Nhà văn Phạm Thị Điệp Giang: Chầm chậm cũ kỹ

29/06/2014 07:53 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Khi công bố một tác phẩm mới, tâm lý chung của người viết vẫn muốn nó mới mẻ, hoặc ít ra cũng mơi mới, chứ không thể nào cũ kỹ. Khi lấy tên tập truyện ngắn là Chầm chậm cũ kỹ (NXB Phụ nữ, quý 2/2014), Phạm Thị Điệp Giang đã muốn xác lập tâm thế viết và xuất bản của mình. Cái “cũ kỹ” mà tác giả này chọn hẳn có lý do, nó phải đứng ngoài chuyện mới cũ thông thường.

“Về tên tập truyện, tôi lấy theo tên một truyện ngắn trong tập. Truyện này đã gợi cho tôi cảm hứng viết một chuỗi các truyện ngắn mang màu sắc hiện thực huyền ảo, tâm linh, nhưng thực chất là sự kết nối với những câu chuyện “chầm chậm cũ kỹ” của quá khứ, với những chuyện có thật, với những chuyện được nghe kể... Những truyện hư hư thực thực này đã dẫn dắt tôi trong hành trình đi tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, của những mối quan hệ và sự lớn lên trong tâm thức của chính mình”, Điệp Giang cho biết.


Nhà văn Phạm Thị Điệp Giang. Ảnh: Café Trầm

Một hồi ức chậm

Cảm giác chung khi đọc 6 truyện ngắn trong tập này là tác giả đã phủ lên hiện tại một hồi ức dai dẳng, nó không hẳn đã qua, mà cũng không hẳn còn hiện diện. Có cảm giác tác giả như người luống tuổi đang phải tìm về một cố xứ nào đó, mà nơi ấy không còn nhiều kỷ niệm, mà cũng không thể lìa xa, dứt bỏ.

Truyện ngắn Chầm chậm cũ kỹ từng xuất hiện trong tập Truyện ngắn 8X plus và vài nơi khác. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng rất tinh tế khi nhận ra: “Ấn tượng về sắc thái nữ quyền chính là cái tâm thế tự tin, thậm chí rất tự tin khi lựa chọn ngôi kể và giọng kể chuyện. Nhiều cây bút nữ đã chọn ngôi kể thứ nhất - xưng tôi. (…). Khi một người xưng tôi, đứng ra kể chuyện mình là lúc người ấy đã đủ tự tin đồng thời muốn người khác tin vào câu chuyện của mình kể. Giọng điệu kể chuyện của các cây bút trẻ, đặc biệt là các cây bút nữ, đượm vẻ nghi ngờ và nhiều day dứt trăn trở với đời sống”.

Nếu trong truyện Ở K là một hồi ức như mộng du về biển, nơi mà “tôi không tới biển nhưng biển lại ở đó” (trang 10); thì trong Về nhà là “một sự hồi tưởng của quá khứ âm ỉ sống trong hiện tại” (trang 76). Trong Cá hồ Văn là hồi ức về những cái chết bí ẩn, người biến thành cá, nơi “tôi tới hồ Văn để câu cá. Nhưng không phải để có cá. Tôi chỉ muốn được một lần nhìn thấy loài cá lạ ấy” (trang 148).

Văn và thơ của Điệp Giang được cấu tứ bằng bút pháp có nhiều tìm tòi, bức phá, như muốn thoát khỏi những gò bó theo kiểu khuôn mẫu câu trúc. Đó là “cái bình” khá mới, thế nhưng rượu bên trong lại là một hồi ức chảy miên viễn, xót xa và nhạy cảm. Mà hồi ức thì luôn làm cho ta có cảm tưởng về điều gì đó quen thuộc, cũ kỹ.


Tập truyện Chầm chậm cũ kỹ gồm 6 truyện ngắn

Ngòi bút mẫn cảm

Năm 2008, Phạm Thị Điệp Giang in tập truyện ngắn Rượu Đông (NXB Phụ nữ), trong ấy có truyện Tại sao lại giật mình?, một ví dụ sinh động về lối nhìn mẫn cảm: “Một buổi tối thứ Bảy khi anh ngồi ở bên kia góc đường, trong một quán cà phê nhỏ và nhọ nhem nhọ thủi bởi thứ ánh sáng yếu ớt và trần thấp sùm sụp, anh chợt giật mình. Không ai giật mình. Mọi người vẫn đi lại vội vã, sao lại thế, trong một buổi tối cuối tuần thế này - anh tự hỏi. Không ai giật mình cả, trừ anh”.

Hay như trong tiểu thuyết Buổi chiều trong chiếc CD, Điệp Giang bắt đầu nỗi cô đơn của nhân vật tôi bằng cảm nhận: “Những bữa tối sau khi ăn cơm, tôi ngồi nhìn bố mẹ chăm chú xem những bộ phim truyền hình dài tập của Mê-hi-cô trước chiếc TV nội địa cố tình có màu bằng cách được gắn màn hình có ba dải màu rõ ràng, vừa tự hỏi, đây có thực là gia đình của mình không?”

Hay như trong bài thơ B26, cũng bắt đầu bằng sự mẫn cảm như vậy: “Thử viết một bài thơ/ Về con cá đang bơi, bông hoa đang nở/ Bước chân đang đi, khuôn miệng đang thở/ Về người bên trái đang yêu, người bên phải thất tình/ Về ly trà đá trong veo/ Chiếc nón bảo hiểm dỏm đội đầu/ Về ông già móm mém không râu/ đứng đợi ta ăn hết đĩa cơm rau chìa tờ vé số”.

Với nhiều tình huống sống, sự mẫn cảm là không cần thiết, thế nhưng với công việc nhà văn, sự mẫn cảm đã giúp Điệp Giang tiếp cận được những biến chuyển tinh vi để đưa ra cái nhìn tinh tế. Xét riêng ở góc độ này, tập truyện Chầm chậm cũ kỹ đã giúp ta hiểu hơn về cuộc đời.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm