31/03/2013 10:29 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng nói với tôi như thế. Chẳng sai. Từ nhân vật nổi tiếng nhất của ông là Quyên trong tiểu thuyết cùng tên hay Vợ cũ trong tản văn mới ra mắt. Quyên đẹp ở vẻ ngoài và tính thương người, “Vợ cũ” đẹp vì lòng bao dung.
Trong buổi ra mắt sách của Nguyễn Văn Thọ ở Hà Nội chiều 27/3, nhà văn Di Li nói việc tác giả cùng lúc trình làng tản văn Vợ cũ và giới thiệu… vợ mới dễ trở thành đề tài báo lá cải. Chả phải trong giới showbiz, người ta có thói quen cứ ra tác phẩm mới lại tiết lộ chút ít đời tư.
Giới văn chương thì không có thói quen đó (có tiết lộ thì cũng không nhiều người chú ý). Nhưng giới văn chương lại thích tung tẩy chữ nghĩa, bằng chứng là mối liên hệ tréo ngoe “vợ cũ - vợ mới” (trong tản văn cùng tên, từ Vợ cũ được viết hoa như một tên riêng) của Nguyễn Văn Thọ được khai thác ngay.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ trong buổi ra mắt sách chiều 27/3 ở Hà Nội.
Sống ào ạt, viết cũng ào ạt, nhưng “sẽ dừng lại khi nhạt”
Họa sĩ Thành Chương, một người bạn thân của nhà văn, nói về những điểm tương đồng kỳ lạ giữa hai người trong cuộc đời: “Tôi và anh Thọ sinh cùng năm, 1948. Bố anh Thọ là họa sĩ, đẻ ra con là nhà văn. Bố tôi là nhà văn (nhà văn Kim Lân - PV), đẻ ra con là họa sĩ. Cả hai chúng tôi (Thành Chương và Nguyễn Văn Thọ) đều có 3 đời vợ. Khác cái là tôi chưa bao giờ trước mặt “tập” mới mà dám nhắc đến “tập” cũ như anh Thọ vì “tập” mới của tôi dữ dằn lắm”.
65 tuổi, Nguyễn Văn Thọ cưới vợ lần thứ ba vào giữa năm ngoái. Vợ ông là nhà báo Châu Giang. Chị cũng đến dự buổi ra mắt sách nhưng ngồi tít một góc, đến cuối buổi mới lên chụp ảnh cùng chồng. Có lẽ không nên thêm từ “mới” sau từ “vợ” vào làm gì lại thành ra phân biệt. Nhất là với Nguyễn Văn Thọ, người hơn 60 mà vẫn sống như tuổi 20, theo ví von của một nhà báo. Tuổi 20 yêu ào ạt lắm.
Sống kiểu 20, tuổi 20 thời nay ấy chứ không phải tuổi 20 của vài thập niên trước, theo như tôi thấy, nghĩa là sống cho thực tại nhưng thỉnh thoảng lại hoài cổ một cách khó hiểu. Tôi đoán Nguyễn Văn Thọ là người về cơ bản sống cho thực tại, nhưng ông khác những người 20 ở chỗ luôn luôn hướng về quá khứ, chứ không chỉ thỉnh thoảng. Hướng về để viết chứ không hoài cổ suông.
Kể cũng khó để phân thân được như thế, khi mà cả hiện tại và quá khứ đều thể hiện rõ tầm ảnh hưởng qua những gì Nguyễn Văn Thọ làm: vừa cưới vợ, sắp có thêm con, mỗi năm đều đặn đi về giữa Việt Nam và Đức (nơi cô con gái Toản Li đang sống), chăm lo cho cả quá khứ lẫn hiện tại, lại vừa ra 2 cuốn sách mới: tập tản văn Vợ cũ và tập truyện ngắn Sẫm violet.
Quá khứ của Nguyễn Văn Thọ (đặc biệt là quãng đời khốn khó ở Đức, trải qua cả thời điểm bức tường Berlin sụp đổ) là một kho tư liệu riêng dày dặn. Truyện ngắn Lằn ranh kẻ cắp trong tập Sẫm violet kể về một người lao động Việt đứng trước cám dỗ ăn cắp khi làm thuê ở Đức là câu chuyện đời thực của chính Nguyễn Văn Thọ. Ông đã đưa chính mình vào văn mình.
Nhà văn Di Li nói: “Có nhà báo hỏi Nguyễn Văn Thọ bao giờ hết vốn, tôi nghĩ nếu anh Thọ không quá khiêm tốn thì anh đã trả lời là không bao giờ”.
Còn câu trả lời của Nguyễn Văn Thọ trước đó? Ông nói: “Đã yêu văn thì còn thở được là còn viết được. Nhưng đến một lúc nào đó, nếu nghe độc giả chê “Ông viết nhạt rồi đấy” thì tôi sẽ dừng lại. Đừng để đến lúc nhạt như nước ốc mà vẫn tưởng mình còn hot lắm”.
Bìa hai tập sách mới, tản văn Vợ cũ và truyện ngắn Sẫm violet
Viết mãi về những người đàn bà đẹp
Văn Nguyễn Văn Thọ không có chất đậm đặc cá tính và không thấy nỗ lực viết theo cách mới, điều mà nhiều cây bút trẻ hướng đến. Văn ông mạnh ở chi tiết và cảm xúc của người cầm bút. Điều đó thể hiện rõ ở tiểu thuyết Quyên cho đến hai cuốn sách mới, dù giọng văn lúc gai góc rờn rợn (khi mô tả các cảnh bạo lực, khổ nhục) lúc lại nồng nàn lãng mạn (Vợ cũ hay truyện ngắn Tiếng khóc).
Không ở đâu tính cách hoài cổ của Nguyễn Văn Thọ lại thể hiện rõ như trong văn. Ông say sưa kể những câu chuyện cũ và những câu chuyện cổ. Ít thấy bóng dáng của cuộc sống đương đại trong văn ông. Năm ngoái, Nguyễn Văn Thọ tự hào giới thiệu cho bạn văn và bạn mạng truyện ngắn lịch sử (hoặc dã sử) Nàng Dạ Minh Phượng, sau được đưa vào tập Sẫm violet.
Truyện ngắn này dễ khiến người ta nhớ đến Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp, cũng kể về một người nữ cao quý vô ngần, xung quanh là đám đàn ông tôn thờ và thèm muốn. Nàng Dạ Minh Phượng không thể không gợi nhớ đến nàng Vinh Hoa của Phẩm tiết.
Văn quyết liệt y như tính cách của tác giả và thỉnh thoảng rất ủy mị (Nguyễn Văn Thọ nổi tiếng với việc... thường xuyên khóc khi kể về quá khứ, nhưng lần ra mắt sách này ông không khóc).
Nguyễn Văn Thọ sinh năm 1948 ở Thái Bình, nổi tiếng với tiểu thuyết Quyên viết về cuộc sống của người lao động Việt vượt biên sang Đức, đoạt giải Nhì trong cuộc thi tiểu thuyết 2006–2010 của Hội Nhà văn Việt Nam. |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất