Nhà văn Lê Anh Hoài: “Cái danh, cái tiếng chọi nhau chan chát”

12/07/2008 10:17 GMT+7 | Văn hoá

Trong số những nghệ sĩ tham gia vào dự án nghệ thuật Ra đường của họa sĩ Ngô Lực, người ta thấy nổi lên một cái tên nhà văn - nhà báo Lê Anh Hoài (LAH). Cứ tưởng tác giả Chuyện tình mùa tạp kỹ đã cạn vốn con chữ mà chuyển sang dòng bút cọ, đến khi gặp rồi mới biết hóa ra anh chỉ là đang... rong chơi. Và rồi lan man hết từ đá bóng sang cái cột điện, mới thấy dưới góc nhìn của một nhà văn, những chuyện ngỡ như quá đỗi bình thường lại trở thành đầy ý vị, đáng để suy ngẫm biết bao.

Cái anh bóng đá... lợi bất Cập hại

* Từ khi trái bóng bắt đầu lăn trên sân cỏ Euro cho đến… hết, anh theo dõi luôn chứ?

Tất nhiên là có xem, nhưng tôi không hứng thú, và cũng không đủ đam mê.

Nhà văn - Nhà báo Lê Anh Hoài

* Quả là câu trả lời quá bất ngờ, hẳn là anh có lý do?

Tôi biết hàng triệu, hàng triệu người đang dán mắt vào màn hình, hoặc giành giật nhau tấm vé rồi thét gào khản cổ trên khán đài, cứ như thể họ không còn việc gì để làm. Rồi cầu thủ, những anh chàng cơ bắp, với cú sút kinh hồn, hoặc tài bắt bóng, chặn đối thủ… đơn thuần họ cũng như bất cứ một vận động viên của môn thể thao nào đó, nhưng riêng với bóng đá thì họ trở thành anh hùng, đại diện cho dân tộc, tiếng nói quốc gia, sự hiện diện của họ đối với công chúng thì còn đáng chào đón hơn bất cứ một vĩ nhân nào. Điều này quá sức vô lý, sự mê hoặc của bóng đá, sức cuốn hút của môn thể thao được xưng tụng ngôi “vua” này theo tôi là có hại.

* Thời nào cũng cần có người hùng để công chúng tung hô và ngưỡng mộ…

Điều này là hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu chỉ tính trên bình diện giải trí thì bóng đá rất cần thiết, nó giúp người ta quên đi mọi lo toan, bộn bề trong cuộc sống thường nhật, nhưng khi bóng đá biến thành một liều thuốc phiện gây nghiện đến mất ăn, mất ngủ, thậm chí chuyển thành trò đỏ đen sát phạt như hiện nay thì lợi bất cập hại.

* Có vẻ thông tin “nhà văn không ưa bóng đá” là có cơ sở?

Thật khó để cắt nghĩa cho chuẩn xác điều này. Thôi thì mọi người hãy cứ hiểu một cách đơn giản rằng là các anh nổi tiếng có bao giờ ưa nhau. Cùng là người của công chúng cả, cái danh, cái tiếng nó chọi nhau chan chát, kém nửa phân, thấp nửa lạng cũng đủ để tự dằn vặt, mình thấy họ được ca tụng hơn thì cũng ghen chứ, tức chứ, ấm ách lắm đấy, nên không ưa (cười).

"Ra đường" làm... cột điện

* Vậy là thay vì thức đêm bên màn hình tivi thì nhà văn Lê Anh Hoài lại đi tham gia vào một dự án nghệ thuật thị giác?

Đó không phải tham vọng của tôi, mà đơn thuần chỉ là một khám phá. Bảo tôi lôi cọ ra vẽ một bức tranh, thậm chí họa hình người đang phỏng vấn tôi đây cũng là đánh đố, nhưng để thực hiện một ý tưởng của mình thông qua nghệ thuật thị giác thì quá được. Hơn nữa dự án nghệ thuật Ra đường của Ngô Lực hợp với những gì tôi đang cảm nhận và chiêm nghiệm quá, nên làm thôi.


Nhà văn Lê Anh Hoài làm...cây cột điện

* Ý tưởng về việc đưa nghệ thuật đương đại đến với đông đảo quần chúng thông qua sự hiện diện của người nghệ sĩ ở ngoài đường?

Để nói ra thì dông dài lắm, ngắn gọn lại thì bây giờ là thời đại làm nghệ thuật bằng tư duy chứ không phải kỹ năng. Và tôi đưa ra cách tư duy của tôi, rồi thể hiện nó bằng chính bản thân mình, chứ không vật lộn với màu vẽ.

* Vậy anh vật hóa chính mình, như người xưa vẫn hay nhân hóa đồ vật?

Cột điện là một vật không thể thiếu được trong đời sống hiện đại, và cứ nhìn cách công chúng ứng xử với nó đủ biết sự văn minh đến mức độ nào. Hãy cứ thử tưởng tượng khi ai đó bị biến thành cột điện bên cạnh vệ đường, người ta bôi trát đủ thứ lên thân, hãy tưởng tượng và suy nghĩ, sẽ thấy nhiều điều đáng nói lắm.

Theo Lương Nguyên
(Thể thao Việt Nam)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm