Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Viết thêm 1.000 trang vì "món nợ" với triều Trần

06/12/2009 16:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Năm 1993, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã hoàn thành bộ tiểu thuyết 4 tập có tên Bão táp triều Trần với độ dày hơn 2.000 trang. Để rồi, như chưa... thỏa mãn, trong 17 năm tiếp theo, ông lặng lẽ viết thêm 1.000 trang cho bộ sách này - dù Bão táp triều Trần đã phần nào tự khẳng định và có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Viết rải rác trong 6 năm kể từ 1987, bộ tiểu thuyết gồm các cuốn Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyền Trân Công chúaVương triều sụp đổ. Như lời tự nhận xét của tác giả , đó là những “lát cắt lịch sử” xoay quanh trục chính là vương triều nhà Trần (1225-1400). Trong đó, mỗi cuốn sách lại là một câu chuyện riêng, gắn với những diễn biến lịch sử khác nhau trải suốt 140 năm. Tổng cộng, cả thời gian nghiền ngẫm nghiên cứu và tìm tư liệu, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã mất gần 20 năm để hoàn thành Bão táp triều Trần. Bản thân bộ sách khi ra đời cũng đã nhận được sự hưởng ứng khá nhiệt tình của độc giả và giành giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2008.

Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết:

- Phần bổ sung cho Bão táp triều Trần có số lượng khoảng 1.000 trang và đã được hoàn thành. Tôi viết thêm vì một lý do khá đơn giản: Những sự kiện được nhắc tới trong bản viết cũ mới chỉ là một phần trong lịch sử triều đại nhà Trần. Nôm na, nếu vương triều Trần tồn tại trong 175 năm (từ 1225) thì mới chỉ có khoảng hơn 100 năm lịch sử được tôi đưa vào sách. Phần viết thêm chính là để giải quyết “món nợ” với hơn 70 năm còn lại.


Nhà văn Hoàng Quốc Hải và cháu gái tại Ngày hội thơ VN 2009

* Có nghĩa, ông muốn hoàn thành bộ sách để “điểm mặt” đủ hết các sự kiện lịch sử trong thời Trần?

- Tôi đã hơn một lần chia sẻ quan điểm của mình: Văn chương hóa lịch sử là điều phải làm. Những trang sử cũ vốn ngắn gọn và khô khan. Nếu được “văn chương hóa” bởi nhà văn, đó sẽ là những cuốn sách mang lại kiến thức lịch sử và cảm hứng tìm hiểu cho người đọc. Trung Quốc đã làm rất tốt điều đó, tới mức độc giả Việt Nam cũng gần như thuộc lòng lịch sử của họ. Còn việc văn chương hóa các trang sử của chúng ta từ trước tới nay thì sao?

Viết tiếp Bão táp triều Trần để để câu chuyện lịch sử được liền mạch và hoàn chỉnh, để người đọc có một cái nhìn khái quát, đầy đủ hơn về triều đại anh hùng này - đó là cái đích giản dị của tôi.

* Ông có nghĩ tới cái đích đó khi bắt đầu viết Bão táp triều Trần không?

- Khi ấy, tôi lo lắng chưa hiểu sức mình có thể làm được tới đâu. Bởi vậy, tôi bắt đầu bằng những nhân vật lịch sử thật sự cuốn hút mình. Chẳng hạn, xếp theo thứ tự thời gian thì Huyền Trân công chúa là tập thứ ba của bộ sách. Nhưng thực tế, đó lại là cuốn đầu tiên được tôi hoàn thành, vào năm 1987.

Bây giờ, sau 16 năm, khi Bão táp triều Trần phần nào được bạn đọc đón nhận, tôi cũng có thêm động lực và sự tự tin để viết thêm cho bộ sách này.


* Vậy, những sự kiện lịch sử nào sẽ được ông khai thác trong phần viết thêm này?

- Cơ bản, đó vẫn là 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân dân Đại Việt vào các năm 1257, 1285 và 1288. Trước đây, tôi đã dành toàn bộ dung lượng của Thăng Long nổi giận để viết về cuộc chiến đấu năm 1285. Những trang viết thêm sẽ tập trung vào diễn biến của 2 cuộc kháng chiến còn lại.

Ngoài ra, trong cuốn Huyền Trân Công chúa bản cũ, tôi mới chỉ dừng lại ở cái chết của Chế Mân, nhà vua Chiêm Thành. Phần bổ sung sẽ tiếp tục câu chuyện về cuộc đời bà, từ chuyến vượt biển về Đại Việt cho tới khi xuất gia theo đạo Phật...

     Tiếp tục hoàn thành 3.000 trang về triều Lý.

     Trong 16 năm qua, song song với việc viết thêm 1.000 trang cho Bão táp triều Trần, nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng bắt tay vào bộ tiểu thuyết Lý triều bát đế về 8 đời vua nhà Lý. Theo lời ông, bộ tiểu thuyết này cũng có độ dày 3.000 trang và chỉ còn vài chục trang kết là sẽ hoàn thành. Chắc chắn, Lý triều bát đế và Bão táp triều Trần (bản mới) sẽ cùng xuất bản trong năm 2010.

* Với 1.000 trang viết thêm, độ dày của Bão táp triều Trần sẽ được nâng lên gấp rưỡi (3.000 trang). Vậy, bộ sách sẽ có cấu trúc mới như thế nào?


- Nếu mọi chuyện thuận lợi, Bão táp triều Trần bản mới sẽ ra mắt độc giả trong năm 2010. Hiện, tôi vẫn muốn giữ nguyên cấu trúc bốn tập với những cái tên cũ như Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận... Một phần, đó là những cái tên đã định hình và được độc giả chấp nhận. Mặt khác, như đã nói, phần viết thêm là những câu chuyện “xen” vào giữa các giai đoạn lịch sử được nhắc tới trong bản cũ. Không thể in phần này thành những tập riêng.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm