” ở vỉa hè thế này” - chị nói.

3. Một tuần nữa, chuỗi biểu diễn nhạc Jazz Xuân- Hè của Luala sẽ kết thúc. Từ 7/4, chương trình diễn ra đều đặn vào thứ Bảy (buổi chiều) và Chủ nhật (cả sáng và chiều). Buổi diễn cuối cùng diễn ra vào ngày Chủ nhật 6/5.

Do thời tiết chuyển sang nắng nóng, đợt diễn Xuân- Hè không đông khán giả như đợt Thu - Đông. Mặc dù vậy, việc đưa dòng nhạc jazz vốn rất hợp với đường phố ra vỉa hè, với những nghệ sĩ tài năng và các tiết mục có chất lượng nghệ thuật cao, cũng là một cố gắng đáng khích lệ của những người thực hiện.

Pham Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm