20/09/2022 20:00 GMT+7 | Văn hoá
Vừa cho ra mắt tập truyện ngắn Nỗi sợ & Những khuôn hình đến giờ những sáng tác văn học của Lê Anh Hoài gắn với dãy số rất cân đối 2 - 2 - 2 cho đủ 3 thể loại: Tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn. Không chỉ vậy, hành trang sáng tạo của anh còn gắn với vai trò của một nghệ sĩ thị giác, một nhạc công nghiệp dư và một nhà báo.
Thể thao và văn hóa (TTXVN) có cuộc truyện trò với Lê Anh Hoài về cuốn sách mới, cũng như nghề văn và những lựa chọn của anh.
Đời người ngắn ngủi mà… nhiều nhiệm vụ quá
* Ở tập truyên ngắn vừa ra mắt, độc giả từng đọc Lê Anh Hoài vẫn nhận ra cái tạng quen thuộc của anh với sự giễu nhại pha chút u ám từ những chuyện tưởng như khá vụn vặt trong cuộc sống đời thường. Điều gì khiến anh tiếp tục chọn lối viết như vậy?
- Trước hết, có lẽ nên bắt đầu từ thứ “chuyện tưởng như khá vụn vặt trong cuộc sống đời thường”. Theo tôi, cuộc sống có những biểu hiện thoáng qua, thường ít được để ý - chẳng hạn như một chuyển động nét mặt, một chút thay đổi của giọng nói, hay một chi tiết nhỏ trong một biến cố lớn. Mà, những thứ thường được bỏ qua này mới chính là điều đáng quan tâm của nhà văn. Người viết, với tư cách là người quan tâm đến số phận và tâm hồn con người thì không thể bỏ qua những điều này.
Bởi, những điều được cho là lớn lao, được ghi lại trong sử chẳng hạn, thì thường bỏ qua số phận con người cụ thể. Ngay chuyện về một người nào đó, cũng thường được khai thác về sự nghiệp, về những biến cố lớn liên quan đến cộng đồng, đến “đại cục”… Đây là khuynh hướng “đại tự sự”, trong khi tôi quan tâm đến cái tạm gọi là “tiểu tự sự”.
Còn về cái gọi là giọng điệu “giễu nhại pha chút u ám” trong văn bản của tôi, có lẽ nó xuất phát từ nhận thức: Đời sống con người là bất toàn, bất định và bất nhất. Bởi thế, con người đáng thương. Ta đừngquá khắt khe, nhìn nhận con người phải tuyệt đối (kể cả hay lẫn dở). Bên cạnh đó, đời người khá ngắn ngủi mà lại nhiều nhiệm vụ quá, vậy thái độ hài hước vui vẻ thay cho lúc nào cũng nghiêm nghị cứng nhắc tôi cho là nên.
* Với tuổi 56, có bao giờ anh thử nghĩ, nếu mình cố chọn cách viết dữ dội, trần trụi từ thực tế - hoặc ngược lại, đi sâu vào sự trữ tình, mềm mại của cảm xúc - thì kết quả thu về sẽ là gì?
- Tôi nghĩ, giọng điệu và phong cách riêng sẽ hình thành qua quá trình chiêm nghiệm và viết của mỗi tác giả. Với tôi, những thứ ấy có lẽ đã tương đối ổn định. Nói tương đối bởi tuy không “cố chọn”, nhưng với những chủ đề cụ thể nào đó, với cảm hứng vào thời điểm ấy, tôi nghĩ vẫn có thể thay đổi. Chẳng hạn, tôi có vài bài thơ khá “mềm mại” – mà lạ thay, chúng đều rất dễ được đăng (cười).
* Nhìn lại, anh cũng từng có khá nhiều tìm tòi và thử nghiệm trên trang viết. Chẳng hạn, đó là tập thơ “Mảnh mảnh mảnh” được dịch ra 3 thứ tiếng dân tộc thiểu số, hay “Chuyện tình mùa tạp kỹ” kết hợp giữa kiểu chương hồi cổ điển với một vở kịch để “khóa đuôi”. Rộng hơn, người ta cũng từng biết tới một Lê Anh Hoài trong nghệ thuật thị giác với những màn biểu diễn “Đồng cu”, “Cột điện”... từng khiến dư luận chú ý bởi sự khác lạ so với cách nhìn, cách hiểu chung. Vậy, đó đơn giản chỉ là sự tìm kiếm những gì mới lạ trong cách thể hiện, hay còn chứa đựng điều gì phía sau?
- Về những gì được nhắc đến, truyền thông đã bàn luận nhiều. Tôi chỉ xin bày tỏ, người sáng tạo rất nên quan tâm đến những cách thể hiện mới mẻ. Mới mẻ ở đây là so sánh phần nào đến mặt bằng văn nghệ trong nước. Văn chương nghệ thuật thế giới ngày nay cung cấp cho chúng ta rất nhiều gợi ý, về cách tiếp cận, về cách biểu đạt. Trên cơ sở đó, mỗi văn nghệ sỹ có thể lựa chọn, phát triển để “kể câu chuyện” của mình.
Thực tế, tôi nhận được khá nhiều phản hồi không thuận. Có người cho rằng tôi đang làm khó cho người đọc, người xem. Thực ra tôi chỉ đang làm khó bản thân mà thôi. Có người cho tôi là điên, cách nhìn nhận này còn lên cả mặt báo (cười). Có người lại cho là tôi chủ ý gây sốc, làm danh. Tôi nghe cả, nhưng cũng chẳng có ý định thay đổi cách nghĩ, cách làm nghệ thuật của mình.
* Lời giới thiệu của “Nỗi sợ & Những khuôn hình” có nói đại ý rằng văn chương của Lê Anh Hoài không vươn đến sự kịch tính, mà chỉ mời gọi độc giả của nó tận hưởng đôi chút rã rời. Còn anh, anh có bao giờ cầm bút khi cũng… rã rời trong cuộc sống thực và muốn tìm một cái gì để neo? Và nếu nói ngắn gọn, việc viết văn có ý nghĩa gì với anh?
- Có nhiều diễn giải khá là lãng mạn về cái sự sáng tác, về sứ mệnh và thiên chức, về cách “vịn vào câu thơ…”. Xin nói luôn, tôi không khoái lắm mấy kiểu diễn giải này. Tôi thuộc loại nghĩ nhiều, viết ít. Người viết như tôi khi đủ chiêm nghiệm, đủ dồn nén thì đến lúc sẽ phải viết ra thôi. Tôi có thể viết ngay khi rất nhiều công việc khác dồn tới, và chẳng viết gì khi đang rất rảnh (rảnh tay nhưng chưa chắc đã rảnh cái đầu). Chính vì vậy nên chắc là mấy cái công thức như viết khi rã rời, hay viết để “neo vào” là không mấy phù hợp với tôi rồi.
Còn sự viết văn có ý nghĩa thế nào với tôi ư? Giản dị thôi, nó là kết quả của thôi thúc nội tâm. Tôi cứ viết ra thôi, khi đến lúc, còn thì tác phẩm nó sẽ có đời sống của nó. Tôi không định lập danh theo con đường đang được coi là “chính thống” bằng cách viết đơn xin vào hội sáng tác nào đó. Và về cơ bản, tôi không có kế hoạch, lịch sáng tác. Nói thêm, tôi cũng khá dị ứng với mô hình trại sáng tác.
“Mặc dù khâm phục sự lao động bền bỉ nhưng tôi có lần đã bật cười khi đọc được đâu đó tự sự của một người làm thơ - rằng ông bắt đầu ngồi vào bàn viết khi mặt trời bắt đầu lấp ló ban mai và chỉ dừng khi mặt trời đứng bóng” (nhà văn Lê Anh Hoài). |
Sự thú vị tự thân
* Tôi biết anh đủ lâu, để thấy anh nhập cuộc khá nhiệt tình trong 2 lĩnh vực viết văn và nghệ thuật thị giác, chưa kể tới nghề làm báo thường trực, hay việc ham mê nhạc nhẽo và từng tham gia ban nhạc...Vậy, anh có bao giờ tự xác định được giới hạn về năng lực mà mình có thể chạm tới trong mỗi lĩnh vực, để rồi tự xác định đâu là... chơi vui, đâu là thứ nên tập trung để có thể đi xa nhất không?
- Tự khám phá chính mình trong mọi việc ở đời, chứ không chỉ khoanh lại trong việc sáng tác, tôi thấy là một sự thú vị tự thân. Nó là trải nghiệm sống mà mỗi người, nên chăng, cần tự mình biết tự mình hay trước đã, thay vì thái độ ngay khi định làm gì thì đã vội nghĩ đến kết quả, đến sự công nhận của người đời. Nghĩ thế nên tôi cứ tự… chiều tôi mà chẳng hoạch định, gây sức ép cho bản thân rằng sao không tập trung cái kia cái nọ, hầu mong được nổi nênh với thiên hạ cho bằng được.
Đơn giản với tôi là thế này, giữa bao công việc cơ quan, việc gia đình nhất thiết phải làm - mà đều phải gắng làm thật tử tế - tôi làm văn nghệ. Mọi thứ gọi là văn nghệ này với tôi, tôi gắng tự học hỏi, tìm hiểu để làm tốt nhất có thể. Có thể ai đó sẽ cho là tham, là thiếu tập trung. Nhưng một nhà báo viết về văn nghệ mà hiểu sâu về nhiều lĩnh vực là tốt chứ? Một người viết văn, tức là làm nghệ thuật ngôn từ mà hiểu được hội hoạ, âm nhạc, là thứ nghệ thuật hình tượng, phi ngôn từ thì cũng tốt chứ? Tôi nghĩ cái thời quan niệm “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” đã qua rồi. Giờ là thời của liên/đa ngành, liên/đa lĩnh vực nghệ thuật.
* Cuối cùng, ở góc độ một người viết, anh mong độc giả sẽ tìm thấy gì từ những trang viết của mình? Và ngược lại, khi là một độc giả, anh thường hy vọng tìm thấy gì khi đọc tác phẩm của những cây viết khác?
- Độc giả, đối với tôi là một hộp đen. Tôi có một ý thơ, rằng những gì tôi viết như lời thả trên đầu ngọn gió. Người đọc, nếu nhặt được trong ngọn gió điều gì thú vị, tâm đắc, tôi rất cảm kích.
Còn trong vai trò là người đọc, tôi hy vọng nhìn thấy phía sau các trang viết của các tác giả khác, những câu chuyện mới về con người, con người như những cá thể độc nhất thì càng thú vị.
* Xin trân trọng cám ơn tác giả Lê Anh Hoài.
Tác giả Lê Anh Hoài sinh năm 1966 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học An ninh, hiện đang là biên tập viên báo Tiền Phong. Anh là tác giả của các tập thơ Những giấc mơ bên đường, Mảnh mảnh mảnh, tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ, tập truyện ngắn Tẩy sạch vết yêu… |
Cúc Đường (thực hiên)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất