Nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa: Cuộc đời cần có những thằng hề

07/10/2012 14:19 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đưa tin, NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa ấn hành tập truyện ngắn và trào phúng Hạt bụi bên nhau. Nếu đúng như tên thể loại, cuốn sách phải được chia làm hai phần “truyện ngắn” và “trào phúng”. Nhưng có lẽ những người thực hiện cuốn sách muốn trong vui có buồn nên hai thể loại này đã nằm đan xen nhau.

Với những người sơ giao, Lê Văn Nghĩa là người khó nói chuyện cởi mở bởi sự âu sầu luôn hiện diện trên gương mặt của ông. Nhìn gương mặt đó, nếu là một nhà văn chắc chắn phải là một người viết tiểu thuyết diễm tình hay chuyên viết về những câu chuyện lâm li bi đát lấy nước mặt người đọc.



Nhà văn Lê Văn Nghĩa. Ảnh: Vương Quang Vĩnh

Vậy nhưng không thể “nhìn mặt mà bắt hình dong”, phía sau gương mặt buồn hiu hiu đó là một tâm hồn dễ xúc động và hài hước, đặc biệt rất yêu phố xá Sài Gòn.

“Ma xó” của ẩm thực Sài Gòn

Trong truyện ngắn mở đầu cuốn sách này, Lê Văn Nghĩa viết về món ăn phổ biến trên đường phố Sài Gòn: Bánh mì bì. Dưới hình thức tiểu phẩm với cái kết thúc bất ngờ khiến người đọc vừa cười xen lẫn ngậm ngùi, Bánh mì bì không những để lại dư vị của một món ăn mà còn là dư vị của tình người.

Nói về các món ăn của phố Sài Gòn, có lẽ Lê Văn Nghĩa là một “con ma xó”, thế nhưng khi viết truyện ông lại tiết chế hết mực.

Chẳng hạn về món bánh mì bì, Lê Văn Nghĩa cho biết nơi bán ngon nhất món này nằm trên góc đường Điện Biên Phủ - Mai Thị Lựu thuộc quận 1 của một bà cụ, gọi là bánh mì bà già nhưng không có bảng hiệu. Nước dùng cho bánh mì bì ngon nhất phải là nước mắm chứ không phải nước thịt hay xì dầu.

Rành rẽ các món ăn đường phố Sài Gòn, trong đó có nhiều món vừa được thế giới vinh danh, đơn giản vì Lê Văn Nghĩa sinh ra và lớn lên ở thành phố này. Không chỉ biết rành các món ăn, thức uống ngon và nơi đâu có bán, Lê Văn Nghĩa còn biết rành xuất xứ các hàng quán của Sài Gòn.

Cà phê hè phố cũng là một nét đặc trưng của Sài Gòn, dân ghiền nhâm nhi ly cà phê vỉa hè và đọc dăm tờ báo vào buổi sáng đều biết đến quán cóc nằm trên hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch, Q.1. Con hẻm này rất nổi tiếng vì sinh thời chốn này là nơi nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn và gia đình cư ngụ. Quán cà phê đầu hẻm 47 do một đôi vợ chồng người Huế đứng tuổi làm chủ. Nhà văn Trần Nhã Thụy gần như sáng nào cũng ngồi ở đây và anh đã viết tản văn rất hay về cái quán này. Tình cờ, Lê Văn Nghĩa đọc được bài viết của Trần Nhã Thụy và ông đã gặp Thụy cung cấp thêm thông tin. Thì ra cái quán cóc ấy do chính mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng lập, sau này mới chuyển sự quản lý cho đôi vợ chồng người Huế kia. Trần Nhã Thụy nghe vậy há mồm: “thế à”.

Nếu không phải là Lê Văn Nghĩa hay những người sinh sống lâu năm, yêu Sài Gòn như ruột thịt thì không thể nào để tâm nhớ đến những sự thay đổi của thành phố, dù là đổi thay nhỏ như cái quán cà phê cóc.

Lê Văn Nghĩa cho biết ông đang hoàn thành cuốn sách về ẩm thực Sài Gòn với lời “tuyên bố”: “Các nhà văn, nhà báo viết về Sài Gòn nhiều rồi, tôi muốn viết về Sài Gòn với tư cách một người sinh ra và lớn lên ở đây xem thế nào”. Tuyên bố xong Lê Văn Nghĩa cười hì hì nhìn ra đường phố đang chật kín người xe trong một buổi chiều Sài Gòn không mưa.

Cuộc đời là vở tuồng, ta là diễn viên

Tập truyện ngắn và trào phúng Hạt bụi bên nhau

Trong Hạt bụi bên nhau, Lê Văn Nghĩa có một truyện ngắn viết về nghề làm hề ở các gánh hát. Dường như Lê Văn Nghĩa rất thích nhân vật “thằng hề” vì trong rất nhiều cuốn sách đã in của ông, “thằng hề” thường xuyên xuất hiện.

“Thằng hề” vừa là cái nghề kiếm sống trong các gánh hát, vừa là một biểu trưng của số phận. Khi tham gia gánh hát… cuộc đời, gần như ai cũng muốn đóng vai chính diện, người hùng, nhưng đôi khi số phận run rủi ta phải làm thằng hề mua vui cho thiên hạ. Cuộc đời cần có những thằng hề cũng như cần những nghề nghiệp khác nếu mỗi người biết diễn trọn vai của mình.

Trong công việc hàng ngày, Lê Văn Nghĩa cũng luôn ý thức “diễn trọn vai” của mình. Ông hiện là chủ biên bán nguyệt san Tuổi trẻ cười, tờ báo trào phúng này hàng năm có giải thưởng Cù nèo vàng dành các nghệ sĩ cống hiến trên lĩnh vực sân khấu và giải Trái cóc xanh nhằm phê phán những hiện tượng chưa đẹp trong năm.

Khi có người hỏi tại sao giải Cù nèo vàng lại không trao cho lĩnh vực văn chương, nhất là thể loại trào phúng? Lê Văn Nghĩa thẳng thắn: “Người viết trào phúng ở ta hiện nay không nhiều, chỉ quẩn quanh một số tác giả. Gần như năm nào tôi cũng có tác phẩm trào phúng in trên Tuổi trẻ cười rồi xuất bản sách. Nếu hết người để trao giải thì thế nào cũng đến lượt tôi nhận giải ở chính tờ báo mà mình đang làm. Tôi nhận giải thì cũng được thôi, nhưng như vậy không khách quan. Tôi muốn mọi sự phải rõ ràng, chứ tự trao giải cho mình là điều tối kỵ”.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Sài Gòn. Ông từng tham gia đấu tranh trong phong trào học sinh sinh viên miền Nam, bị địch bắt tù đày. Giờ ông chuẩn bị về hưu. Ít người biết rằng Lê Văn Nghĩa vẽ tranh rất đẹp và là chồng của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh. Ông còn là nhà sưu tập sách cổ với rất nhiều tác phẩm giá trị và là người sưu tập máy nghe nhạc, băng đĩa cũ với số lượng khủng…

Làm nhiều việc là vậy nhưng Lê Văn Nghĩa rất ngại trả lời phỏng vấn, ông nói: “Tôi muốn nói gì cũng đều thông qua tác phẩm hết rồi. Lên báo nói lỡ lời bị ném đá chỉ thêm mang nhục”. 

Trần Hoàng Nhân


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm