Nhà văn Bích Ngân: 'Dấn thân' vào viết kịch bản lịch sử

18/10/2022 18:58 GMT+7 | Văn hoá

Bích Ngân có chiều cao của một nữ người mẫu, 1m70, và gương mặt hiền hậu kiểu con gái miền Tây. Thông thường một người phụ nữ có ưu thế ngoại hình sẽ ít khi làm nghề viết lách. Nhưng Bích Ngân thì khác, chị chọn cầm bút và có nhiều tác phẩm ấn tượng với độc giả, cả ở lĩnh vực văn chương và sân khấu.

Nhà văn Bích Ngân: 'Nối nghiệp' Bác Ba Phi

Nhà văn Bích Ngân: 'Nối nghiệp' Bác Ba Phi

NXB Trẻ vừa ấn hành tập truyện 'Cái đầu siêu định vị' được nhà văn Bích Ngân “luận bàn” giới tính, hay đúng hơn là thế giới con người bằng góc nhìn hài hước.

Mới đây kịch bản Vương quyền (đoạt giải B của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2021) của chị đã được đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt dàn dựng và đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022.

Cảm xúc dồn nén vào trang viết

Dẫu rất đa năng, nhưng Bích Ngân vẫn cho rằng viết là một hành trình rất nhọc nhằn. Chị rất ít nói và chị thừa nhận mình không giỏi phát biểu trước đám đông. Có thể, sự ít bộc bạch của chị là do ảnh hưởng tính cách của vị tiền bối mà chị rất kính quý - nhà văn Trang Thế Hy, cũng là người chọn đăng tác phẩm đầu tiên của chị trên báo Văn nghệ TP.HCM.

Hình như tất cả các suy nghĩ và cảm xúc chị dồn vào trang viết. Chị viết miệt mài và liên tục cho ra nhiều tác phẩm. Giờ đây, dẫu đang ở cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nơi quy tụ đến 400 cây bút nhiều lứa tuổi, chị vẫn chăm chỉ viết. Những gì chị viết ra, kể cả viết Facebook, cũng đậm đặc nét suy tư về thân phận con người.

Chú thích ảnh
Nhà văn Bích Ngân

Viết nhiều và viết khỏe, nhưng chị vẫn cho rằng viết là một hành trình nhọc nhằn nên chị viết chậm và nắn nót từng con chữ và từng ý tứ. Bởi với chị, viết ra được những điều có ý nghĩa thật sự không đơn giản.

Nhưng, được viết với Bích Ngân là niềm hạnh phúc. Chị có thói quen dậy sớm và giải bày một cảm xúc, một điều trăn trở gì đấy trên Facebook cá nhân, rồi chị quan sát và đọc. Tất cả những gì tâm đắc được chị lưu giữ trong trí nhớ và miêu tả nó bằng con chữ được tinh luyện qua chiêm nghiệm của mình. Chị mê viết nên dấn thân vào nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện hài, và cả làm thơ. Không chỉ viết, chị luôn nghe ngóng và phát hiện nhiều cây bút mới. Hồi trước, chị đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, nơi giới thiệu rất nhiều cây bút tuổi 8X, 9X có bút lực tốt. Giờ đây, Hội Nhà văn TP.HCM dưới sự điều hành của chị cũng đang có nhiều hoạt động sôi nổi dành cho các tác giả trẻ cả văn và thơ.

“Viết kịch là một thử thách đầy cám dỗ”

Theo quy luật tự nhiên, qua thời gian con người sẽ thêm tuổi thể lực và khát khao sẽ hao mòn. Thế nhưng, Bích Ngân càng viết càng hăng, càng thêm tuổi càng tích lũy được nhiều tri thức và kinh nghiệm cuộc đời. Dẫu bộn bề, chị quyết tâm dấn thân vào con đường viết kịch bản lịch sử, một sân chơi còn thưa vắng. Hay nói cách khác, viết kịch bản sân khấu ít tiền hơn các thể loại kịch bản khác - mà trong đó kịch bản lịch sử lại vô cùng dụng công. Bích Ngân thích cái khó vì chị luôn sung sướng khi thấy tác phẩm của mình đặt đúng vào một môi trường tử tế, đậm chất văn học.

Chú thích ảnh
Vở cải lương “Vương quyền” dàn dựng từ kịch bản của Bích Ngân đã giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022

Chị nói: “Viết kịch, tức là viết kịch bản văn học, mà kịch bản văn học là một thể loại của văn chương. Ở Việt Nam còn hiếm nhưng ở phương Tây hay Trung Quốc, Nhật Bản… rất nhiều nhà văn cũng là kịch tác gia nổi tiếng. Kịch thực ra chỉ là hình thức khác của văn chương. Nhưng không gian kịch chỉ diễn ra trên sân khấu nhỏ và thời gian chỉ xảy ra trong vài tiếng, nên tác giả không thể tha hồ với con chữ mà phải biết nén lại những điều đắc địa nhất. Viết kịch là một thử thách, nhưng là một thử thách đầy cám dỗ”.

Với kịch bản văn học Vương quyền, Bích Ngân muốn góp phần vén lên một màn bí mật của lịch sử triều đại vua Minh Mạng. Qua vụ án oan Tống Thị Quyên (vợ hoàng tử Cảnh) bị vu cáo, chị muốn miêu tả những âm mưu chính trị chốn quyền lực - nơi những con người ruột thịt sẵn sàng giết nhau để tranh quyền đoạt lợi. Nhưng thông điệp chính của chị là đề cao trung thần Lê Văn Duyệt, một người luôn xả thân bảo vệ công lý bất chấp điều đó có thể là trái lệnh vua. Kịch bản ấy, không dành cho đối tượng khán giả chỉ thích xem nghệ thuật thuần túy giải trí, nó phù hợp với những người thích tìm tòi và tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.

Ngoài Vương quyền, Bích Ngân đã hoàn thành một kịch bản lịch sử khác là Vương thành với câu chuyện kể về người sáng lập nhà tiền Lê của nước Đại Cồ Việt. Trước đó, chị cũng đoạt giải C của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam với kịch bản Phiên xử nhà Thái Miếu, và một kịch bản còn trong ngăn kéo là Lời thề trước Đền Hùng viết Nguyễn Thái Học.

Bằng cách ấy, Bích Ngân vô hình trung trở thành một người diễn giải lịch sử bằng tác phẩm nghệ thuật. Có thể, số lượng khán giả xem tác phẩm lịch sử của Bích Ngân được kể dưới hình thức cải lương, hay kịch nói, chỉ có giới hạn trong khán phòng vài trăm người cho mỗi suất diễn. Nhưng, lựa chọn của chị hẳn sẽ tạo cảm hứng cho nhiều tác giả trẻ khác, để viết về những điều hay và đẹp của dân tộc mình.

Nhà văn Bích Ngân sinh năm 1960, tốt nghiệp Khoa Văn,Đại học Tổng hợp TP.HCM và Trường Viết văn Nguyễn Du, hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM.

Một số tác phẩm pẩm tiêu biểu: Thế giới xô lệch, Quyền được sống, Đường đến cây cô đơn, Gương mặt kẻ khác (văn học), Đất không cưu mang, Anh muốn được ở bên em, Dòng xoáy nghiệt ngã, Những hòa âm dang dở (kịch bản sân khấu).

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm