Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Lặng lẽ như chưa từng xuất hiện

05/05/2013 13:18 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Những đứa trẻ chết già của nhà văn Nguyễn Bình Phương vừa được NXB Trẻ tái bản. Một tin thật vui, vì muốn đọc lại tiểu thuyết làm nên tên tuổi của anh, từng được xuất bản năm 1994 này, quả không dễ.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương vẫn chung thủy với Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ngồi trong căn phòng nhỏ ngập báo chí sách vở, thêm mùi giấy cũ lưu cữu, tường sần sùi mái ngói đỏ xô nghiêng, sân gạch rêu hoa đại vương đầy thơm ngan ngát, anh cần mẫn với vai trò người biên tập, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm.


Nhà văn Nguyễn Bình Phương

Ám ảnh từ "Những đứa trẻ chết già"

Đôi khi gặp, thấy anh thủng thẳng không có gì là vội, lúc các luồng nghĩ chăm chắm mải mê chạy theo mớ từ ngữ mà không kịp ngẩng đầu nhìn ai khác.

Rất khó để “đưa” Nguyễn Bình Phương ra với đám đông, nhất là nhậu nhẹt tụ bạ. Có lần, một số nhà văn có tiếng ngồi chung vui với nhau trong một quán nhậu ngay sát trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội, dù biết anh đang ngồi ở Nhà số 4, nhưng tất cả vẫn cá cược về việc anh có ra chung vui hay không.

 Rốt cuộc thì nhà văn Nguyễn Bình Phương vẫn tới, mà lý do giản đơn là bởi muốn gặp một dịch giả trẻ tuổi mà anh mến từ lâu mà chưa có dịp chuyện trò. Anh ngồi chừng mười phút, mà chỉ tập trung vào dịch giả đó với những câu chuyện nhẹ nhàng hỏi thăm pha lẫn dặt dè. Rồi đứng lên, đi ngay, lặng lẽ như chưa từng xuất hiện.

Ấy thế mà, trong Những đứa trẻ chết già, ngay từ mở truyện, đã thấy hiện lên dằng dặc những lời đồn đại từ những kẻ ưa ngồi lê đôi mách về cái sự xuất hiện, tồn tại của vợ chồng nhà Trường hấp. Nhân vật trong tiểu thuyết, không tiếp xúc trực tiếp với người đọc qua sự dẫn dắt của nhà văn, mà chỉ hiện lên theo lời kể của kẻ đứng ngoài ưa nhòm ngó xét nét người khác. Cũng từa tựa như hình ảnh của một cậu nhỏ Nguyễn Bình Phương, từng tò mò vì các câu chuyện kể truyền miệng nơi vùng đất gắn với tuổi thơ anh:

“Đêm ở đó buồn, đài không có, điện thì phập phù, đỏ đòng đọc, chỉ con nước mò sang nhà hàng xóm chơi, mà ở đó mỗi nhà cách nhau cả quãng dài. Tới giờ tôi vẫn không hiểu vì sao hồi đó người ta hay kể những chuyện ma, chuyện kỳ dị,  rùng rợn, ngay cả bọn trẻ con với nhau thì thoảng cũng kể cho nhau nghe như vậy. Nghe những chuyện ấy, rồi khi ra về trên quãng đường thăm thẳm, mịt mùng, cây cối nhiều, khuất khúc, cho nên đó là cả một quãng khủng khiếp”.

“Không khí ảm đạm và lưu cữu. Hoàng hôn trung du bao giờ cũng rề rà, mỏi mệt. Những quả đồi chầm chậm lùi lại, chầm chậm xuất hiện. Đôi chỗ chè hoang mọc xanh đậm lên tận chóp đồi. Hương chè nhả ra chát đặc” (T15, Những đứa trẻ chết già), bằng những câu văn ngắn gọn ấy, Nguyễn Bình Phương thong thả dắt tay người đọc đến Thái Nguyên, nơi anh được sinh ra.

Gia đình nhà văn Nguyễn Bình Phương thuộc dân thành thị, từng sơ tán tránh bom sang xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, và như lời nhà văn Nguyễn Bình Phương kể:

“Đó là vùng đất bán sơn địa, có cả người dân tộc, người Kinh và cả người Hoa sống. Vùng đất đó nghèo, gần như không có cơ hội phát triển và sau rất nhiều năm, mới đây khi quay trở lại tôi thấy quả thực về căn bản, nó vẫn như xưa vậy. Người dân thì sống phần lớn là chất phác, làm ruộng, lấy củi sang thành phố bán, cứ thế, lần hồi qua ngày. Trường học thì xa, đi bộ mấy cây số mới tới, mà phải trèo qua những quả đồi, hoặc qua những con đương ngoắt ngéo len lỏi giữa những xóm của người dân tộc. Đại khái là tôi thấy cũng khá là rùng rợn. An ủi duy nhất với tuổi thơ của tôi chỉ là Tết, khi ấy trời đất đẹp trong veo, hoa đào nở, người người rộn rạo, được ăn thịt thoải mái,có cơ hội mặc áo mới. Tôi hay theo trẻ con nông dân đi chăn trâu và thi thoảng cũng được ngồi lên lưng trâu.

Bố mẹ tôi cũng là những người yêu nghệ thuật mặc dù không ai theo nghề nghệ thuật mà chỉ làm công chức và buôn bán”. 



Tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già

Đến con đường văn nghiệp

Trước khi bước vào con đường viết tiểu thuyết, để Những đứa trẻ chết già ra đời, nhà văn Nguyễn Bình Phương gắn bó với thơ. Tác phẩm đầu tiên của anh được đăng báo, dĩ nhiên là thơ, được in trên báo Văn Nghệ: “Dạo ấy in được ở báo Văn Nghệ là oách chiến, mà người chọn in là nhà thơ Trần Ninh Hồ. Tôi đọc đi đọc lại bài thơ in trên báo Văn Nghệ và thấy mình viết cũng hay, thế là lao vào viết và gửi tiếp. Sau đó thì nhà thơ Nguyễn Đức Mậu chọn in bài của tôi ở Văn nghệ quân đội. Hai cú huých ấy làm tôi phấn chấn bước vào con đường văn chương”.

Trái ngược với con người có vẻ ngoài giản dị, hiền hòa, nhu hậu, ít nói, chất văn của tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương cũng như chính con người bên trong anh, mạnh mẽ, sắc sảo, thẳng thắn và ưa nhìn kỹ vào sự thật. Nguyễn Bình Phương là nhà văn quân đội, và chất “quân đội” ấy không hề thể hiện ra nội dung tác phẩm, mà ẩn thật sâu dưới bề mặt lớp chữ. Nó mang tính “bí mật” không thể chạm tay, nhìn thấy… mà chỉ duy nhất là cảm nhận.

Chính thế nên đôi phản ứng của anh với những thói đời giả trá cũng thật quyết liệt. Chưa từng thấy nhà văn Nguyễn Bình Phương giận dữ, chỉ mới nghe “giang hồ đồn đại”, chưa từng nghe nhà văn Nguyễn Bình Phương gay gắt, chỉ mới biết được thông tin từ phía báo giới, đến khi có dịp gặp anh xác thực, thì anh nói gọn một câu “đúng”, kèm thêm cái gật đầu. Đồng thời, ngồi lâu và đủ thân, sẽ được nghe anh kể kỹ hơn, đủ thấy đúng sai của thông tin, nếu thấy cần.

Thời gian trong quân ngũ của Nguyễn Bình Phương dài gần cả đời người. Anh từng có nhiều năm công tác tại biên giới phía Bắc, sau đó làm biên kịch tại đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, biên tập văn học tại Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân và hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Nhờ thế, thời gian quân ngũ đã: “rèn luyện cho tôi nhiều về tính cách, biết kìm nén hơn. Tôi có nhiều thời gian dong duổi lang thang dọc biên giới phía Bắc, lên nhiều điểm chốt, nghe, chứng kiến nhiều chuyện về cuộc chiến bảo vệ bờ cõi của các vùng đất ấy. Quân ngũ cũng cho tôi cái cảm quan về tình đồng đội, về sự sống chất giữa những người bạn lính với nhau. Quan trọng nhất là nó rèn luyện bản lĩnh đơn thương độc mã cho tôi”.

Nguyễn Bình Phương tự nhận thấy anh đi cũng khá khá trên đất nước này, cũng lần mò vào nhiều nơi hang cùng ngõ hẻm của đời sống. Mỗi khi được đi, anh thấy mình khỏe ra, nhanh nhẹn, hoạt bát lên và thấy yêu đất nước. “Nhưng tôi chưa bao giờ bước chân ra khỏi biên giới Tổ quốc”, Nguyễn Bình Phương tâm sự.

Sau Những đứa trẻ chết già, tiểu thuyết Ngồi cũng được NXB Trẻ tái bản, và biết đâu, nhờ cái sự muốn đi, sẽ thêm nhiều tiểu thuyết mới mang tên Nguyễn Bình Phương?

Nguyễn Quỳnh Trang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm