19/12/2024 07:03 GMT+7 | Văn hoá
Nhà văn Mộc An là cái tên quen thuộc với độc giả quan tâm đến mảng văn học thiếu nhi. Chị ghi dấu ấn với các tác phẩm như Đậu Đậu Sâu Sâu Bé Bé, Cây cầu lấp lánh… Mộc An còn là gương mặt thân quen của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn, với bản thảo Nếu một ngày chúng tớ biến mất lọt vào chung khảo năm 2022 và bản thảo truyện dài "Ở một nơi có rất nhiều rồng" đoạt giải Khát vọng Dế Mèn năm 2023.
Mới đây, bộ đôi truyện dài Nếu một ngày chúng tớ biến mất, Nhạc sĩ đường phố của chị lại được vinh danh với giải B, Giải thưởng Sách quốc gia 2024. Thể thao và Văn hóa đã gặp lại và có cuộc trò chuyện với chị.
* Từng lọt vào chung khảo và từng giành giải thưởng Dế Mèn, giờ đây, chùm tác phẩm thiếu nhi của chị lại đoạt Giải thưởng Sách quốc gia 2024. Chị có thể cho biết, những giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với hành trình viết văn của chị?
- Thật sự mình rất vui và bất ngờ khi biết tin nhận được giải thưởng này. Đã từ lâu, mình luôn muốn có gì đó để đóng góp cho độc giả, đóng góp cho văn chương. Và giải thưởng này là một sự ghi nhận cho hành trình vừa qua của mình, cũng như một chút đóng góp của mình cho nền văn chương nước nhà.
* Tác phẩm đạt giải lần này của chị, ngoài "Nếu một ngày chúng tớ biến mất" đã từng được biết đến khi bản thảo của nó vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn, còn có tập truyện dài "Nhạc sĩ đường phố" (2023). Chị có thể chia sẻ về nguồn cảm hứng và quá trình sáng tác bộ đôi tác phẩm này?
- Đây là bộ đôi hai tác phẩm có thể được coi là nằm trong một hệ thống chủ đề thống nhất về đề tài, lấy cảm hứng từ thế giới thiên nhiên gần gũi xung quanh. Cụ thể là khu vực nhỏ xung quanh ngôi nhà của mình, từ đó mở rộng ra hệ thống thiên nhiên rộng lớn. Thông qua đó, mình muốn gửi đến các em một tình yêu thương, sự quan tâm đối với những sự vật bé nhỏ, gần gũi xung quanh mình.
Mình nghĩ, nó rất phù hợp với trí tượng tưởng hồn nhiên, tâm hồn trong trẻo của các em. Mình không cố để đưa một thông điệp cụ thể đến người đọc, mà bằng những điều đơn giản, bình dị nhất, mình mong mỗi độc giả có thể tự cảm nhận được những điều mình muốn gửi gắm.
* Khán giả hẳn rất tò mò điều gì đã đưa chị đến với văn học thiếu nhi? Vì sao chị lựa chọn gắn bó với thể loại này thay vì các dòng văn học khác?
- Cơ duyên đưa mình đến với văn học thiếu nhi thực ra rất cá nhân. Đó là khi mình có con nhỏ đến độ tuổi cần tiếp xúc với sách vở, các cuốn truyện thiếu nhi. Đưa bé đi chọn sách, mua sách, đọc cho bé nghe, rồi sau là tập cho bé tự đọc, mình luôn đồng hành cùng con. Qua quá trình đó, mình cảm thấy mình phần nào hiểu về các tác phẩm sách cho trẻ em, hiểu cách viết cho trẻ em phải như thế nào, và mình muốn đóng góp một chút cho mảng này, muốn sáng tác những tác phẩm cho con mình và các bạn nhỏ khác có thể đọc.
* Chị cảm nhận thế nào về tâm hồn và trí tưởng tượng của trẻ em? Theo chị, điều gì khiến văn học thiếu nhi trở nên đặc biệt so với các thể loại khác?
- Ở lứa tuổi của các em, trong trẻo và hồn nhiên, các em có những cách nhìn nhận thế giới và trí tưởng tượng rất khác với người lớn, nhiều khi khiến chúng ta khó lòng theo kịp. Bởi vậy, mình muốn phát huy năng lực này cho các em, bằng cách tạo dựng một thế giới được tạo nên từ trí tưởng tượng rộng lớn đó. Và từ đó, các em có thể tha hồ phát huy trí tưởng tượng về một thế giới đẹp, rộng mở, trong trẻo.
Và thật ra, khi mình viết cũng là lúc tâm hồn mình cũng được sống với thế giới trong trẻo đó, mình cảm thấy mình giàu có hơn, nhẹ nhàng hơn. Đối với mình, viết cho thiếu nhi không chỉ là viết cho người đọc, mà chính là viết cho tuổi thơ của chính bản thân mình.
* Khi viết cho trẻ em, chị thường quan tâm đến yếu tố nào nhất: nội dung, cách kể chuyện, hay ngôn ngữ? Và làm thế nào để cân bằng giữa tính giáo dục và sự hấp dẫn trong các tác phẩm của chị?
- Theo mình, những tác phẩm viết cho thiếu nhi đòi hỏi người viết phải để tâm tất cả những yếu tố đó, từ một cốt truyện hấp dẫn, một ngôn ngữ phù hợp với trẻ, và cũng cần quan tâm các bé sẽ cảm nhận như thế nào sau khi đọc câu chuyện đó. Chính vì vậy mình luôn để tâm từng chi tiết nhỏ trong mỗi tác phẩm sao cho phù hợp với đối tượng độc giả đặc biệt.
* Chị có cảm thấy khó khăn trong việc đưa các giá trị nhân văn vào truyện thiếu nhi nhưng vẫn giữ được sự gần gũi và nhẹ nhàng không? Nếu có, chị đã làm thế nào để vượt qua?
- Theo mình không nên đưa những bài học, lời khuyên cụ thể vào các tác phẩm, kiểu như các em phải thế này, các em cần thế kia. Mà những thông điệp đó nên được chuyển tải một cách nhẹ nhàng, thông qua vẻ đẹp thẩm mỹ của tác phẩm. Để khiến các em khi tiếp cận với thế giới trong câu chuyện, các em tự mình cảm thấy thích, rồi hứng thú. Từ đó dần dần các em sẽ nhận ra rằng thứ mình thích thì nên như thế nào mới là phải, là đúng.
Đừng đưa những điều tác giả muốn truyền tải đến các em một cách cách trực tiếp, mà hay để chúng đến với các em một cách tự nhiên nhất.
* Tác phẩm của chị thường khai thác những chủ đề nào? Có chủ đề nào mà chị cảm thấy đặc biệt yêu thích hoặc luôn muốn khám phá sâu hơn không?
- Theo mình, cái khó nhất cho người viết, không chỉ riêng ở mảng thiếu nhi mà cả ngành sáng tạo văn học nói chung, đó là tránh sự lặp lại. Một trong những sự lặp lại đó là lặp lại về đề tài và ngay cả khi lặp đề tài đó thì cũng phải tìm ra một hướng khai thác khác hoặc một thông điệp mới.
Vì vậy, trong chừng mực nào đó, mình luôn luôn cố gắng tìm kiếm những đề tài mà mình cảm thấy có sự khác biệt một chút so với các tác phẩm trước của mình.
Đề tài mình yêu thích nhất là đề tài về thiên nhiên. Thế giới tự nhiên nguyên sơ và gần gũi xung quanh chúng ta thật đẹp, nhưng đang có nguy cơ bị mất dần. Trẻ em thời nay cũng ít có cơ hội được tiếp xúc và gần gũi với thiên nhiên. Chính vì vậy mình muốn khai thác chủ đề này nhiều hơn cả.
* Các nhân vật trong truyện của chị thường lấy cảm hứng từ đâu? Có nhân vật nào được dựa trên chính tuổi thơ hoặc những ký ức cá nhân của chị không?
- Thật ra là rất ít. May mắn mình sinh ra và lớn lên ở nông thôn, có điều kiện gần gũi với tự nhiên, rồi lớn lên đi ra tìm hiểu thế giới bên ngoài. Dấu ấn cá nhân của mình trong tác phẩm chỉ có vậy. Những nhân vật trong tác phẩm của mình thường lấy cảm hứng từ trong đời sống, từ bạn bè, người thân của mình, thậm chí ngay cả những người không phải là bạn bè, người thân, nhưng họ lại có những điểm rất hay ho, thú vị. Bởi mình luôn muốn đưa vào tác phẩm những điều tốt đẹp, nhân văn của cuộc sống này.
* Chị đánh giá thế nào về văn học thiếu nhi tại Việt Nam hiện nay và theo chị cần cải thiện những gì để phát triển thể loại này hơn trong tương lai?
- Văn học học thiếu nhi hiện đại đang có nhiều lợi thế, có sự vận động mạnh hơn so với trước đây. Đó là sự quan tâm chung của cả xã hội dành cho mảng văn học này, khi liên tiếp có những giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi. Đặc biệt, Giải thưởng Sách quốc gia cũng dành riêng một hạng mục cho văn học thiếu nhi.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, phải là sự vận động tự thân từ lực lượng những người viết. Những cây viết trẻ hiện nay vừa có sự kế thừa một nền tảng văn học thiếu nhi Việt Nam trong quá khứ, họ vừa có năng lực ngoại ngữ, lại nắm bắt nhanh nhạy đối với vẻ đẹp của văn học thiếu nhi thế giới. Theo mình, họ có rất nhiều lợi thế để phát triển.
Cùng sự vận động mạnh với sức sáng tạo của đội ngũ tác giả, cộng thêm sự quan tâm của toàn xã hội, mình nghĩ rằng văn học thiếu nhi của chúng ta nhất định sẽ có những bước tiến mới, đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú hơn của độc giả.
* Xin cảm ơn chị và chúc chị tiếp tục thành công với văn học thiếu nhi!
Nhà văn Mộc An tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Trinh, sinh năm 1980, hiện là giảng viên ĐH Quy Nhơn, Bình Định.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất