Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Tôi thích xem những đội bóng yếu thế…"

30/11/2022 15:34 GMT+7 | Văn hoá

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) từng đặt chân đến sân bóng World Cup 1994 tại Mỹ bằng một chuyến công tác rất tình cờ, theo lời mời của những cựu binh Mỹ dành cho những tác giả Việt Nam có tác phẩm về chiến tranh và số phận con người.

Chuyến đi này ông may mắn được bạn bè Việt kiều mua vé mời đến sân World Cup 1994, xem cùng đoàn công tác. Thực sự choáng ngợp bởi sự vĩ đại mà chỉ bóng đá mới có thể mang đến và đánh thức cả thế giới bằng ngôn ngữ đầy tính triết lý.

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về bóng đá.

* Là một nhà thơ còn khá trẻ, lại được đến sân bóng World Cup tại Mỹ năm 1994 theo lời mời của cựu chiến binh Mỹ dành cho những nhà văn, nhà thơ có tác phẩm về chiến tranh và thân phận con người. Ông vẫn còn nhớ về cơ duyên thú vị ấy chứ?

- Năm 1994, tôi theo đoàn nhà văn đến dự hội thảo mùa Hè tại Boston (Mỹ) do cựu binh Mỹ thành lập để nghiên cứu về hậu quả chiến tranh qua văn chương. Tôi là nhà văn trẻ trong Hội Nhà văn Việt Nam, lại có thể phiên dịch, nên được đi cùng đoàn có nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Tô Nhuận Vỹ.

Trong đoàn, nhà văn Tô Nhuận Vỹ rất mê bóng đá và rất ấm ức vì có mặt ở đất nước đăng cai World Cup mà không được xem, ông ấy còn đòi mua vé máy bay về nước. Trong hoàn cảnh bị "cơn nghiện World Cup" vật vã như vậy, một giáo sư người Mỹ đã nhờ con ghi hình lại World Cup ra băng đĩa, rồi phát lại cho đoàn nhà văn Việt Nam xem.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Tôi thích xem những đội bóng yếu thế…" - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nhưng thú vị nhất là chúng tôi được tặng vé vào sân xem bóng đá, lúc ấy nhà thơ Phạm Tiến Duật đã ghi âm và bình luận sôi nổi trận bóng như thể ông là một bình luận viên thực thụ. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì luôn bần thần tự hỏi: "Tại sao họ không phát cho 11 cầu thủ mỗi người một quả bóng, để họ tự đá, đỡ phải tranh giành nhau một cách rồ dại như thế?"

Trận đấu mà chúng tôi xem hôm đó là Argentina gặp Nigeria. Đó là trận đấu mà danh thủ Maradona bị buộc tội dùng chất cấm, từ đó không được thi đấu nữa.

Chỉ khi vào sân bóng trong một trận World Cup mới thấy "sức nóng" khủng khiếp. Nhìn trực tiếp sức vóc các cầu thủ Argentina và Nigeria mới thấy các cầu thủ Việt Nam nhỏ bé đến thế nào. Nếu cầu thủ Việt Nam không cải thiện được sức vóc thì dù kỹ thuật và quyết tâm thi đấu đến đâu cũng khó mà giành chiến thắng trước các đội tuyển như thế.

* Vậy sau này ông có thường xuyên xem World Cup không?

- Có lẽ các giải bóng đá này, tôi không bao giờ bỏ xem: World Cup, EURO, U23 và đội tuyển Việt Nam. World Cup có sự bí ẩn và kỳ lạ. Tôi thích xem những đội bóng yếu thế như các đội ở châu Phi, châu Á. Tôi có cảm giác thích gấp trăm lần khi xem các cường quốc lớn châu Âu họ đá với nhau. Những trận bóng sớm tôi ngồi cùng bạn bè, những trận bóng khuya, tôi xem một mình, thưởng thức bóng đá trọn vẹn, không bỏ sót một trận nào.

* Ông chia sẻ rằng đội bóng nước chủ nhà Qatar là đội bóng "đẻ non" khi đến với World Cup 2022, vì trong trận Thường Châu, đội Qatar đã bị Việt Nam hạ gục. Như ông dự đoán, nước chủ nhà Qatar đã dừng lại ở vòng bảng World Cup 2022. Tuy nhiên, ông có thấy bóng đá luôn có những bất ngờ đến sửng sốt? Ông có dự đoán đội bóng nào của châu Á sẽ vào tứ kết năm nay không?

- Bóng đá lạ lắm, vì không cho ai biết trước. Giống như một đời sống, một triết lý sống bất ngờ đến hoàn hảo: Saudi Arabia thắng Argentina, Nhật thắng Đức... Đội bóng nào sẽ vào bán kết, thật khó đoán. Tôi dự đoán Saudi Arabia sẽ vào vòng 8 đội. Nhưng cũng khó đoán lắm, như Hàn Quốc từng về vị trí thứ 4 trong một kỳ World Cup đó thôi.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Tôi thích xem những đội bóng yếu thế…" - Ảnh 2.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (thứ hai, từ trái qua) ở sân bóng World Cup 1994 tại Mỹ

* Ông cũng thường quan tâm tới văn hóa trong thể thao, hình ảnh cổ động viên Nhật nhặt rác ở sân vận động sau trận bóng lại là "chiến thắng" đẹp nhất trong lòng người yêu bóng đá trên toàn thế giới chứ không phải tỷ số 2-1 với Đức. Ông nghĩ gì văn hóa trong thể thao mà người Nhật xây dựng?

- Xã hội càng văn minh, giàu có, đầy đủ phương tiện thì người ta thường nghiêng về chủ nghĩa vật chất. Họ đâu biết rằng hưởng thụ văn hóa mới quan trọng. Cổ động viên Nhật Bản cảm thấy hạnh phúc khi nhặt rác, vì họ được chia sẻ với cả thế giới.

Bạn thử nghĩ mà xem, 32 đội bóng trên khắp thế giới tham dự World Cup cũng chỉ có 4 đội bóng được vào bán kết mà thôi. Nếu đến với World Cup chỉ vì cảm giác hơn thua, rồi thất bại, đau khổ, ta sẽ không làm được việc gì khác.

* Vừa rồi ông góp ý khá chân thành, thẳng thắn về những cô gái đẹp đặt không đúng vị trí trong những chương trình bình luận thể thao. Theo ông, bình luận World Cup là một sân chơi chỉ nên dành cho những bình luận viên kỳ cựu, có kiến văn sâu về bóng đá và những người yêu bóng đá?

- Việc đưa những cô gái đẹp lên sân khấu bình luận bóng đá là một sự ngụy biện. Những người xem bóng đá chân chính không cần điều ấy. Tôi coi đó là sự hưởng thụ văn hóa rất thấp. Các bạn gái xinh đẹp nên hiện diện ở một không gian văn hóa khác. Để lý giải, phân tích, nhìn nhận được thế trận, dự báo về bóng đá, chúng tôi cần những gương mặt có nghề như bình luận viên Quang Huy, chuyên gia Vũ Mạnh Hải… chẳng hạn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Tôi thích xem những đội bóng yếu thế…" - Ảnh 3.

Trận bóng Argentina và Nigeria tại World Cup 1994, Maradona đang tranh bóng

* Ông thích cậu thủ và đội bóng nào nhất hiện nay?

- Lối chơi của một đội bóng luôn là nền tảng, nhưng cần các cá nhân đột phá về chiến thuật, chiến lược, tạo nên những bước ngoặt quan trọng như Pele, Maradona, Zidane... Tôi thích danh thủ Maradona nhất, dù đời sống cá nhân của ông đầy bất thường, nhưng khi ông chạy trên sân cỏ, ông như một vị thánh vậy. Tôi cũng đã từng xem những băng đĩa cũ mà Pele đá, nhưng với tôi, người chơi bóng mang đầy nét thi ca, có vẻ đẹp hoang dại, chưa ai sánh bằng Maradona.

* Ông ấn tượng vị huấn luyện viên nào trên sân chơi World Cup năm nay? Vì sao?

- Tôi ấn tượng với huấn luyện viên Nhật Bản, ông là người nhẹ nhàng, không có dáng vẻ gì là huấn luyện viên, nhưng ông ta đầy cảm hứng. Ông ta truyền cho đội bóng Nhật sự tự tin trong mọi trận đấu.

* Đã bao giờ ông đặt chân tới Qatar chưa? Cảm nhận của ông về tư duy văn hóa và cách Qatar xây dựng hình ảnh qua World Cup năm nay?

- Tôi chỉ đi qua sân bay Qatar và dừng chân tại đây 6-7 tiếng đồng hồ. Sau World Cup 2022, tôi sẽ đến Qatar ngay khi có thể. Thật dễ dàng để hiểu rằng Qatar đăng cai World Cup không phải để giành được một vị trí nhất định nào đó trong giải này. Mục tiêu lớn nhất của họ là quảng bá đất nước ra thế giới.

Mặc dù Qatar là đất nước cấm rượu bia ở sân vận động, nhưng khi đăng cai World Cup và mở cửa thế giới, thì những mặt hạn chế này của họ cũng cần phải thay đổi. Có một vài nguyên tắc khác sẽ được mở ra để đón chào khách du lịch đến với Qatar hậu World Cup. Rồi sau đó mới đến việc kích cầu bóng đá ở một đất nước chưa đầy 3 triệu dân.

Vì vậy, Qatar đã chuẩn bị tất cả cho mục đích của họ, kể cả chuẩn bị sự thất bại của họ ở World Cup 2022. Người Qatar có buồn khi đội tuyển của họ không qua được vòng bảng? Tất nhiên là buồn. Nhưng họ hiểu World Cup và họ hiểu đội tuyển của họ, nên nỗi buồn sẽ đi qua rất nhanh và mọi việc liên quan đến đội tuyển trở nên nhẹ nhõm. Chuyện đội tuyển Qatar không qua được vòng bảng là chuyện hết sức bình thường. Bởi còn biết bao quốc gia đến bao giờ mới có mặt ở World Cup?!

Nếu coi sự thất bại trong mỗi trận đấu ở World Cup 2022 là việc hệ trọng nhất thì người Qatar không dại gì mà đổ ra từng đó tiền để tranh giành ngôi vị ở World Cup 2022 với những ông khổng lồ của bóng đá thế giới. Một dân tộc biết chuẩn bị cả sự thất bại cho mình trên con đường vươn tới tương lai là một dân tộc đáng kính nể. Và dân tộc đó sẽ đi xa. Còn ngược lại...

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Tôi cũng đã từng xem những băng đĩa cũ mà Pele đá, nhưng với tôi, người chơi bóng mang đầy nét thi ca, có vẻ đẹp hoang dại, chưa ai sánh bằng Maradona" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Hoàng Thủy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm