Nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên với tập thơ "điện ảnh" đầu tiên của Việt Nam

17/05/2009 15:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Dang tay đón em vào lòng/ Đất trời như ngừng chuyển động”, đấy chỉ là một câu trong hàng trăm bài thơ tình của nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên - thân phụ họa sĩ Lê Thiết Cương - một người Hà Nội sống ở TP.HCM 30 năm. Ông vừa ra mắt tập thơ điện ảnh (ĐA), cuốn sách đầu tiên viết về ĐAVN bằng thơ.
 
Ông Lê Nguyên bên Hạt thóc - tác phẩm mới nhất của con trai - họa sĩ Lê Thiết Cương

Gọi ông là “chàng trai 78 tuổi”, vì nếu đọc 5 tập thơ từ 1994 đến nay, nghe các bài hát (Hãng phim Phương Nam phát hành), thì không thể biết ông đã sắp bát thập. Gặp ông tại 39 Lý Quốc Sư (HN), sự trẻ trung từ thần thái đến khẩu khí đã cho tôi hiểu, người giàu tình yêu cuộc sống đến thế, thì bút lực sung mãn, tình tứ là lẽ tất nhiên.

Bài thơ điện ảnh đầu tiên: dành cho Jane Fonda

* Thưa nhà BK Lê Nguyên, ông đã viết và đoạt giải thưởng nhiều kịch bản (KB) ở hầu hết các thể loại thời sự, tài liệu, hoạt hình, biên tập cho các phim truyện nổi tiếng (Cánh đồng hoang, Vùng gió xoáy - ĐD Hồng Sến), sao ông không viết một KB, theo xu hướng phim truyện, tài liệu với các nhân vật thật hay chí ít là hồi ký, tự truyện thể loại “hot” hiện nay, thu hút nhiều người xem, dư luận?

- Tôi làm thơ từ hồi trai trẻ. Thú thật, trai Hà Nội, con nhà tư sản, biết tiếng Pháp lại yêu nghệ thuật, thì chuyện thơ nhạc là tất yếu thôi. Tôi viết từ trong chiến tranh đến thời bình, là kỷ niệm về các chuyến làm phim vào chiến trường với bạn đồng nghiệp, những bài thơ phim, như nhật ký xúc cảm. Tôi không quan tâm đến trào lưu, thời thượng. Với tôi, thơ là tiếng nói nhạy cảm, tinh tế nhất của tâm hồn. Thơ và điện ảnh là hai chị em.

* Ông viết “máy quay, bút là vũ khí”. Như vậy, cuộc đời nghệ thuật của ông cũng là đời chiến sĩ?

- Suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi luôn xuống tận chiến trường để viết bài (phụ trách Anh dũng - tờ báo duy nhất của Sư đoàn 312), huy động cả anh em phóng viên cùng chiến đấu. Nhiều phóng viên lao vào tuyến lửa, ra mặt trận. Những tên phim mang tên những địa danh, trận đánh ác liệt; nhiều thước phim phải trả bằng máu những liệt sĩ quay phim. Nền ĐA cách mạng VN là nền ĐA trưởng thành trong chiến tranh, vì thế đề tài chiến tranh vẫn là ám ảnh... Làm sao quên được chiếc com-măng-ca phủ đầy lá ngụy trang, từ xưởng phim lên đường ngày 25/9/1965 vào Nghệ An, Hà Tĩnh nhưng chỉ mình tôi sống sót trở về, còn anh Trần Bảo (đạo diễn), Thái Dũng (quay phim), Nhân (chủ nhiệm), Đính (lái xe) đều ngã xuống vì bom đạn.

Đặt tên con trai (Lê Thiết Cương) theo tên của đồng đội!

“Tôi đã có mặt ở Điện Biên Phủ từ trận đầu Him Lam đến trận cuối cùng. Con trai tôi sinh tại khu gang thép Thái Nguyên và bạn tôi là Thiết Cương, Tiểu đoàn trưởng Sư đoàn 312 đã ngã xuống trước trận tổng công kích bắt sống tướng De Castries. Vì thế mà con tôi mang tên “Thiết Cương” (tâm sự Lê Nguyên).

* Trong 41 bài thơ của tập thơ điện ảnh, bài thơ nhiều tuổi nhất viết năm 1972 dành cho minh tinh lừng lẫy  Jane Fonda. Xin ông hãy kể về kỷ niệm đặc biệt này?

- Lúc ấy, diễn viên điện ảnh Jane Fonda có chồng là thượng nghị sĩ phản chiến. Cùng với chồng, ở Mỹ, bằng quyền uy của một nghệ sĩ lớn, chị đã nhiều lần lên tiếng, biểu tình, kêu gọi chính phủ chấm dứt chiến tranh tại VN. Năm 1972, Jane Fonda bay đến HN, không đi cùng chồng. Jane sang thăm VN với tư cách nghệ sĩ, yêu nghệ thuật và hòa bình. Chị mặc áo bà ba, bước xuống sân bay Gia Lâm, qua đường đê, về thẳng Bảo tàng Lịch sử để gặp, giao lưu ngay với nghệ sĩ điện ảnh sau một chuyến bay dài không nghỉ, vì lịch làm việc chật kín.
 
Người ta bố trí văn công múa hát chào mừng, một chương trình hơi dở, bởi thời gian rất ít, cần biểu đạt tình cảm, cảm ơn Jane, giao lưu nghề nghiệp và trò chuyện hơn là ngồi xem văn nghệ. Tôi tức tốc viết tại chỗ bài thơ Từ một ngôi sao xa lạ, và bất thần đứng trước micro, đọc thật chậm để anh phiên dịch hiểu và kịp dịch cho Jane. Một bất ngờ không có trong kế hoạch đón tiếp, nhưng đã được lãnh đạo, nghệ sĩ hoan nghênh, coi là “bàn cứu nguy”.

Hôm ấy, có các ĐD: Trần Vũ, Hải Ninh, Trần Đắc, BK Hoàng Tích Chỉ, nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy, Nguyễn Quang Tuấn, diễn viên Trà Giang, ông Hà Xuân Trường (Thứ trưởng Bộ VH) và lãnh đạo Cục ĐA, giám đốc các hãng phim. Tất cả cùng Jane im lặng nghe bài thơ: “Từ một ngôi sao xa lạ/Chị đã trở nên ngọn lửa ấm gần/Jane Fonda! Cái tên giờ đây sao thân thiết hiền hòa.../ Từ một ngôi sao xa lạ trên màn bạc cuối trời/Bạn đã trở thành ngọn lửa ấm gần bên mỗi chúng tôi”.

Dứt bài Jane chạy đến ôm chầm lấy tôi. Sau đó, bài thơ được in trên tạp chí Điện ảnh ở HN và cả tờ Tin sáng tại Sài Gòn.

Làm thơ về điện ảnh

* Đọc tập thơ, thấy cả hành trình ĐA của ông qua các mối quan hệ thân ái với bạn nghề, lịch sử điện ảnh từ thời ở chiến khu đồi cọ, bưng biền, tới các phim nổi tiếng của những tên tuổi đã thành kinh điển của ĐA cách mạng!

- Làm thơ như thế, là ghi nhận giá trị phim, sự nghiệp của bạn, cũng như ấn tượng của mình. Có thơ cho các nghệ sĩ: ĐD Khương Mễ, Trương Qua, Xuân Phượng, NSND Trà Giang, vợ chồng NSƯT Lân Bích - Minh Đức; cho phim: Còn lại một mình, Cánh đồng hoang, Điệp khúc hy vọng (Hồng Sến), Cho đến bao giờ, Về nơi gió cát (Huy Thành), Bài ca đầu chỉ là nốt nhạc (Xuân Thành), Hoa cát, Tình không biên giới (Lê Văn Duy), Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế (Trần Văn Thủy)...

Bài Có một tình yêu không biên giới tặng ĐD Pháp Samuel do chính tôi dịch ra tiếng Pháp. Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM đã chọn dịch để giới thiệu 10 bài thơ của tôi.

“Thôi không còn diễn nữa/ Xa rời ống kính trường quay/ Con sông quê hương nước vẫn vơi đầy/ Vẫn chở phù sa đắp bồi ruộng bãi/ Trà Giang trên bầu trời sao còn sáng mãi/ Trong hình tượng chân dung cô gái Việt Nam/ Trong nét đẹp kiên trung, đằm thắm dịu dàng/ Như tia lửa cháy đến tận cùng sức sống/ Như hương một loài hoa mãi còn lắng đọng...” (Trích Nét cọ hồn quê - thơ Lê Nguyên, đề tặng Trà Giang - diễn viên, hoạ sĩ).

 
* Ông đã 3 lần tham luận ĐA bằng thơ được hoan nghênh. Đây là điều độc đáo, vì đa số tham luận trong các hội nghị, đại hội ở ta đều dài và ít bài hay, thuyết phục?

- Tại Đại hội ĐA V (2000), tôi đọc tham luận thơ kêu cứu cho phim hoạt hình, ghi nhận giá trị của thể loại này, cũng là để động viên cho các đồng nghiệp hoạt hình - một thể loại thiệt thòi về vật chất (tiền đầu tư) và tên tuổi ít được quảng bá. Tại ĐH lần VI, 8/2005, tôi đọc Những thước phim từ trái tim dâng hiến, tưởng nhớ những người đã mất trong chuyến làm phim 1965.

Tôi còn tham luận bằng thơ ở Moskva. Đó là tháng 10/1983, tại hội thảo nghệ thuật phim truyện VN - Liên Xô, tôi và BK Vũ Lê Mai đi dự cùng ĐD Trần Đắc (trưởng đoàn) phía VN chưa tạo được ấn tượng gì, ĐD Trần Đắc lo quá, vì sáng hôm sau là buổi cuối cùng. Đêm ấy, tôi viết chùm 3 bài lấy tên 3 bộ phim Moskva không tin vào nước mắt, Người đàn bà xa lạ, Những người đàn ông và “giữ chặt” không cho anh phiên dịch đi chơi, nhờ dịch cho xong đêm hôm ấy. May sao, phía bạn thích thú đón nhận.

* Xin cảm ơn ông!

Vi Thùy Linh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm