Nguyễn Nhật Ánh: Ký ức và sương khói quê nhà

01/09/2012 14:44 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Hiện nay, có thể nói Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn có lượng người hâm mộ nhiều nhất Việt Nam khi các tác phẩm viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn của ông luôn được đón nhận nồng nhiệt với số bản in nhiều kỷ lục. Ông nhà văn của tuổi mộng mơ này lại vừa được NXB Trẻ ấn hành cùng lúc hai cuốn tản văn viết về xứ Quảng quê ông, gồm: Sương khói quê nhà (in lần đầu) và Người Quảng đi ăn mì Quảng (tái bản).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Được biết, hai cuốn tản văn in lần này chỉ 3.000 bản/cuốn chứ không phải in hàng chục ngàn bản như các tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh viết cho thiếu nhi. Tuy nhiên, theo một nguồn tin cho biết thêm, cuốn tản văn Sương khói quê nhà đã được NXB Trẻ lên kế hoạch tái bản với 5.000 bản. Từ lúc 8h đến 11h30 ngày Quốc khánh 2/9, tại quán Đo Đo (10/14 Lương Hữu Khánh, Q.1, TP.HCM), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dành một buổi để ký tên tặng bạn đọc lên hai tác phẩm này.

Ông đã có cuộc trò chuyện với TT&VH nhân dịp ra mắt hai cuốn sách.

Mì Quảng “món ăn của ký ức”

* Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nổi tiếng viết khỏe và mỗi khi trình làng tác phẩm mới đều tạo nên sự kiện. Nhưng dù viết khỏe đến mấy cũng ít ai nghĩ rằng ông ra mắt cùng lúc hai cuốn sách dày cộp. Xin hỏi thời gian đâu để ông viết được như vậy, vì ông còn phải làm báo hằng ngày?

- Những tập tạp văn của tôi thực ra chỉ là tập hợp các bài tôi đã đăng báo trước đây, trong đó Người Quảng đi ăn mì Quảng là tập được tái bản. Do đó, viết nhiều viết khỏe chỉ là cảm giác thôi. Tôi làm việc đều đặn, nhưng không “khỏe” đến mức một năm viết tới ba tập sách đâu!

* Hai cuốn sách mang hai tên khác nhau Sương khói quê nhàNgười Quảng đi ăn mì Quảng, nhưng nhìn chung vẫn là viết về quê hương Quảng Nam của ông. Sao ông không “gộp” hai cuốn này thành một?

- Gộp hai cuốn làm một thì dày quá. Chưa kể, Người Quảng đi ăn mì Quảng ra đời cách đây 7 năm, đã có số phận riêng của nó rồi. Cảm xúc và mối quan tâm của tôi khi viết hai cuốn sách này cũng khác nhau. Người Quảng đi ăn mì Quảng thiên về các đề tài xã hội, trong khi Sương khói quê nhà nặng về hoài niệm hơn. Có thể thời gian đã in dấu lên từng trang viết của tôi: càng lớn tuổi người ta càng có xu hướng ôn lại những gì đã qua!

* Đã có nhiều nhà văn viết về xứ Quảng, với Người Quảng đi ăn mì Quảng, theo ông có khác gì người Sài Gòn, Hà Nội, Huế... “đi ăn mì Quảng” không?

- Khác nhiều chứ! Bốn người Quảng Nam ngồi ăn mì Quảng, khi bình phẩm, nhận xét về tô mì mình đang ăn, thế nào cũng có... bốn ý kiến khác nhau! Điều đó ít khi bắt gặp ở những món ăn khác với những thực khách vùng miền khác. Sở dĩ có tình trạng này vì mì Quảng là món ăn không khép mình vào một “chuẩn mực” nhất định mà biến hóa và thích nghi một cách linh động theo hoàn cảnh.

Mì Quảng ở Đà Nẵng khác với mì Quảng ở Nha Trang, càng không giống với mì Quảng ở Đà Lạt. Ngay tại Quảng Nam - cái nôi của mì Quảng - thì mì Quảng ở các huyện trong tỉnh hương vị, thậm chí nguyên liệu cũng khác nhau, đặc biệt là “nước nhân” và rau sống. Tôi từng “tổng kết” trong bài Người Quảng đi ăn mì Quảng: “Giả dụ bây giờ mở một cuộc thi nấu mì Quảng thế nào cho đúng, chắc chắn thí sinh sẽ ẩu đả với thí sinh, giám khảo sẽ ẩu đả với giám khảo ba ngày ba đêm chứ chẳng chơi! Mà tô mì Quảng đúng nhãn hiệu sẽ không bao giờ được xác định trên cõi đời này! Bởi mì Quảng là món ăn chỉ đúng với ký ức và trải nghiệm của từng người”!

Sách người lớn sẽ “hút” độc giả trẻ

* Dịp lễ 2/9, đa phần người đọc đi du lịch hoặc về quê chứ ít ai nằm nhà đọc sách, trong khi ông chọn dịp này để ra mắt sách, hẳn là ông có “tính toán” riêng?

- Tôi có tính toán gì đâu! Tôi cứ nghĩ đơn giản ra mắt sách vào ngày Chủ nhật thì thuận tiện cho bạn đọc, vì đó là ngày nghỉ. Đến khi thông báo, thấy nhiều độc giả của tôi la trời vì đa số đều lên kế hoạch đi chơi xa hoặc về quê nên không tham dự được thì tôi mới biết dịp 2/9 này các em được nghỉ lễ tới 3 ngày. Cũng may là tôi còn một buổi tặng chữ ký khác cho bạn đọc vào ngày Chủ nhật 9/9.


2 tập tản văn của Nguyễn Nhật Ánh

* Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gắn liền với mảng sách thiếu nhi và tuổi mới lớn, nhưng hai cuốn sách này lại dành cho người lớn. Theo ông, người lớn có đón đọc sách của ông nhiều như các bạn nhỏ không?

- Căn cứ vào cuốn Người Quảng đi ăn mì Quảng xuất bản trước đây thì sách này người lớn đọc nhiều hơn là độc giả nhỏ tuổi. Nhưng tôi nghĩ các độc giả trẻ của tôi có thể vẫn tìm đọc hai tập sách này để biết nhà văn của mình nghĩ gì về cuộc sống, về các hiện tượng xã hội và nhất là để hiểu được hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm quen thuộc như Thằng quỷ nhỏ, Hoa hồng xứ khác, Mắt biếc, Bàn có năm chỗ ngồi... Thực ra, có những bài tạp văn như Đằng sau những cái nốt ruồi, Bắt đầu từ những con chữ hay Dẫn tình yêu đi xem bóng đá là tôi viết cho các bạn đọc trẻ đấy chứ!

* Nếu hai cuốn sách này cũng được đón đọc nhiều như các tác phẩm dành cho độc giả tuổi teen, ông có tính đến việc mình phân bổ thời gian để sáng tác cho người lớn thay vì chỉ chăm lo viết cho thiếu nhi?

- Chuyện đó thì tôi không nói trước được. Nếu chỉ giới hạn trong thể loại tạp văn thì tôi có thể viết thêm vài ba tập nữa, vì đây cũng là thể loại ưa thích của tôi. Còn về tiểu thuyết, dường như tôi vẫn chưa hết hứng thú làm bạn với các độc giả nhỏ tuổi.

Thanh Kiều (thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm