01/08/2008 17:14 GMT+7 | Đọc - Xem
|
Phóng viên (PV):
Không phải chỉ trong những truyện ngắn mà tôi biết anh còn có nhiều bài viết sâu sắc và hóm hỉnh về đời sống của các cư dân ở thành thị. Nó (tức là văn hóa Kẻ Chợ) đến giờ chắc chắn không phải chỉ đơn giản như ai cũng có thể nói: Chẳng thơm cũng thể hoa lài?Nhà văn Trần Chiến (NV TC):Nhắc đến tính cách Thăng Long - Hà Nội, người ta thường dẫn câu của Nguyễn Công Trứ: "Chẳng thơm cũng thể hoa lài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" (xin nhắc lại, đó là câu thơ của Nguyễn Công Trứ, chứ không phải vô danh như nhiều người trong chúng ta lâu nay vẫn nghĩ).
Nhưng ở Tràng An, chỉ cái chốn đô hội của chúng ta, chả phải ai cũng thanh lịch, và chả phải đâu đâu cũng là đô hội. Là bởi vì cái tính chất quần cư của thành phố. Đấy là cái nơi ai cũng đến được, đến thì ở lại được. Nhiều người về hưu về Hà Nội. Trẻ đánh giày, mỗi kỳ tết lễ "bỏ" lên xe, “cắp” quần áo trở về quê, ít lâu lại xuất hiện ở phố. Cuộc sống xa nhà đầy bất trắc, tai nạn, bệnh tật, hiểm nguy rình rập, chừng như đối với những chú "Gavơrốt đến từ Thanh Hóa" vẫn cứ hấp dẫn hơn.
PV: Tức là theo anh, Hà Nội có tính chất quần cư. Điều này có gì khác với cái đúc rút của Giáo sư Trần Quốc Vượng khi ông còn sống: Hội tụ - Kết tinh - Lan tỏa?
NV TC:Cố giáo sư Trần Quốc Vượng, khi đưa ra cái "lôgô" nổi tiếng "Hội tụ - Kết tinh - Lan tỏa", cũng đồng thời xác định cái tính chất quần cư của thành phố. Ông bảo thật khó định nghĩa thế nào là người Hà Nội, nhưng cái tính chất cá biệt, chỉ riêng nó có thì tồn tại, tồn tại một cách bất diệt qua đằng đẵng những cay nghiệt của lịch sử.
PV:Anh vừa cho rằng Hà Nội là nơi ai cũng đến được và đến được thì ở lại được. Có lẽ thế bởi vì rõ ràng hình như phải đến với đất Kẻ Chợ này thì những tài năng, những sáng tạo mới thăng hoa được?
NV TC:Hà Nội hình thành từ một bến nước ven sông, chắc thế. Trải qua cả nghìn năm, Thăng Long - Hà Nội bao phen không được "phi chiến địa", nhưng cái tính chất là bến đỗ cho những đời người bốn phương thì không bao giờ thay đổi. Và thật lạ, từ cái chỗ tấp lại, chả phải quê hương ấy, có những bông hoa vụt lớn lên, lấp lánh bền bỉ qua năm tháng đoạn trường.
Nguyễn Du quê mãi Hà Tĩnh, nhưng nếu không đẻ ở kinh kỳ, chạy loạn muôn nơi ăn lộc hai triều, làm sao để lại được gương mặt buồn thảm cho đời. Giải nguyên Nguyễn Công Trứ nếu cứ ở Nghi Xuân thì có thể "giương" cái phong cách ngất ngưởng lên? Họ là người tài, đến đây được nhào nặn thì mới thành tinh hoa được.
Nói thế lại có thể hình dung tiếp: Cũng có bao ông tài hoa hơn Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, nhưng cứ ngâm vịnh sau lũy tre làng mãi rồi đâm ra lụn bại. Cái hồn vía, linh khí, tinh chất gớm ghê của Thăng Long - Hà Nội là ở chỗ này.
PV:Giữa một Hà Nội quần cư với làn sóng nhập cư ồ ạt những năm qua, bây giờ định nghĩa: Ai là người Hà Nội, hình như cũng khó?
NV TC:Ai là người Hà Nội? Người đã đến đây từ 30 năm, hay phải từ năm bảy đời rồi? Mươi năm nay vô số "người tỉnh" đến, đẻ con, đưa bố mẹ ra. Nhiều người "khẩu" một nơi mà "nhân" thì chắc chắn chung thân Thủ đô rồi. Muốn tìm người ở lâu nhất thì phải ra ven đô, ngoại thành, nơi còn đình làng, nhà thờ họ, bằng khoán điền thổ. Và chính ở đây cũng lại gặp những bất ngờ khác, ví như ông Tổ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là tù binh Chiêm Thành.
Thành phố không "thuần chủng", đa tập người, vì thế thật khó xác định một tính cách cho dân của mình, và do đó, những giá trị, tính chất lâu bền cho mình, để rồi có thể dự liệu những ý tưởng, giấc mơ xa xôi khác. Và nên chăng dùng tới cái khái niệm "những người sống ở Hà Nội"?
PV:Thế thì cái cốt cách Hà Nội bây giờ là gì? Cái tính chất thị dân ấy?
NV TC:Xác định được tính chất thị dân thì phải nói dài. Nhiều năm qua, chúng ta có nhiều chủ trương xây dựng người Hà Nội văn minh, hiện đại. Nhưng thực tế cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề. Như tôi đã nói ở trên, vì liên tục nhập cư, Hà Nội luôn tồn tại những tập người trong lòng. Dân đã ở dăm bảy đời khác mà tiểu thị dân lại khác.
Thủ đô đang phải có cỡ hai ba triệu người ngoại tỉnh đổ về, cơ cấu dân cư đã bị phá vỡ, kèm theo đó là sự mất ổn định các giá trị, nền nếp. Hai quá trình thành thị hoá nông thôn, nông thôn hoá thành thị cứ tồn tại song song, "tranh đấu" với nhau; một người trở nên "thanh lịch" thì lại thêm hai ba người về nhà không đóng cửa, ăn nói, mở đài cứ oang oang…
PV:Thực ra, tôi rất tò mò muốn biết, anh tức là nhà văn Trần Chiến, tự thấy mình mang tính cách gì, của một người Hà Nội?
NV TC:Bên mẹ tôi gốc lâu đời ở Hà Nội. Và bên ngoại toàn những người như tôi đã viết về cái anh thị dân sống đã dăm, bảy đời ở Hà Nội: Tài hoa, thông minh, lười biếng mà cũng hay sợ sệt, ngại đấu tranh lắm. Họ là những người luôn chọn những công việc chuyên môn mà làm...
PV:Mà anh thì ảnh hưởng tính cách họ ngoại?
NV TC:Đấy chính là tôi đấy!
PV:Theo anh thì khi nhập Hà Tây và Hà Nội, có sự khác biệt quá lớn về văn hóa của cư dân một đô thị mới không?
NV TC:Kẻ Chợ với xứ Đoài là 2 thứ văn hóa khác nhau. Cuộc sáp nhập này thay đổi về mặt hành chính chắc chẳng bao nhiêu, nhưng đó là bề nổi. Còn bên dưới vẫn tiếp tục là cuộc vận động trái chiều cùng mạnh mẽ: Thành thị hóa nông thôn và nông thôn hóa thành thị…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất