Nhà văn Nguyễn Đông Thức: Đời là thế!

13/12/2010 11:26 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Đời có cần định nghĩa không? Xin thưa đời không cần định nghĩa nhưng từ xưa đến nay nhân loại vẫn cố hiểu đời là gì? Cách đây 2 năm, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã viết Đời - sau một cơn bạo bệnh. Năm 2009, Đời được tái bản khiến nhà văn “phấn khích” viết tiếp Đời tập 2. Và cuối tuần qua, tại Thư quán Sinh viên (2A Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM), nhà văn Nguyễn Đông Thức có buổi giao lưu và ký tặng cuốn Đời (tập 2) cho bạn đọc.

1. “Đời là bể khổ” nên cần tìm đường để được “giải thoát”. “Đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào”. “Đời như một sân khấu” nên nhiều người hay “diễn với đời”. Người bi quan nói: “Đời đen như mõm chó mực” thậm chí gào lên “đời là dối gian”. Với người lạc quan sẽ thấy “cuộc đời vui quá không buồn được”. Đời được hiểu theo cảm quan, trải nghiệm... của từng cá nhân chứ chưa có một định nghĩa chuẩn nào.

Với nhà văn Nguyễn Đông Thức và 2 tập truyện ngắn cùng mang một chữ Đời (NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi trẻ) đã đặt ra và trả lời câu hỏi “đời là gì?” qua từng lát cắt truyện ngắn. Nhà văn Nguyễn Đông Thức tạm lý giải: “Đã có nhiều định nghĩa về danh từ chung ngắn gọn mà “hoành tráng” này. Tôi thích nhất một câu đơn giản của người Pháp, đi kèm một cái nhún vai: C’est la vie! (Đời là thế!). Có thể áp dụng trong mọi trường hợp, không giải thích mà là giải thích cho tất cả mọi sự rắc rối, phức tạp của cuộc sống. Đời là muôn mặt, đầy chuyện bất ngờ...”. 

Vâng, “đời là thế!” tưởng rằng bao quát hết nhưng “là như thế nào?”. Thì đây, trong 12 truyện ngắn của Đời tập 2, mỗi truyện chỉ đặt tên bằng một chữ lần lượt “góp thêm định nghĩa” và trả lời câu hỏi “đời là gì?”.


Nhà văn Nguyễn Đông Thức

Sau hai tập Đời, Nguyễn Đông Thức cho biết ông dừng lại để theo đuổi một dự án tiểu thuyết dài hơi đã ấp ủ từ lâu.
Đến nay, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã in 5 tập truyện dài, 3 tập truyện vừa, 13 tập truyện ngắn cùng với 25 kịch bản được dựng thành phim và 3 kịch bản sân khấu.

 2. ĐờiGiấy! Vậy Giấy là gì? Giấy - như ai cũng biết - dùng để học trò tập viết, dùng để người yêu tỏ tình qua những cánh thư, dùng để in báo thông tin thời sự, dùng để in sách chuyển tải tri thức... Nhưng truyện Giấy trong Đời còn dùng để bán. Tất nhiên, có người mua thì hẳn nhiên có người bán. Giấy được bán trong Đời không phải “dùng để” cho các mục đích vừa nêu. Giấy ở đây là “giấy phép”. Mà, giấy phép cũng chưa “có giá” bằng chữ ký của người có thẩm quyền trên mảnh giấy đó. Thời buổi này, những ai từng đến cửa công xin giấy phép sẽ thấu hiểu nỗi truân chuyên của cái gọi “hành là chính”. Để không bị “hành là chính”, người ta phải thực hiện động tác “đi cửa sau”.

Trong truyện Giấy, bà vợ của ông sếp có quyền “ký phép” tỉnh bơ nói với “khách hàng” cần xin giấy phép: “Tôi xin nói rõ: Chúng ta đều bình đẳng như nhau. Ở đây không hề có chuyện tham ô, hối lộ. Anh là nhà sản xuất, làm ra hàng hóa. Anh làm ra cái gì thì có quyền bán cái đó để lấy tiền bỏ túi, nuôi vợ nuôi con, đúng không? (...) Ông chồng tôi làm ra... giấy, thì cũng có quyền bán giấy, y như các anh bán hàng hóa của mình”.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức “cam kết”: “Câu chuyện này tôi viết gần như đúng 99% những gì được nghe kể từ một ông bạn là doanh nhân (...). Câu nói gây ấn tượng nhất kể trên của một vị quan bà, tôi nghĩ không có nhà văn nào có thể sáng tác được”.


Hai tập truyện Đời

3. Đời chỉ có thế thôi ư? Xin thưa, Đời còn dài lắm. Câu chuyện mang tên Đau cũng khiến nhiều người giật mình. Đoạn “nối dài” của truyện Đau, nhà văn Nguyễn Đông Thức dẫn lời bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền. Bà Nga cho biết khoảng 90% khách hàng của trung tâm là đàn ông, đến từ mọi miền đất nước. 100% số đàn ông này muốn biết đứa con họ đang nuôi hoặc sắp nuôi có phải con thật của mình không. Kết quả cho thấy, có tới 30% các ông bố đi xét nghiệm đang nuôi con... giùm người khác. Nhà văn cho biết: “Tôi đọc được thông tin oái oăm này, bỗng nổi hứng viết nên truyện Đau. Đúng như lời của một nhân vật trong truyện, “chỉ có bà ngoại mới chắc chắn mình là... bà ngoại ruột, còn từ ông bà nội đến ông ngoại đều... hên xui!”.

Đây có thể là một truyện mà hình bóng của nó là chuyện “ông ăn chả bà ăn nem”. Nhưng người viết bài này hiểu được thêm một ý khác muốn gửi gắm của nhà văn. Tôi bỗng thấy “tội nghiệp” cho nhiều ông bố khoái đẻ con trai để “nối dõi tông đường”. Chính vì cái “văn hóa con trai” đã nảy sinh nhiều hệ lụy và thậm chí bi kịch cho nhiều gia đình. Một gia đình ở vùng quê mà tôi biết, do ông chồng thích con trai đến độ sau khi sinh “một đàn con gái” ông vẫn cố gắng nài vợ sinh thêm. Do “cái giống” nhà ông chỉ sinh được con gái, nên bà vợ vì quá yêu chồng đã “nhờ cậy” ông hàng xóm “gieo giống đực” giúp. Kết cục hạnh phúc gia đình này như thế nào hẳn bạn đọc hiểu rõ khi câu chuyện đổ vỡ. Đọc xong Đau, có lẽ nhiều ông sẽ nghĩ lại, rằng con trai hay gái không quan trọng, miễn là không “nuôi giùm con người khác” một cách bất đắc dĩ.  

4. Nói như nhà văn Đoàn Thạch Biền sau khi đọc Đời, nhận định ngắn gọn: Đời như ly cocktail. Mỗi người đọc Đời có mỗi cách để tự tay pha chế ly cocktail cho riêng mình: ngọt ngào hay cay đắng.

Trần Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm