26/09/2012 14:32 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - LTS: Theo công bố của trang web bán sách Tiki.vn, cuốn nhật ký hành trình Xách ba lô lên và đi (NXB Văn học, 9/2012) của Huyền Chip đã đứng đầu vị trí xếp hạng từ khi sách chưa lên kệ, số lượng đặt hàng nhiều hơn 3 quyển xếp kế tiếp cộng lại. Tập 1 có tên Châu Á là nhà. Đừng khóc! vừa bán hết 5.000 quyển sau 4 ngày phát hành, hiện đã tái bản lần thứ nhất.
Xách ba lô lên và đi là kết quả của “cô gái 20 tuổi đi khắp thế gian”, khi trong hai năm, với số tiền ít ỏi, Huyền Chip đã đến hơn 20 quốc gia ở nhiều châu lục. Cuộc trò chuyện này càng thú vị, bởi do Nguyễn Nhật Lâm thực hiện, người mà TT&VH từng đề cập trong bài “Cái bang” Đông Nam Á và cuốn sách kỳ lạ hồi tháng 5/2012, cũng một tay trắng “giang hồ” viết sách.
Bắt nhịp với blog
* Đọc Xách ba lô lên và đi thấy cảm xúc còn nóng hổi và nguyên vẹn, như được viết ngay tại góc đường mà bạn vừa qua…
- Tôi có thói quen là mỗi khi cảm xúc lên đến cao trào mà không biết làm gì để giải tỏa thì sẽ viết. Nhưng những gì viết ra lúc đó chỉ ở dạng tóm tắt, ô a thế này thế kia thôi. Chỉ đến khi về nhà mình mới có điều kiện viết hoàn chỉnh và hệ thống lại thành sách được. Đây là cách bắt nhịp cầu với những trang blog đã viết, dù có nhiều điểm khác nhau.
* Nhân vật trong sách có một chuyến du lịch “bụi” đầy tính ngẫu hứng, nhưng lối viết của tác giả (cũng là nhân vật) thì không hề ngẫu hứng, mà mạch lạc và chặt chẽ. Có sự khác nhau nào giữa người viết sách và nhân vật trong sách?
- Tôi cho rằng ngẫu hứng trái nghĩa với chuẩn bị kỹ càng, chứ không trái nghĩa với sự mạch lạc và logic. Dù khi nào có cảm hứng tôi mới viết, nhưng có lẽ vì là dân chuyên toán nên tôi tự thấy mình suy nghĩ khá logic và hài lòng vì điều đó thể hiện trên trang giấy.
* Bạn đã chia sẻ nhiều điều thú vị của chuyến đi, vậy bạn có thể chia sẻ đôi chút về những khó khăn đối việc việc hoàn thành cuốn sách này?
- Khó khăn lớn nhất khi viết cuốn sách lúc ở Việt Nam là cứ đang viết là tôi lại cuồng chân, chỉ muốn bỏ đi ngay thôi.
* Bạn từng kể mình rất thích Trên đường của Jack Kerouac và Nhật ký mô tô của Che Guevara, những cuốn sách đã thiêu đốt trái tim yêu tự do của giới trẻ nhiều thế hệ. Những tác phẩm này có ảnh hưởng đến cuộc sống và quá trình sáng tác của bạn không?
- Tôi thích dòng tác phẩm này. Tôi đồng cảm với tác giả, vì họ thực sự đã cho mình rất nhiều động lực để tiếp tục đi. Đó là một cảm giác tuyệt vời khi biết rằng mình không đơn độc.
Hai cuốn sách bạn nhắc đến đều có phong cách viết rất phá cách, đặc biệt là Jack Kerouac. Jack viết như thể anh đang kể chuyện với cả đám bạn nhậu, rất ngẫu hứng, rất lan man nhưng lại rất hay. Cuốn sách thể loại du ký nhưng không hề có giới thiệu phong cảnh chỗ này chỗ kia, tất cả chỉ là con người, câu chuyện và cảm xúc, đọc mà có cảm giác như bị cuốn vào chuyến phiêu lưu của tác giả. Mình nghĩ Trên đường giúp mình tự tin hơn vào cách viết của mình.
![]() Bìa tác phẩm Xách ba lô lên và đi |
Viết… rơi nước mắt
* Trong sách có đoạn viết: “Em là cô gái dũng cảm nhất mà anh từng gặp. Đi đến bất cứ nơi nào em muốn, nhưng hãy nhớ rằng, hành trình thực sự không phải là về những nơi em đến, mà là về những con người em gặp”. Đó là lời đề tặng trong món quà sinh nhật tuổi 20 của Huyền Chip từ một người bạn ở Mumbai. Thế nhưng với bạn vẫn cảm giác “nghe thấy ốc đảo là sướng mê”. Vậy thì “hành trình thực sự” theo bạn là đâu?
- Câu hỏi này khó đấy. Tôi cũng không biết lý giải sao nữa. Cứ nghĩ đến những nơi mình chưa đến bao giờ là tim lại cháy lên, muốn đến ngay lập tức. Nhưng sau khi đến đó rồi, những gì đọng lại trong mình luôn là những con người mình gặp.
* Bạn nghĩ gì khi cuốn sách chỉ 4 ngày đã bán hết? Bạn có tự tin về ngòi bút của mình khi được độc giả đón đợi nhiều như thế?
- Tôi biết, nhiều người quan tâm đến cuốn sách đơn giản là vì người ta tò mò về chuyến đi của mình, hay chỉ đơn giản là tò mò về cách suy nghĩ hay cách sống của mình.
Kể từ khi cuốn sách ra mắt, tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Có những phản hồi khiến mắt mình ngân ngấn nước mắt. Thực sự có viết rồi mới biết được hạnh phúc của người viết. Đó là được người khác đọc và đồng cảm với mình. Đó là cảm giác rằng một thứ mình làm thật tình cờ lại có thể có tác động tích cực đến ai đó khác. Có nhiều bạn đọc xong quay lại mua thêm vài cuốn để tặng bạn bè. Có một thầy tóc bạc phơ cũng đứng chờ mua sách cả tiếng đồng hồ để tặng học trò của mình. Có nhiều bậc phụ huynh nhờ mình ký tặng sách cho con cái của họ. Nhưng mình biết, mình không phải là nhà văn. Mình chỉ đơn giản là người kể chuyện. Nếu cuốn sách có hay, thì đó không phải là do mình có tài viết văn, mà là do những câu chuyện.
* Sau Xách ba lô lên và đi chắc bạn sẽ viết nữa, vì thấy ghi ở đây là tập 1?
- Tôi vẫn tiếp tục đi và sống thôi. Viết là một chuyện tình cờ, nếu còn cảm hứng thì mình sẽ tiếp tục viết.
Nguyễn Nhật Lâm (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất