29/03/2009 13:49 GMT+7 | Đọc - Xem
Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ dần còng xuống
Cho ngày con một thêm cao.
(TT&VH) - Đó là những câu thơ trong bài thơ “Trong lời mẹ hát” của tác giả Trương Nam Hương được chọn in trong SGK lớp 5 (tập 2). Đằng sau những câu thơ, những hình ảnh thơ khiến người ta chộn rộn về một miền tuổi thơ đắm trong lời ru của mẹ là những câu chuyện, những tâm tư cũng vô cùng thú vị…
* Bài thơ viết lúc ru con
Thơ Trương Nam Hương thường lung linh những hình ảnh về mẹ, về quê hương và tuổi thơ. “Trong lời mẹ hát” cũng thế! Anh tâm sự: Tôi viết bài thơ này cách đây đã hơn 20 năm, bài thơ bằng tuổi con gái tôi bây giờ. Tôi viết trong lúc ru con, viết để nhớ những tháng năm thơ bé của mình cũng là nhớ lại những lời ru ngày xưa của mẹ. Mỗi lần tôi đưa nôi là một lần con tôi bồng bềnh trong lời thơ ấy (nói đúng hơn đầy đủ hơn là chính tôi cũng đang bồng bềnh trong các miền kí ức tuổi thơ của mình). Tôi nhớ về mẹ, về quê hương, về những miền đất, về những năm tháng gian nan khó nghèo, đã cưu mang nuôi dưỡng mình. Đẹp, buồn và trong trẻo biết bao. Không chỉ có thế, bài thơ còn là một phần đời chính người mẹ của tôi. “Tất cả sự vật, hình ảnh trong bài thơ tôi lấy chất liệu từ quê ngoại của mình: Kinh Bắc.”
![]() Nhà thơ Trương Nam Hương |
Bài thơ lần đầu được đăng trên báo Khăn quàng đỏ năm 1987, sau đó được in trong rất nhiều tuyển tập thơ thiếu nhi trước khi được trích trọn vào SGK lớp 5 (tập 2) vào năm 2005. Như tác giả kể lại, Nhà thơ Định Hải có lần nói với tôi: “Hương viết cả cho mình đấy, không chỉ cho riêng thiếu nhi đâu, cho cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ mình cơ đấy”.
Bản gốc bài thơ Trong lời mẹ hát gồm 8 khổ, nhưng khi đưa vào SGK lớp 5, BBT chỉ trích hai khổ thơ đầu nối với hai khổ thơ cuối, điều này khiến những ảnh quê hương và mẹ cũng bị tiết giảm nhiều so với nguyên bản (4 khổ in nghiêng trong bài bị lược bớt khi đưa vào SGK).
Trong lời mẹ hát
Khóm trúc, lùm tre huyền thoại,
Lời ru vấn vít dây trầu,
Vầng trăng mẹ thời con gái,
Vẫn còn thơm ngát hương cau.
Con nghe thập thình tiếng cối
Mẹ ngồi giã gạo ru con
Lạy trời đừng giông đừng bão
Cho nồi cơm mẹ đầy hơn..
Con nghe dập dờn sóng lúa
Lời ru hóa hạt gạo rồi
Thương mẹ một đời khốn khó
Vẫn giàu những tiếng ru nôi.
Áo mẹ bạc phơ bạc phếch
Vải nâu bục mối chỉ sờn
Thương mẹ một đời cay đắng
Sao lời mẹ vẫn thảo thơm.
Với nhà thơ Trương Nam Hương - nhà thơ trưởng thành sau khi đất nước giải phóng (1975) thì việc được chọn thơ đưa vào giảng dạy trong nhà trường là niềm hạnh phúc đối với người sáng tác.
* Nhiệm vụ là làm sao để học sinh không sợ môn văn.
Theo nhà thơ Trương Nam Hương, mỗi lứa tuổi có những đặc điểm, tính cách, gu thẩm mỹ cũng như những yêu cầu tiếp nhận, thưởng thức rất khác nhau, rất riêng. Do đó khi viết anh luôn hướng đến những đối tượng mà mình muốn chia sẻ. Viết, đặc biệt mảng đề tài cho thiếu nhi là một công việc thật lí thú nhưng cũng đầy khó nhọc. Lí thú là được khám phá phát hiện thế giới tuổi thơ theo chiều ngược thời gian của tuổi mình nhưng lại bằng ánh nhìn, cách nghĩ, lối thể hiện tươi rói của trẻ em hôm nay. Điều khó nhọc là người viết phải làm sao vượt qua sự già nua, mòn cũ trong cảm xúc.Viết cho các em thiếu nhi, học sinh nên dùng nhiều những hình ảnh gần gũi sinh động, ý thơ hóm hỉnh, khơi gợi những điều mới mẻ, trong sáng, cao thượng. Văn học trong nhà trường phải làm cho học sinh yêu tiếng Việt, văn hóa Việt Nam, học một cách hứng thú, tạo sự say mê đọc sách không phải sợ môn văn.
Nói về các vấn đề liên quan đến SGK nhà thơ Trương Nam Hương cho biết: “Có dịp tìm hiểu, trao đổi về sách giáo khoa văn hiện nay cũng như việc giảng dạy và học văn trong nhà trường tôi với một chị bạn là giáo viên chuyên văn của một trường chuyên tại TP. HCM thì được biết rằng học sinh học văn bây giờ có vẻ đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Vì SGK đã "tích hợp" các phân môn (Tiếng Việt, Làm văn, Giảng văn) vào thành một (đúng theo cả nghĩa đen, vìchỉ còn một cuốn sách, có tên là Ngữ Văn). So với trước thời chúng tôi đi học, hệ thống văn bản có những thay đổi đáng kể, quan trong nhất là có thêm mảng Văn học sau 1975. Ví dụ: Lớp 9 có Nguyễn Duy (Ánh trăng), Nguyễn Minh Châu (Bến quê); lớp 12 có Thanh Thảo (Đàn ghi ta của Lor-ca), Nguyễn Khải (Một người Hà Nội), Nguyễn Minh Châu (Chiếc thuyền ngoài xa) ...
Bên cạnh những văn bản (tác phẩm) văn học, có thêm các văn bản nhật dụng, văn bản nghị luận, điều này cũng có tác dụng làm việc dạy - học văn hiện nay gắn với đời sống, giúp cho học sinhkhả năng thâm nhập, tiếp cận với những vấn đề chính trị - xã hội.
Kì sau (Chủ Nhật, 5/4): Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo, SGK lớp 12)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất