16/01/2024 20:11 GMT+7 | Văn hoá
Có mặt tại Hà Nội những ngày đầu năm 2024, nhà văn Lê Minh Hà nhận một món quà đặc biệt, khi 3 cuốn tiểu thuyết của chị cùng một lúc được NXB Hội Nhà văn và Công ty Liên Việt ấn hành: Phố vẫn gió, Gió tự thời khuất mặt, Những ta. Và, điểm chung giữa 3 cuốn sách ấy là Hà Nội.
"Ký ức là gánh nặng, cũng là quà tặng của cuộc sống - thứ trời không chia đều cho tất cả và nghĩa vụ của mỗi người nhận được khả năng biết nhớ ấy là chia sẻ tiếp" - nhà văn Lê Minh Hà bộc bạch trong Những ta- "Đối diện với thực tại, cần ký ức, không phải để dễ dàng hơn mà là để sống tỉnh táo hơn".
Chị có cuộc trò chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* "Những ta" là cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, còn "Gió từ thời khuất mặt" và "Phố vẫn gió" từng được xuất bản cách đây nhiều năm. Vậy đâu là lý do để 3 cuốn sách lần này lại xuất hiện cùng nhau?
- Thật ra, mọi chuyện đến khá ngẫu nhiên. Ban đầu, tôi chỉ định ra mắt Những ta trong chuyến về Hà Nội lần này. Nhưng một người bạn tôi, họa sĩ Lê Thiết Cương, và nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đều động viên tôi chọn in một bộ sách lấy bối cảnh Hà Nội. Và bởi vậy, tôi nghĩ tới 2 cuốn kia - chúng vừa rất giống, vừa rất khác Những ta.
Cũng xin kể thêm, Gió từ thời khuất mặt được in từ 18 năm trước, còn Phố vẫn gió thì sau đó vài năm. Khi hoàn thành Phố vẫn gió, tôi đinh ninh đã tự "thanh toán" xong những vương vấn về Hà Nội với bản thân mình, nhưng hóa ra không phải. Đó cũng là một bi kịch thường thấy của người viết, rằng sau khi sách ra mắt, chúng ta hân hoan với nó chừng 1 tháng, rồi đọc lại và dần thấy thất vọng về bản thân mình.
Và cũng phải nhắc tới vai trò của nhà văn Bảo Ninh, người nói với tôi rằng, dư ba của Phố vẫn gió còn nhiều, rằng tôi phải viết thêm 1 cuốn nữa về Hà Nội. Anh thường xuyên động viên, thậm chí xúi tôi thương lượng với chồng con để mỗi năm về Việt Nam vài tháng, tìm một nơi nào đó yên tĩnh mà ngồi viết cho xong cuốn sách này (cười).
* Với những gì chị từng kể về cuộc sống bên Đức thì tất nhiên lời tư vấn này khó khả thi. Vậy "Những ta" được hoàn thành như thếnào?
- Tôi viết như đã viết trong những năm qua. Đó là những lúc rảnh rỗi, chồng con ra khỏi nhà, còn mình đã kịp hoàn thành những công việc cho thiên chức của người phụ nữ trong gia đình. Khi ấy, tôi ngồi đọc báo, uống độ nửa lít cà phê pha loãng, rồi bắt đầu viết như một trò chơi nhẹ nhàng của phụ nữ.
Thật ra, tôi viết cũng không có đề cương gì đâu, dàn ý chỉ là dăm bảy gạch đầu dòng và vài từ bật ra được ghi lại. Bởi những suy nghĩ về tác phẩm đã có trong mình từ rất lâu rồi, và công việc là tìm cách nối kết chúng lại theo một trật tự cần thiết.
Những ta được hoàn thành theo cách ấy. Sách được dự định đặt tên Vọng theo gợi ý củaanh Bảo Ninh, rồi thành Vọng những ta, vì là câu chuyện tự kể của 3 nhân vật. Cuối cùng, cái tên Những ta được chốt lại sau mấy lần tranh cãi với ông bạn Lê Thiết Cương.
* Nhìn lại, 3 cuốn sách về Hà Nội lần này được chị đặt ở vị trí nào trong những sáng tác của mình?
- Nói ra có thể không phải với những bạn bè đã cùng tham gia xuất bản sách của tôi trong những năm qua. Nhưng thật sự ở 3 cuốn sách vừa in, tôi mới tìm thấy mình theo nghĩa thấu đáo nhất - trong khi phần còn lại có lẽ là những đoạn ngừng ngắn trong hành trình tìm kiếm này.
Có những lúc hành trình ấy tưởng như kết thúc, nhưng nó vẫn phải tiếp tục, như chiếc bóng đang đổ dài theo con đường trước mặt mình.
* Vậy đọc lại 2 cuốn sách đầu tiên, chị thấy một Lê Minh Hà như thế nào trong hành trình tìm kiếm dở dang ấy? Liệu có sự bồng bột, nông nổi khi một phụ nữ ở tuổi 62 tự nhìn về mình 15 - 20 năm trước không?
- Có chứ. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn nông nổi - mà bằng chứng là vẫn còn ngồi viết ở cái tuổi 62 này (cười). Còn với riêng Những ta, như 2 cuốn sách kia, nó cũng được viết bằng cuộc đời tôi, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đó không hẳn là câu chuyện của tôi - vì tôi không muốn mang cuộc đời của mình hay đôi ba người quen ra làm chất liệu - mà là cuộc đời, số phận của cả một thế hệ mà mình cùng chung trải nghiệm. Và câu chuyện là sự lớn dần về tâm lý nhân vật trong một thời buổi cụ thể: Hà Nội hôm trước và hôm nay, ra đi và trở về....
* Như tôi nhớ, trong những lần trở về Hà Nội vào các năm 2014 và 2015, chị cũng đều có những buổi ra mắt sách và giao lưu cùng bạn đọc. Đặt trong sự so sánh, chị có thấy nét gì riêng về tâm trạng và cảm xúc trong buổi gặp gỡ lần này?
- Ta vẫn nói với nhau rằng mỗi cuốn sách là một đứa con tinh thần. Và trong buổi gặp gỡ vừa rồi, tôi có hỏi vui rằng nhiều bạn nữ ở đây có con chưa? Nếu có, hẳn các bạn sẽ đồng ý với tôi: Sau khi sinh một đứa bé, dù vất vả hay thuận lợi thế nào, cảm giác đầu tiên của chị em chúng ta vẫn là nhẹ bỗng. Có điều, cảm giác nhẹ bỗng của một người mẹ ở tuổi 20 sẽ rất khác với tôi - một phụ nữ trên thực tế cũng từng làm mẹ ở tuổi rất muộn.
Đó là cảm xúc về tác phẩm. Còn với độc giả và bè bạn lần này, tôi có duyên được gặp họ trong một buổi chiều Hà Nội lạnh buốt và mưa rất dày. Thế nhưng, mọi người vẫn tới đông - đông hơn nhiều so với sức chứa của căn phòng nơi ra mắt sách. Trong cái sự không như ý về thời tiết ấy, tôi lại thấy mình hạnh phúc vì được hiện diện ở tư cách một người viết, giữa những yêu quý và chân tình.
* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện!
Nhà văn Lê Minh Hà sinh năm 1962, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, từng là giáo viên dạy văn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, hiện sống tại Đức. Tác giả đã xuất bản khoảng 18 cuốn sách, bao gồm các thể loạigồm tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất