Nhà thơ Nguyễn Thái Dương: Thơ như là hạt bụi

19/11/2013 13:37 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Nguyễn Thái Dương vừa ấn hành tập thơ Hạt bụi thơ, bầu trời thơ nhân dịp ông giã từ nghề báo để về hưu. Các nhà thơ thường bay bổng trong khoảng thơ tình tặng các bóng hồng, nhưng với Nguyễn Thái Dương, gần như thơ ông chỉ viết về gia đình mình.

Nói đến Nguyễn Thái Dương, rất nhiều nhà văn trẻ thành danh hiện nay biết ơn ông như là “bà đỡ” cho những sáng tác đầu đời của họ. Vì ông nhà thơ hiền lành có hơn 10 năm làm Thư ký‎ tòa soạn tuần báo Mực tím, Trưởng ban Văn học của nhóm báo Mực tím - Khăn quàng đỏ - Nhi đồng, nơi đăng tải nhiều sáng tác của nguời trẻ.


Nhà thơ Nguyễn Thái Dương

Nhân dịp này, TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Thái Dương.

* Tập thơ đầu tay của ông là Bầu trời thơ, hạt bụi thơ, sau chừng ấy năm với nhiều tập thơ nữa ra đời, đến tập thơ “về hưu” này sao lại là Hạt bụi thơ, bầu trời thơ?

- 26 năm trước, tôi viết hai câu cuối bài Bầu trời thơ, hạt bụi thơ: Cha là bầu trời thơ, thơ con là hạt bụi/ Con lẫn vào cha từ bé đến muôn đời… Với hai câu ghi vào lòng như vậy, hồi ấy tôi nghĩ mình có thể yên tâm làm thơ tiếp vì cái dáng vẻ “bé đến muôn đời” của hạt bụi đang lẫn giữa mênh mang bầu trời. Nhưng hôm giỗ thứ 10 của cha, trước bàn thờ, tôi nhẩm: Tiếc con hạt bụi từ hồi / Vẫn chưa lẫn được vào trời thơ cha. Khó có thể nói sớm một điều gì với một hạt bụi, dẫu là hạt bụi thơ bé bỏng. Bài thơ Hạt bụi thơ, bầu trời thơ ra đời từ cái ngữ cảnh như vậy và tôi chọn cụm chữ ấy làm nhan đề cho tập thơ.

* Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận xét: “Đọc thơ Nguyễn Thái Dương, có cảm giác anh như người chép sử của con mình. Thật ra đó là tâm trạng của người cha dành cho con cái, tràn đầy yêu thương…”. Có phải vì xuất thân là nhà giáo nên thơ ông chỉn chu, trách nhiệm với mái ấm của mình?

- Đâu cứ nhà giáo, tôi nghĩ, “nhà” nào mà chẳng chan chứa trong lòng bao tình cảm đối với mái ấm. “Nhà” nào cũng có cách tỏ bày khi lắng chìm, lúc tha thiết: Không một ai trên đời này/ Có thể cất kỹ điều gì, kể cả niềm im lặng/ Tôi làm thơ vì cả một trời riêng tư kia/ Giấu không được trong lòng… Từ Bầu trời thơ, hạt bụi thơ (1987) đến Hạt bụi thơ, bầu trời thơ (2013), những thân thiết quanh tôi đều được thắp lên trong tôi, là vì thế.


* Được biết, ông làm thơ vận dụng cách nói lái của người miền Trung rất tài tình, vậy khi nào thì bạn đọc được cầm tập “thơ lái” của ông?

- Thơ… lái à? Cũng… vui. Theo thời gian “tích lũy” từ ngẫu nhiên, vậy mà thử… nhẩm, có đến cả trăm bài theo kiểu… tức vận, sinh vè ấy. Tôi giữ lại được là nhờ một hai người bạn đã chuyển tiếp lại hoặc ưu ái chép lại trên một cuốn tập từ những tin… nhắn qua nhắn về kia. Nhưng những chữ nghĩa ấy, thật ra, chỉ là cách giải khuây bên bàn rượu, chỉ là kiểu giải lao giữa giờ trên tin nhắn vu vơ cho đời sống bớt nặng nề, của những người muốn xả stress. Tuyệt nhiên tôi không có ý định xuất bản gì hết.

* Cả đời ông dường như gắn với giới trẻ, vì đi dạy học rồi đi làm báo cho tuổi mới lớn, ông có tin số phận mình gắn với người trẻ, vì sao?

- Tôi dạy học từ việc cố ‎tình chọn ngành sư phạm. Rồi tôi chuyển qua làm báo cũng là từ nguyện vọng đổi nghề của cá nhân. Có vẻ như số phận không dính dáng gì đến việc quyết định đời mình ở đây. Nhưng hai cái nghề khác nhau xa ấy lại có cùng một đối tượng (tuổi mới lớn), đôi khi cũng khiến tôi lẩm nhẩm trong thơ mình hai chữ “duyên nợ”: Lớp vẫy tay rồi, giờ quay lại trường xưa/ Mắt học trò long lanh nhìn… nhà báo/ Người thầy cũ đây mà… Giờ ra chơi huyên náo/ Phút giây này bỗng im phắc vì đâu? (1985). Kéo dài từ đó đến nay, duyên nợ ấy không dễ gì tàn phai ngay cả lúc tuổi đã về chiều, phải vậy không?

THANH KIỀU (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm