08/04/2015 07:31 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tháng 4/2015, TP Đà Nẵng phát hành bộ sách Lịch sử Đà Nẵng (Nguyễn Minh Hùng, Phạm Đình Kha, Hoàng Văn Khánh biên soạn, 2 tập, in 100.000 bản) đến toàn bộ học sinh phổ thông của thành phố này, với mong muốn bổ sung lịch sử vùng đất vào chương trình chính khóa. Đây là một nỗ lực rất lớn, dù để làm tốt không hề đơn giản. Báo TT&VH trao đổi với nhà thơ Nguyễn Minh Hùng (Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng) về bộ sách này.
“Chương trình và sách giáo khoa hiện hành vốn thống nhất trong cả nước. Đối với môn lịch sử (và một số môn học khác), Bộ GD&ĐT dành một thời lượng của chương trình chính khóa để dạy học phần lịch sử địa phương (7 tiết đối với THCS và 4 tiết đối với THPT). Việc biên soạn sách Lịch sử Đà Nẵng trước hết là phục vụ cho 11 tiết học này. Nên gọi là sách Lịch sử Đà Nẵng, không nên gọi là sách giáo khoa Lịch sử Đà Nẵng” - nhà thơ Nguyễn Minh Hùng cho biết.
Dạy lịch sử chưa bao giờ dễ
* Sách trải dài từ xưa đến nay, ngoài tổng quan về lịch sử, thì góc độ văn hóa, văn chương, nghệ thuật… có những điểm nào đáng kể?
- Lịch sử một dân tộc, một vùng đất suy đến cùng là lịch sử văn hóa. Đà Nẵng (rộng hơn là đất Quảng) đã ghi những dấu ấn lịch sử - văn hóa trong tiến trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Đó là sự xuất hiện sớm nền văn minh ở cuối thời kỳ đá mới - đầu thời kỳ kim khí, nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa… cùng nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử qua các giai đoạn, các thời kỳ.
Văn học - nghệ thuật với các loại thể độc đáo, các tác phẩm đa dạng trên nhiều lĩnh vực, các tác giả lừng danh… đã góp phần làm nên bản sắc của vùng đất này. Khi biên soạn tài liệu, chúng tôi hết sức chú ý đến điều đó. Tuy nhiên, với số tiết quy định, đối tượng là học sinh phổ thông, do khả năng và điều kiện, buộc chúng tôi phải có sự chọn lựa. Điều cần nói mà chưa nói thì “để dành” cho tài liệu dạy học các môn bổ sung khác (môn ngữ văn sẽ viết sâu hơn về văn học chẳng hạn).
* Ông từng nói: “… giáo viên sẽ là người cập nhật thêm tình hình thời sự của những gì xảy ra ở huyện đảo Hoàng Sa từ những nguồn tin chính thống để thông tin đến cho các em, bởi sách giáo khoa không thể chạy theo được thời sự”. Phương pháp này tại Việt Nam vẫn còn mới mẻ, nó buộc giáo viên và hệ thống giáo dục phải luôn động não, cập nhật. Ông nghĩ có quá khó?
- Dạy lịch sử cho ra “dạy” chưa bao giờ là dễ. Lịch sử luôn biến động, luôn được phát hiện và có những phân tích, đánh giá mới để tiệm cận sự thật lịch sử. Người thầy dạy sử cần nhiều phẩm chất, trong đó, việc tự học, tự nghiên cứu tư liệu, luôn cập nhật diễn biến, thời sự; từ đó, thầy dạy sử mới mong tránh cái họa “tận tín thư” như người xưa đã nói. Đương nhiên, để làm được điều đó, người thầy phải được đào tạo, phải được giúp đỡ và tôn trọng.
Cần biết nơi mình sinh ra
* Với bộ sách bao quát như Lịch sử Đà Nẵng và vấn đề thời sự như Hoàng Sa, số tiết dạy theo quy định là ít hay nhiều?
- Câu chuyện “ít, nhiều” hay “giảm tải, quá tải” trong giáo dục còn cần phải bàn, cần có giải pháp. Chúng tôi không thể làm hơn số tiết quy định trong chương trình chính khóa. Hơn nữa, như đã nói, cái gì cần thêm bớt còn ở sự chủ động, sáng tạo của thầy và trò, ở việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa hỗ trợ cho các tiết lên lớp.
Và huyện đảo Hoàng Sa được đặt trong mối quan hệ với tiến trình lịch sử đất nước, từ khi là vùng lãnh thổ cực Đông của Đại Việt đến ngày nay. Ở bậc trung học, cùng với các môn học khác, môn lịch sử góp phần quan trọng trong việc hình thành lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, nhận thức trách nhiệm của mình đối với gia đình, xã hội...
Lịch sử Đà Nẵng trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về lịch sử thành phố; góp phần làm phong phú thêm tri thức và tình cảm của các em về vùng đất, con người nơi các em đang học tập, sinh sống; hình thành ý thức đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Trên cơ sở cân đối với nhiều môn học khác, tác giả biên soạn mong muốn học sinh mỗi lớp, mỗi cấp học sẽ nắm được những vấn đề lịch sử cốt yếu, cần thiết nhất.
* Còn từ cương vị người làm sáng tạo, văn hóa và giáo dục, cá nhân ông nghĩ sao về việc học sinh Đà Nẵng có sách sử riêng của Đà Nẵng để học?
- Mỗi học sinh, mỗi công dân đều phải hiểu biết lịch sử của dân tộc, của vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên hoặc lập nghiệp. Việc biên soạn sách lịch sử địa phương là cần thiết; hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đã làm. Hoàng Sa của Việt Nam, là huyện đảo trực thuộc TP Đà Nẵng. Nên tìm hiểu về Hoàng Sa (hay biển đảo, Trường Sa… và nhiều vùng lãnh thổ của tổ quốc) là trách nhiệm chung của tất cả nhà trường và đều phải được thể hiện trong chương trình và hoạt động giáo dục.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất