Nhà văn Nông Minh Châu - Viên ngọc minh châu quý!

16/01/2024 20:08 GMT+7 | Văn hoá

Vừa qua, Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với UBND huyện Ngân Sơn tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nông Minh Châu (9/1/1924 - 9/1/2024). Các nhà khoa học, nhà văn đã làm rõ những cống hiến, đóng góp quan trọng của nhà văn Nông Minh Châu đối với văn học Bắc Kạn nói riêng và cả nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung. 

Nông Minh Châu (1924 - 1979) tên thật là Nông Công Thỉ, là nhà văn dân tộc Tày, sinh ngày 9/1/1924 trong gia đình nông dân nghèo ở bản Cò Luồng, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.

Viên minh châu sáng của Việt Bắc

Là một người thông hiểu chữ Hán và chữ Nôm Tày, dù gia đình nghèo, nhưng cụ Nông Công Lương đã tạo điều kiện tốt nhất cho con trai Nông Công Thỉ theo nghiệp đèn sách. Cụ gửi con trai học lớp Nhất ở Trường Tiểu học Phủ Thông. Sau khi trở về nhà, cụ tiếp tục đón thầy đồ về dạy chữ Hán cho con.

Nhà văn Nông Minh Châu - Viên ngọc minh châu quý! - Ảnh 1.

Nhà văn Nông Minh Châu (1924-1979)

Nông Công Thỉ học giỏi, và sớm bộc lộ năng khiếu thơ văn. Bà con trong bản thường khen cậu bé Thỉ ăn nói lưu loát, có tài làm thơ hay và giỏi đối đáp, đặc biệt là khéo đặt lời đối đáp trong các cuộc thi tài nam nữ, giao lưu văn hóa văn nghệ...

Năm 1943, khi mới 19 tuổi, Nông Công Thỉ đã tham gia đoàn thể Việt Minh. Theo nhà văn Nông Viết Toại (em trai nhà thơ Nông Quốc Chấn, em con dì nhà văn Nông Công Thỉ) thì chính ông đã đặt bí danh Nông Minh Châu gắn với hoạt động cách mạng và bút danh sáng tác cho cho người anh họ với nghĩa viên ngọc minh châu sáng.

Nhà văn Nông Minh Châu - Viên ngọc minh châu quý! - Ảnh 2.

Đại biểu dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm với gia đình nhà văn Nông Minh Châu

Đến với cách mạng, Nông Minh Châu (tức Nông Công Thỉ) dùng văn chương (sáng tác thơ bằng tiếng Tày) để tuyên truyền, vận động nhân dân làm cách mạng. Sau này, do nhu cầu cuộc sống, ông mở rộng nhiều đề tài phong phú, đa dạng hơn. Ông từng làm Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh niên Bắc Kạn, rồi Trưởng ty Văn hóa Bắc Kạn (nay là Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Kạn). Từ tháng 10/1957, ông là cán bộ phụ trách văn hóa, văn nghệ của Khu Tự trị Việt Bắc, Phó Chủ nhiệm Nhà xuất bản Việt Bắc (tiền thân của NXB Văn hóa dân tộc). Ông là người cá tính, tính thẳng thắn, sống hết lòng với mọi người, nhất là tình yêu với trẻ nhỏ...

Nhà văn Nông Minh Châu rời cõi tạm năm 55 tuổi (4/3/1979), nhưng đã để lại một sự nghiệp văn học có giá trị, gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, thơ, trường ca.

Muối lên rừng (1964) có thể xem là tiểu thuyết đầu tiên viết bằng tiếng Việt của tác giả dân tộc thiểu số, dày 154 trang, đặt nền móng cho văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Đóng góp của nhà văn Nông Minh Châu

Nông Minh Châu sáng tác không nhiều, nhưng tác phẩm được xuất bản của ông đã ghi dấu ấn quan trọng; là người đặt nền móng cho văn xuôi hiện đại các dân tộc thiểu số Việt Nam và là 1 trong những người viết trường ca sớm nhất trong lịch sử văn học cách mạng.

Bên cạnh sáng tác, Nông Minh Châu dành nhiều tâm huyết cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, nhất là then giàu bản sắc văn hóa các dân tộc Tày - Nùng.

Từ nhỏ, ông đã được nuôi dưỡng trong nguồn văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc Tày. Những câu sli, câu lượn đã thấm vào tâm hồn, lưu chảy trong huyết quản một cách tự nhiên. Nguồn cội bản sắc văn hóa đã ảnh hưởng trực tiếp đến sáng tác của ông. Ông đã cảm nhận quê hương miền núi bằng những nét riêng biệt hòa với cuộc sống của dân tộc Tày. Tác phẩm của ông thấm đẫm văn hóa Tày mà chủ đề chính là thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống sinh hoạt, con người vùng cao giàu bản sắc...

Nhà văn Nông Minh Châu - Viên ngọc minh châu quý! - Ảnh 4.

Tác giả bài viết (thứ ba phải sang) cùng các đại biểu viết bài cho tọa đàm

Thơ của Nông Minh Châu chứa đựng cuộc sống sinh hoạt đời thường gắn với cảnh sắc, cảm xúc của người dân miền núi. Bài thơ Tung còn thể hiện sâu sắc đặc trưng văn hóa vùng cao:

Trong nôi trúc bé cười cùng mũ mới

Áo trên sàn sánh hoa mận trong vườn

Tua còn đỏ liệng chen đàn yến liệng

Yến đá cao, giọng lượn còn bổng hơn

Hai năm rồi núi rừng thêm cánh nhận

Hôm nay trên đám ruộng thơm ra Xuân

Ta tung còn tung cả cánh hồng

Tung đón lấy mùa Xuân dân tộc

Đặc biệt trường ca Cưa khửn đông viết bằng tiếng Tày, dài 4.208 câu được coi là một áng thơ tiếp nối những giá trị văn học truyền thống Tày…

Đóng góp nhất định trong lĩnh vực thơ ca, nhưng làm nên tên tuổi Nông Minh Châu lại chính là văn xuôi. Tác phẩm văn xuôi của ông là bức tranh chân thực, sống động, giàu bản sắc về cuộc sống, sinh hoạt của quê hương miền núi. Nhân vật trong tác phẩm của ông là những người dân thuần hậu, chất phác, thật thà, bộc trực, khẳng khái, mạnh mẽ, dũng cảm, yêu lao động, yêu cuộc sống, ân tình, gắn bó sâu nặng với làng bản, quê hương.

Mỗi tác phẩm của ông đều gắn bó với đời sống người dân vùng cao. Khi làm cán bộ văn hóa ở Khu Tự trị Việt Bắc, đi công tác ở Thất Khê, ông đã viết truyện ngắn Ché Mèn đy pay họp (Chị Mèn được đi họp) và được báo Nhân dân đăng ngay. Ông đã trở thành nhà văn dân tộc thiểu số đầu tiên sáng tác văn xuôi bằng tiếng dân tộc (sau ông dịch ra tiếng phổ thông).

Truyện ngắn Chị Mèn được đi họp đã bộc lộ khả năng tạo dựng tình tiết xây dựng truyện. Viết năm 1958 khi đó chưa có tổ đổi công, chưa có hợp tác xã, ông đã miêu tả chân thực quá trình chị Mèn từ một người con gái miền núi có phần nhút nhát, tự ti đã giác ngộ, tiến bộ, vươn lên tiếp nhận cái mới.

Khi tập viết chữ, chị Mèn ngại ngượng, xấu hổ "Mới đi học tập viết chữ nào xong, tay đã che kín chữ đó lại... Anh giáo viên toan đến cầm quyển vở, Mèn kéo soạt nhanh như chớp cho vào trong túi".

Vượt qua những trở lại, lúng túng ban đầu, chị Mèn đã tự tin tiếp cận cái mới, tiến bộ, dấn thân vào cuộc sống mới ở nông thôn miền núi: "Có khi chập tối Mèn còn trèo sang quả núi để mời bà con đến họp. Mèn cũng sợ hổ, sợ báo, nhưng khi có việc thì tự nhủ trong lòng: Con hổ, con báo ở xa con đường ta đi lắm...".

Nhà văn Nông Minh Châu - Viên ngọc minh châu quý! - Ảnh 5.

Tiểu thuyết “Muối lên rừng” của Nông Minh Châu

Sau 1 năm Hội Nhà văn Việt Nam thành lập, năm 1958, ông và Nông Viết Toại cùng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1962 sau khi tham gia lớp viết văn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, ông đã âm thầm, lặng lẽ chuẩn bị cho tiểu thuyết Muối lên rừng và hoàn thành năm 1964.

Muối lên rừng có thể xem là tiểu thuyết đầu tiên viết bằng tiếng Việt của tác giả dân tộc thiểu số, dày 154 trang, đặt nền móng cho văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nội dung truyện xảy ra trong một không gian hẹp (bản Lèng, bản Cắm, vùng Nà Ngần, Khau Pi...), diễn ra trong thời gian ngắn (1941 - 1945) và có một số nhân vật như: Pảo, Chiến, Luông, Liệu, Đán, Phiên... Theo nhà phê bình văn học Lâm Tiến, 1 trong những giá trị của tiểu thuyết là "đã nói lên được cái đẹp của tình người, giúp người đọc hiểu rõ hơn tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của người dân tộc Tày nói riêng và con người Việt Bắc nói chung".

Trong tác phẩm của Nông Minh Châu, bức tranh thiên nhiên hiện lên hoang sơ, tươi sáng, thơ mộng, tràn đầy sức sống. Điều đặc biệt, cách miêu tả thiên nhiên của ông luôn gắn bó với đời sống, tâm tư tình cảm của người dân Việt Bắc. Chất thơ lan tỏa trong văn chương: "Đêm nằm, nghe tiếng nước đuổi nhau xuống suối, đánh vào tai râm ran" (Chị Mèn được đi họp)… "Hai bên đều là sườn đồi. Ở giữa ruộng bậc thang, thửa này xếp lên thửa kia như chiếc khăn xếp. Ruộng xếp đều đều mãi đến khe. Mương đã cạn nhưng ruộng không có thửa nào không có nước. Nước vẫn róc rách chảy từ trên cao xuống vọng nhẹ vào hai bên vách núi như tiếng ngân của con ve sầu kêu xa xa" (Quê hương chim gõ)...

        ***

Nhà văn Nông Minh Châu - Viên ngọc minh châu quý! - Ảnh 7.

Bài về nhà văn Nông Minh Châu cho học sinh lớp 4 trong “Tài liệu giáo dục địa phương” tỉnh Bắc Kạn

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai Tài liệu giáo dục địa phương. Bài về nhà văn Nông Minh Châu là chủ đề 6, lớp 4 của tài liệu này. Ngoài nhiều chủ đề khác, học sinh phổ thông toàn tỉnh được học chủ đề Những con người làm rạng danh quê hương. Theo đó, trong Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bắc Kạn có một số văn nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu, như: Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa (Bạch Thông); nhà thơ Nông Quốc Chấn, nhà văn Nông Minh Châu, nhà văn Nông Viết Toại (Ngân Sơn).

Sự nghiệp sáng tác của Nông Minh Châu


Tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến: Truyện ngắn đầu tay tiếng Tày Ché Mèn đảy pay họp (Chị Mèn được đi họp, 1958); tập thơ Tung còn và suối đàn (in chung Triều Ân, 1963); Muối lên rừng (tiểu thuyết, 1964); Cưa khửn đông (truyện thơ trường thiên tiếng Tày, 1967); Tiếng chim gô (truyện ký, 1979); Chuyện anh Thượng, Mẹ con chị Nải, Trận địa giữa ruộng bậc thang; Tuyển tập Nông Minh Châu (2003), Thơ Nông Minh Châu tuyển chọn (2005).

Ngoài ra, ông còn tham gia biên soạn Hợp tuyển văn học Việt Nam (tập IV, phần Văn học các dân tộc thiểu số).

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm