Nhà văn Trần Tùng Chinh: Viết từ nơi mênh mông mùa nước nổi

06/04/2022 20:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sinh ra, lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long, Trần Tùng Chinh đã hơn 30 năm dạy học ở đây, bậc trung học rồi đại học. Ông nghiên cứu chuyên sâu về truyện dân gian Nam bộ rồi đưa ra kiến nghị: “…cho ra đời một tuyển tập chọn lựa và tập hợp những truyện kể địa danh Nam bộ ngay từ bây giờ là cần thiết, nếu không muốn nói là đã muộn”.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Diệu Thanh - Hiền hòa và dữ dội

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Diệu Thanh - Hiền hòa và dữ dội

Là cô giáo tiểu học dạy môn mỹ thuật ở trường làng quê mình, đất Nam Bộ, nhưng Võ Diệu Thanh cũng là tác giả của hơn 20 tác phẩm đã xuất bản và 8 giải thưởng dành cho số tác phẩm ấy, đến từ cấp tỉnh, cấp miền, cấp quốc gia!

Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK" TẠI ĐÂY

Cuối năm 2021, hai “cựu” cây bút trẻ của câu lạc bộ văn thơ Đại học An Giang - mà ông là Chủ nhiệm - được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là miền đề tài của Trần Tùng Chinh! Từ đất này ông đã viết 125 truyện ngắn. Một trong số đó được giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn ĐBSCL lần 4-2011. Theo ban giám khảo, đây “là truyện ngắn mang dáng dấp con người vùng đất, vùng đồng bằng nhiều hơn cả”.

“Người lái đò” lại là học sinh

Trong văn sách xưa người ta hay ví thầy như người lái đò trên dòng sông học vấn. Ở các truyện viết về nhà trường của Trần Tùng Chinh, có lúc, người lái đò lại là học sinh, như truyện Cô trò:

“… 20 tháng 11. Cô đi theo học trò ra đồng. Nước đã bắt đầu rút, nhưng đồng vẫn còn mênh mang nước là nước. Cô cẩn thận gỡ đôi giày xăng-đan để ở đầu xuồng. Rồi làm ra vẻ tỉnh táo, trong khi tay bấu chặt hai mép xuồng, cô phó mặc mình cho bọn chúng chèo ra xa. Những bụi điên điển còn vài bông hoa vàng sót lại cúi rạp mình xuống khi xuồng cô đi qua. Nước trong vắt, có thể nhìn thấy rong rêu quấn lưng chừng ngọn cỏ. Lũ cá rô đã già hơn so với đầu mùa nước đang ve vẩy đuôi như không hề biết sợ là gì. Đồng nhẹ thênh và mát rượi”.

Chú thích ảnh
Nhà văn - thầy giáo Trần Tùng Chinh

Trò thành người thầy trong “tiết học xanh”, dạy bài địa lý về vùng đất mà các em thân thuộc, vùng đất đang “cúi rạp mình” chào đón người mang tới đây ánh sáng văn hóa, nhưng “ở lớp, cô tự tin bao nhiêu, còn ở đồng mênh mông nước này cô lúng túng bấy nhiêu”.

Trong “tiết học xanh này”, cô còn được học buông câu, học đua xuồng hướng tới vạch đích “được hòa mình trong dòng nước mát lạnh đến chân tơ kẽ tóc”.

Đây là một truyện tiêu biểu cho cách viết của Trần Tùng Chinh - duy cảm, dòng trần thuật lẫn vào dòng cảm xúc, nhiều khi cảm xúc của người viết đầy ứ khiến ngôn ngữ tác giả hòa trong ngôn ngữ nhân vật. Nghe một nam sinh mồ côi mẹ nói: “Má em có cái lúm đồng tiền và nụ cười y hệt cô”, thì: “Cô nghe mắt mình cay cay. Và ước chi lúc này mình là một ông thầy giáo để được ôm trò vào lòng”.

Từ thực tế trường lớp ở ĐBSCL mà mình thuộc nằm lòng, có những khi Trần Tùng Chinh khéo cài đặt, sắp xếp, biến những chi tiết rất thật, rất thời sự thành những ẩn dụ nghệ thuật có sức khái quát cao, gợi cho người người đọc những liên hệ, suy tưởng, tiếp cận những ý tưởng ngầm còn hàm ẩn trong tác phẩm, tìm thêm tầng nghĩa mới cho hình tượng văn học.

Nhân vật Khoa trong Rồi thầy sẽ trở lại bước vào năm học thứ nhất của một giáo viên:“Sông đục ngầu màu phù sa vắt cốt. Nhưng khi nước ngập vào sân trường thì sao mà trong vắt, xắn quần lội vào khu tập thể, thầy thấy cả những con cá rô đồng bé tí tung tăng quanh những đám cỏ xanh ngập nước. Và ngôi trường đón thầy đầy ấn tượng khi thầy trượt chân cái bõm. Thay vì những tiếng chọc ghẹo như thầy chờ đợi thì lại là hai bàn tay rám nắng và chai ráp nắm lấy bàn tay thư sinh trắng trẻo của thầy đưa vào tận nhà tập thể ở phía sau trường”.

Thật bất ngờ, cũng thật thú vị, trò dẫn thầy những bước đầu tiên trên đường khởi nghiệp. Cho đến hết truyện, tác giả không nói ra tên người học trò dẫn thầy tới tập thể giáo viên, càng hay. Chính vì thế, bên cạnh ẩn dụ dẫn đường đã nói, “bàn tay rám nắng và chai ráp” lại là ẩn dụ cho tập thể học sinh vùng đất có mùa nước nổi này.

Vì có những học trò như thế mà những người thầy ở vùng đất này sống mẫu mực hơn, giỏi giang hơn, son sắt hơn với duyên phấn bảng.

Chú thích ảnh

Những thầy cô gần gũi

Cô giáo tên Vân trong Giấc mơ bục giảng chưa có nơi đứng lớp, phải vào khu công nghiệp làm công nhân nhưng: “… lạ một điều là Vân nhìn thấy rõ ràng học trò của mình khóc, vậy mà sau giấc mơ đó, tỉnh lại, Vân thấy môi mình mặn chát còn một bên gối nằm thì đẫm nước…”.

Trong Thầy văn và Facebook là một ông thầy sành điệu công nghệ, biết hòa đồng với học sinh trên xa lộ thông tin quốc tế, nhưng hút hồn học sinh bằng những xuất thần offline trên bục giảng. “…Hình như là thầy không nói bằng lời bình thường, mà bằng một giọng bật ra từ đâu đó rất sâu trong lồng ngực của mình. […]. Thầy dùng cái giọng đó để đọc Tuyên ngôn độc lập của Bác rồi Tây Tiến của Quang Dũng nữa thì môn văn dường như được mặc một chiếc áo khác. Mới mẻ, cảm xúc và đầy hào hứng”.

Thầy Long trong Lớp học thủy cung được phụ huynh tin cẩn nhờ cậy việc dậy bơi cô cháu gái nhà mình - nữ sinh ĐBSCL mà… sợ nước! Thầy thành công chỉ sau một lần tổ chức để cả lớp phượt bằng… xuồng ba lá và một phao…thân chuối! Thầy xứng danh “long vương” mà học trò tôn vinh.

“Mênh mông mùa nước nổi”

Là nhà văn của sông nước Nam bộ, Trần Tùng Chinh được nhóm biên soạn SGK mới, bộ Chân trời sáng tạo mời viết bài cho sách Tiếng Việt 3. Ông cho biết, từ hơn 4.000 chữ của 2 truyện ngắn Nước nổiChuyện ngoài đồng, ông chắt lọc ra 200 chữ, vừa sức đọc của học sinh lớp 3, thành bài tập đọc Mênh mông mùa nước nổi. Xin trích những câu “mênh mông” nhất: “… Nước sông dâng lên long lanh như một tấm gương khổng lồ…Những bụi bông điên điển vàng rực rỡ nghiêng nhành khi chiếc xuồng câu đi qua…

Tiếng hò từ các xuồng câu hòa với ngọn gió lùa thênh thang mát rượi cùng ánh nắng long lanh tràn trề mặt nước. Rồi mặt trời bồng bềnh như quả bóng màu vàng cam, thoắt cái lặn xuống cánh đồng chiều để trời và nước soi vào nhau, hòa làm một…”.

Đọc lại 4.000 chữ nguồn của bài tập đọc này, người viết tiếc cho 38 chữ rất hay mà không được vào bài: “Nước cũng len lỏi vào xóm. Trước tiên dò dẫm vào sau hè. Rồi một sớm thức dậy, nước đã thở hồng hộc dưới sàn nhà, mở lối cho lũ cá rô háu ăn ve vẩy vào sân”.

Chỉ thêm 38 chữ thôi, “chân dung” mùa nước nổi sẽ thật hơn! Mùa thiên nhiên ấy không chỉ “mênh mông” ngoài đồng mà con “len lỏi”, “dò dẫm” dẫn cá đồng vào sân nhà người Nam bộ.

Chú thích ảnh
Bài tập đọc “Mênh mông mùa nước nổi” trong sách “Tiếng Việt 3”, bộ Chân trời sáng tạo

Đất phương Nam trước đô thị hóa

Một bậc thầy truyện ngắn Việt Nam, cũng người vùng ĐBSCL, nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016) từng nhận xét, truyện của Trần Tùng Chinh “kể mà như không kể”. Kể mà như bộc lộ những cảm xúc không kìm giữ được của người kể, không cần cao trào, thắt mở nút. Kiên trì cách viết này, Trần Tùng Chinh đã phần nào học được cách viết nhẩn nha của nhà văn tiền bối, cũng là giáo sư Pháp văn Trang Thế Hy (1924-2015). Truyện Nắng chiều (giải C của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2017) trong tập truyện Chuyến xe ngựa về Bảy Núi có cái tứ thật lớn: Một đời người!

Truyện được viết bằng “đại bút”, như chấm mực nắng trời, chỉ một nét đã làm hiện ra không gian nghệ thuật của một truyện không có chuyện, hoặc nói chính xác hơn, chỉ là một kết nối những chi tiết, không có cao trào: “Chiều đậu xuống bậu cửa. Nhà dì Tám day ngược hướng mặt trời mọc nên khi chiều về, nắng vàng héo rủ xuống chỗ bậu cửa rồi từ từ chậm rãi rọi tuốt từ trước ra sau nhà, trống huơ trống hoác”.

Cốt truyện chỉ là người mẹ già ngồi khâu tay, nối trăm nghìn mảnh vải phế thải từ một tiệm may tính lẻ, thành tấm mền cưới trăm nghìn bông hoa vải vụn rực rỡ, làm quà cưới mừng đứa con mải mê làm giàu, để bà mẹ cô đơn giữa nắng chiều, khao khát con dâu và cháu nội.

Truyện kể chậm như những mũi khâu tay để có thời gian lấp đầy không gian “trống huơ trống hoác” kia, bằng những hăm dọa lạnh lùng của thời cuộc: “Trong cái dòng chảy đô thị hóa cuồn cuộn… nhiều đại gia đến thèm thuồng nhìn khoảng sân rộng phía trước nhà… Họ không để ý lắm đến ngôi nhà nền đất bé nhỏ khiêm nhường lùi sâu bên trong mà chỉ mê mẩn hình dung mình sẽ đốn cây mận đi như thế nào, san phẳng vườn hoa ra sao…”; những than thở kín đáo trong đêm: “… một tiếng tắc kè nức nở bên vách, một tiếng chó sủa ma văng vẳng đầu xóm”; một trữ tình ngoại đề mà hài hước về khúc hậu sự một đời người, biến lễ tang người mãn phần thành một đám ma chuột: “Ở cái con ngõ này nhà nào xây lại cũng ưu tiên kín cổng cao tường hết trọi thì có ai mà để ý sao sáng nay không thấy bà già nhà kế bên dậy lụi hụi quét sân?... Đến lúc nghe mùi thúi hoắc thì biết đâu người ta lại cho là có con chuột nào đó dưới cống chết sình? Rồi dám đi kêu bên tổ dân phố tới móc thông ống cống, rồi bấm bụng trả bồi dưỡng cả trăm ngàn chứ chẳng ít”; một triết lý nhân sinh nhắn với hậu thế: “… đừng có mà sợ hãi nghen con. Chẳng qua là đã hết một ngày thôi…”. Chết là “hết một ngày”, để hôm sau, mặt trời lại bắt đầu nắng sáng!

Trần Tùng Chinh là vậy, âm thầm viết và làm việc! Như một tin nhắn của nhà văn trẻ Lê Quang Trạng: “…một loạt cây bút trẻ trình làng từ đất Nam bộ là đóng góp thầm lặng và nhiệt huyết của thầy Chinh”!

Nhà văn - thầy giáo Trần Tùng Chinh sinh 1966 tại An Giang. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM năm 1988 và dạy học tới hôm nay. Ông là tác giả của 10 tập truyện. Hiện sống tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. 

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm