Nhà văn Uông Triều: Bắt độc giả 'chiều' theo mình

18/03/2020 11:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - PGS La Khắc Hòa cho rằng có hai loại văn chương. Một là thứ văn chương chiều chuộng người đọc. Hai là thứ văn bắt độc giả phải chiều tác giả. Loại văn thứ hai trước đây khó tồn tại, nhưng bây giờ đang hiện diện qua một số gương mặt, trong đó có nhà văn Uông Triều.

Nhà văn Uông Triều: Người tỉnh lẻ 10 năm đi tìm 'chất' Hà Nội

Nhà văn Uông Triều: Người tỉnh lẻ 10 năm đi tìm 'chất' Hà Nội

Nhà văn Uông Triều quê ở Quảng Ninh, nhưng đã chuyển công tác về Thủ đô được 10 năm và đã “phải lòng” Hà Nội nhiều thứ. Anh “trò chuyện” với Hà Nội như một người bạn qua những lần “bát phố”, la cà vào những quán xá, từ “sang chảnh” cho đến bình dân nơi vỉa hè, để thưởng thức phong vị đa dạng của ẩm thực đất Hà thành.

1. Cô độc là cuốn tiểu thuyết thứ tư của nhà văn Uông Triều, sau Tưởng tượng và dấu vết (2014), Sương mù tháng giêng (2015) và Người mê (2016).

Uông Triều viết Cô độc trong hơn 3 năm (từ tháng 8/2016 đến tháng 9/2019). Tiểu thuyết được chia làm 60 tiết, dày 292 trang, với 2 nhân vật chính là B và Ba, mỗi người được viết trong 30 tiết đan xen nhau. Cả B và Ba đều là kẻ cô độc. Và cả cuốn tiểu thuyết là quá trình bị ám ảnh và khẳng định bản thân của hai nhân vật.

TS Mai Anh Tuấn (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng nhà văn Uông Triều không viết về một hiện thực xã hội mà ai cũng nhìn thấy, mà viết về một hiện thực của tâm lý con người. Thực vậy, con người trong xã hội hiện đại đang không tìm được một chốn dung thân lý tưởng. Hai nhân vật B và Ba đều bị đánh bật khỏi nơi sinh sống của họ, và đều loay hoay tìm một chốn để tồn tại.

Cô độc đặc biệt còn bởi vì nó là một tiểu thuyết bình luận về bản thân tiểu thuyết, xét rộng là văn chương và nghệ thuật. Có thể nói, cuốn sách này đầy nỗi băn khoăn của một nhà văn Việt Nam đương đại về nghề nghiệp của bản thân. Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, suy cho cùng nhân vật B là nhân vật Ba, cũng là Ban - tên thật của nhà văn Uông Triều. Vì vậy, quá trình loay hoay của hai nhân vật trong tiểu thuyết Cô độc giống như quá trình tìm kiếm và xác lập cách viết của Uông Triều. Bởi vì theo PGS-TS Phạm Xuân Thạch (Đại học Quốc gia Hà Nội), Uông Triều thuộc loại nhà văn chưa xác lập được phong cách của mình ngay từ đầu. Qua mỗi cuốn tiểu thuyết, Uông Triều đều tự điều chỉnh cách viết của mình cho nên không cuốn tiểu thuyết nào giống nhau. Do đó, thế giới trong Cô độc của Uông Triều giống với thế giới văn chương của nhà văn viết tiếng Đức vĩ đại của thế kỷ 20, Franz Kafka. Cả hai đều là thế giới nơi nhà văn vật lộn với quá trình viết.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá cao quá trình làm việc của Uông Triều trong nhiều năm qua. Đầu tiên, anh là một nhà văn chịu khó đọc. Từ việc chịu khó đọc, anh tiến thêm một bước, là chịu khó suy nghĩ và tìm tòi. Từ đó, anh cố gắng thay đổi cách viết của bản thân. Bởi vì “một nhà văn nghĩ đến việc viết cái gì không quan trọng bằng việc viết như thế nào, do đó anh phải tìm tòi cách viết” - Phạm Xuân Nguyên nói.

Chú thích ảnh
Sau ba cuốn tiểu thuyết là Tưởng tượng và dấu vết (2014, 238 trang), Sương mù tháng giêng (2015, 288 trang) và Người mê (2016, 190 trang), cuối tháng 11 vừa qua Uông Triều xuất bản tiểu thuyết thứ tư, Cô độc dày 292 trang. Ảnh: Nguyễn Thành

2. PGS La Khắc Hòa (Đại học Sư phạm Hà Nội) đã chỉ ra 2 điểm đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết Cô độc của Uông Triều.

Một là, tiểu thuyết này đặc biệt ở thể loại. Cô độc của Uông Triều đi theo xu hướng của các tiểu thuyết đương đại, phá hết khuôn khổ của thể loại rồi tự cấu trúc theo một câu chuyện cổ xưa. Nó thuộc thể loại dụ ngôn, với mục đích là đưa ra một bài học: “mình là mình”.

Thực vậy, văn chương từ cổ chí kim, dẫu phong phú đến đâu chỉ tồn tại 3 câu chuyện lớn là 1) phiêu lưu, 2) âm mưu và 3) tình yêu. Câu chuyện của văn chương thế giới thế kỷ 20 là đi tìm bản thân, chỉ là một dạng của câu chuyện phiêu lưu. Tự nó không thể đứng riêng để trở thành một câu chuyện mới. Xét vậy, tiểu thuyết mới của Uông Triều thuộc câu chuyện phiêu lưu.

Chú thích ảnh
Uông Triều: Tôi “không chẳng biết quan tâm đến điều gì khác, ngoài văn chương”. Ảnh: Nguyễn Thành

Nhưng hai nhân vật chính B và Ba không đi tìm bản thân. Họ đã là chính họ ngay từ đầu, cho nên toàn bộ tiểu thuyết là sự chứng minh cho mệnh đề này. Làm sao mình có thể là chính mình, khi mà mỗi con người đều chịu sức nặng của di sản? Câu trả lời của Uông Triều, thông qua tiểu thuyết này, là điểm đặc biệt thứ hai. Biên tập viên B đốt hết tranh ảnh và bản thảo cũng giống cách ứng xử của con người ngày hôm nay đối với gánh nặng quá khứ. Rõ ràng đây là một tuyên ngôn của thế hệ nhà văn mới.

Từ đó PGS La Khắc Hòa nhận định, Uông Triều không phải nhà văn chiều chuộng độc giả. Trái lại anh bắt độc giả chiều theo sự lựa chọn của mình.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Tôi nghĩ, cuối cùng văn chương vẫn là đạo đức”. Ảnh: Nguyễn Thành
Chú thích ảnh
(Từ trái qua) PGS, TS Phạm Xuân Thạch, TS Mai Anh Tuấn, nhà văn Uông Triều và TS Nguyễn Thanh Tâm. Ảnh: Nguyễn Thành
Chú thích ảnh
PGS, TS Phạm Xuân Thạch: thế giới của Uông Triều giống thế giới của Kafka, là nơi nhà văn vật lộn với quá trình viết. Ảnh: Nguyễn Thành
Chú thích ảnh
TS Mai Anh Tuấn: nhà văn Uông Triều không viết một thực tế xã hội mà ai cũng nhìn thấy, mà viết về một thực tế của tâm lí con người. Ảnh: Nguyễn Thành
Chú thích ảnh
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá cao Uông Triều ở việc chịu đọc, chịu nghĩ và chịu hoàn thiện cách viết. Ảnh: Nguyễn Thành
Chú thích ảnh
Khung cảnh buổi ra mắt tiểu thuyết Cô độc của nhà văn Uông Triều. Ảnh: Nguyễn Thành
Chú thích ảnh
Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ ý kiến. Ảnh: Nguyễn Thành
Chú thích ảnh
(Từ trái qua phải) Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà thơ Bảo Sinh và nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Nguyễn Thành

 

“Tôi viết cho chính mình”

Nhà văn Uông Triều khẳng định thái độ của bản thân đối với văn chương: “Văn chương bây giờ là việc tác giả viết cho tác giả. Tôi sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến của các nhà phê bình và bạn đọc. Nhưng vấn đề chính vẫn là tôi viết cho chính mình. Đến một lúc nào đó, tôi biết đâu là thứ mình khoái nhất. Mặc dù người khác chê hay khen, thì tôi vẫn tiếp tục viết theo khoái cảm của mình”.

Nhà văn Uông Triều, tên thật là Nguyễn Xuân Ban (sinh năm 1977). Tên Uông Triều là ghép từ hai địa danh Uông Bí và Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh - quê anh. Năm 2019 cuốn tản văn “Hà Nội quán xá phố phường” của Uông Triều được đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12.

Nguyễn Thành

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm