26/07/2012 13:55 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Các trang văn tả đàn bà khỏa thân của Nguyễn Một trong tác phẩm Ngược mặt trời khiến ca sĩ, nhạc sĩ Mai Khôi mê mẩn. Nhưng các nhà phê bình, nhà văn lại tìm thấy trong cuốn sách một trò chơi cấu trúc đáng nói hơn.
Buổi ra mắt tiểu thuyết mới Ngược mặt trời của nhà văn Nguyễn Một - cây bút từng được giải thưởng Hội Nhà văn 2010 với tiểu thuyết Đất trời vần vũ - vừa diễn ra tại Hà Nội. Tác giả bay từ miền Nam ra cùng anh bạn đồng nghiệp Sương Nguyệt Minh.
Tuy tên tuổi người viết chưa mấy quen thuộc, buổi ra mắt có khá nhiều nhà văn, nhà phê bình ở phía Bắc đến dự: Tạ Duy Anh, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Xuân Nguyên, Văn Chinh, Chu Văn Sơn, Văn Giá, Nguyễn Hoàng Đức… Ngoài ra, còn có ca sĩ Mai Khôi đến với vai trò… người hâm mộ, chị mê cuốn sách mới của Nguyễn Một ngay từ khi đọc xong hai chương đầu trên mạng, trước đó không hề quen biết nhà văn.
|
Viết ngắn dường như là lựa chọn của những nhà văn thức thời. Nhu cầu của người đọc hiện tại là đọc ít, thu nhận nhiều - thói quen được trau dồi nhờ đọc báo mạng. Nguyễn Một nhận thức rõ điều này. Anh tự so sánh cách viết của mình với việc nén lò xo. Chẳng hạn, “nén” 100 trang ban đầu thành 30 trang trong bản sửa. “Viết làm sao để đưa đến cho bạn đọc nhiều thông điệp nhất mà không làm mất thời gian của họ”, Nguyễn Một nói. Đọc ít mà được nhiều, hơn là đọc lê thê mấy trăm trang mà thấy chẳng được gì. Sách của anh chỉ dày hơn 210 trang.
Nhà phê bình Chu Văn Sơn có cùng ý kiến, nhưng dùng cách so sánh khác: “Văn Nguyễn Một như một file nén trên máy tính”. Anh cho rằng, cuốn sách có thể xếp vào dạng văn nghĩ - lối văn hiện đại, cao cấp hơn văn kể và văn tả trước đây, theo xếp loại của Milan Kundera (“một cách phân loại thiên tài” - Chu Văn Sơn).
Cuốn tiểu thuyết đậm chất triết luận, thấm đẫm tinh thần Thiên Chúa giáo. Nguyễn Một động đến nhiều chủ đề nhạy cảm, lúc bóng gió lúc thẳng thừng, như ảnh khỏa thân (nhân vật chính Nguyễn Chạc làm nhà nhiếp ảnh, chụp ảnh khỏa thân); đức tin tôn giáo (chuyện một nữ đan sĩ bỏ đan viện theo người yêu); lịch sử (cha đạo Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh, chuyện tàn sát giáo dân của vua Minh Mạng)… Không phải mô tả hiện thực mà viết nên ý niệm của con người về đời sống, theo nhà văn Nguyễn Đình Chính, đó chính là lối viết cách tân và rất hấp dẫn mà văn học đang hướng tới.
Bìa cuốn Ngược mặt trời
Sự “rời rạc” có chủ ý
Ngay đầu sách, nhà văn đăng lời “cáo lỗi”: “Cuốn sách này có thể làm phiền bạn vì câu chuyện hoang đường và những mảnh chắp vá rời rạc của cuộc đời, như giấc mơ buồn mà sau khi tỉnh dậy bạn không thể kể lại một cách trọn vẹn”. Thiết nghĩ, anh chẳng cần làm như vậy. Câu chuyện hoang đường? Thì có ai bắt nhà văn chỉ được kể chuyện có thật. Những mảnh chắp vá rời rạc? Ngược mặt trời dường như dành cho những ai mê chơi trò văn chương một chút, không nôn nóng đọc để biết “ra ngô ra khoai” câu chuyện.
Nguyễn Một bảo, vì sự rời rạc và hoang đường này, một người bạn của anh sau khi đọc thử đã phán: “Viết như ma ám vậy!”.Đọc qua thì thấy “những mảnh rời rạc” hay chính xác là các chương lẻ của cuốn sách cũng đáng để người đọc bị cuốn vào mà quên đi câu chuyện trước đó đang dở. Qua trao đổi, các nhà văn, nhà phê bình thống nhất, đóng góp lớn của Nguyễn Một qua cuốn sách này chính là cấu trúc, một sự rời rạc rất có chủ ý. Nhà văn Nguyễn Đình Chính gọi đây là “cấu trúc quạt giấy”, mỗi nan chĩa ra một hướng nhưng chụm lại ở gốc, rời rạc nhưng thực ra rất chặt chẽ.
Mai Khôi mê hình ảnh đàn bà trong văn Nguyễn Một
Chính xác đó là những người đàn bà khỏa thân. Nữ ca sĩ kể, ngay đầu sách, chị rất ấn tượng với hình ảnh nhân vật vợ Chín Toàn, khi đang dan díu với một người đàn ông trong căn chòi thì bị một cơn lốc cuốn tung cả chòi lẫn quần áo.
Nguyễn Một tả lại người đàn bà qua ký ức của Nguyễn Chạc: “…bầu vú quyết liệt và thách thức của chị Chín Toàn chĩa về phía đám đông trước khi lao xuống dòng sông”. Mai Khôi thú thực, chị rất muốn đưa những hình ảnh như thế vào ca từ các bài hát của mình, rất muốn hát lên những lời ca như thế. Ngay khi đọc xong hai chương đầu của Ngược mặt trời, nữ ca sĩ gọi điện cho nhà văn Nguyễn Một, bày tỏ “chưa thấy ai viết về cơ thể phụ nữ đẹp như thế”.
Đã vượt qua chính mình, nhưng đừng ảo tưởng
Đó là lời nhắn của nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập cả hai cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Một, Đất trời vần vũ và Ngược mặt trời, dành cho tác giả của chúng. Tạ Duy Anh nói, nhận biên tập cuốn Ngược mặt trời của người từng được giải của Hội Nhà văn, ông đầy ngờ vực. Nhiều nhà văn bút lực không đủ mạnh, đến cuốn thứ hai sẽ đuối. Nhưng Ngược mặt trời có thể khẳng định là đã vượt qua cuốn trước, nhiều nỗ lực cách tân và lối viết hấp dẫn. Nhưng tác giả không nên vì thế mà ảo tưởng.Cuốn sách gồm 23 chương, nhân vật trung tâm là Nguyễn Chạc, người đi một hành trình “ngược sáng” để tìm lại làng quê Chạc Chìu đã mất. Ngược mặt trời, theo cách hiểu của nhà phê bình Chu Văn Sơn, là ngược lại tôn giáo, ngược với lòng yêu thương, hướng đến sự thù hận.
Mới ra mắt, chưa thể bàn đến tiếng vang hay dư âm, nhưng đây là một cuốn sách gây nhạc nhiên.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất